Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn (Mỹ) tái hiện vụ chìm tàu bí ẩn nhất thế giới khi chiến hạm Mỹ USS Indianapolis chở bom hạt nhân bị quân Nhật đánh chìm hồi thế chiến II. Trong số 1.197 thành viên thủy thủ đoàn, gần 300 người đã chìm xuống đáy biển cùng con tàu, những người còn lại bị mắc cạn ở vùng biển Philippines đầy cá mập và phải chịu đói, khát, bị cá tấn công mất mạng.
Bộ phim Điệp vụ tam giác vàng (Trung Quốc) dựa trên sự kiện có thật xảy ra năm 2011 khi hai chiếc tàu buôn Trung Quốc Huaping và Yu Xing 8 bị tấn công trên sông Mê Kông, toàn bộ 13 thuyền viên bị thảm sát, sau đó cảnh sát Thái Lan phát hiện có 900.000 viên ma túy trên tàu.
Cũng dựa vào chuyện có thật là hai bộ phim kinh dị ra rạp tại VN dịp Halloween: Căn phòng ám ảnh (khởi chiếu ngày 21/10) và Trò chơi gọi hồn 2 (ngày 28/10). Kịch bản Căn phòng ám ảnh do tài tử sêri phim truyền hình Vượt ngục Wentworth Miller chấp bút, trong đó một số sự kiện xảy ra với hai nhân vật chính của phim - mẹ con Dana, Lucas - được thuật lại từ lời kể của “nhân chứng sống” trong câu chuyện.
Trò chơi gọi hồn 2 là chuyện có thật xảy ra hồi năm 1967 tại Los Angeles, Mỹ khi một góa phụ và hai cô con gái cùng một cô gái đóng thế thực hiện buổi gọi hồn mang tính chất lừa đảo nhằm kiếm lợi, song trò chơi ảo biến thành thảm họa thật...
Từ đầu năm đến nay, nhất là hai tháng gần đây, khán giả VN được thưởng thức nhiều bộ phim nước ngoài dàn dựng dựa theo chuyện có thật như Khu rừng tự sát, 13 Hours: Lính ngầm Benghazi, Người về từ cõi chết, Joy - Cô gái mang tên niềm vui, Cô gái Đan Mạch, Ám ảnh kinh hoàng 2, Cơ trưởng Sully, Mật vụ Snowden, Thảm họa giàn khoan, Kẻ chủ mưu.
|
Những phim sắp chiếu tại VN dựa trên chuyện có thật. Cảnh trong phim Chiến hạm Indianapolis - Thử thách sinh tồn. |
Năm ngoái, người xem cũng được tiếp cận nhiều phim Hollywood dạng “người thật việc thật”: Thảm họa đỉnh Everest, Bước đi thế kỷ, Song sinh sát thủ, Người đàm phán, Biển sâu dậy sóng, Yêu thương quay về. Đó là những phim nổi bật được chọn nhập về, lượng phim làm từ chuyện có thật do Hollywood đã hoặc đang sản xuất còn nhiều hơn, biến cụm từ “dựa trên một chuyện có thật” thành từ khóa được các nhà làm phim Mỹ yêu thích.
Trào lưu này rầm rộ hơn kể từ sau hiện tượng 7/9 phim lọt vào danh sách đề cử Oscar Phim hay nhất năm 2014 xuất xứ có thật (American Hustle, Captain Phillips, Dallas Buyers Club, Nebraska, Philomena, 12 Years a Slave và The Wolf of Wall Street). Sang Oscar 2015, phim dựa trên chuyện thật chiếm đến 50% danh sách đề cử (American Sniper, The Imitation Game, Selma và The Theory Of Everything).
Cụm từ “chuyện có thật” đi kèm theo phim thường chia thành ba dạng: A true story (chuyện có thật) hay dùng với những phim tài liệu hoặc dạng phim tiểu sử chân dung, yêu cầu tuân thủ đúng thực tế. Based on a true story (dựa trên chuyện có thật) cho phép người làm thêm thắt chi tiết để phim hấp dẫn hơn hoặc phù hợp với điều kiện sản xuất. Còn với Inspired from a true story (lấy cảm hứng từ chuyện có thật) biên kịch tha hồ bay bổng sáng tạo, thậm chí có thể thay luôn tên nhân vật có thật.
Trong số này, dạng phim “dựa trên chuyện có thật” dễ gây tranh cãi nhất khi khán giả phát hiện luôn có khoảng cách giữa thực tế và những gì thể hiện trên phim. Chẳng hạn trong Người về từ cõi chết kể về cuộc chiến sinh tồn của thợ săn Hugh Glass, ngoài đời lịch sử không ghi lại người đàn ông sống ở thế kỷ thứ XIX này có bất kỳ người con nào, nên không thể có chi tiết con trai ông bị nhân vật John Fitzgerald giết khiến Hugh Glass điên cuồng tìm cách trở về báo thù như trên phim.
Cũng không có bằng chứng nào cho thấy Hugh Glass từng phải ngủ trong xác động vật. Hugh Glass đúng là có đuổi kịp hai người bạn đồng hành - John Fitzgerald và Jim Bridger- đã bỏ lại ông, nhưng Hugh Glass không trả thù đẫm máu như trên phim mà tha thứ cho họ.
Phim Mật vụ Snowden về chân dung người bị truy nã gắt gao nhất thế giới Edward Snowden gây tranh cãi dữ dội khi phim được cho ưu ái nhân vật chính bằng việc mô tả anh là người dũng cảm, sống và làm việc có nguyên tắc, đạo đức, trong khi thực tế, chính phủ Mỹ từng tung báo cáo đánh giá Edward Snowden là người ưa gây sự với quản lý, gian dối trong thi cử.
Trong tình hình ngay cả Hollywood cũng ngày càng khan hiếm kịch bản, việc tìm đến những câu chuyện thật không chỉ giúp tiết kiệm thời gian tìm ý tưởng mà còn là dịp để nhắc nhớ, vinh danh những con người cao cả. Những tác phẩm điện ảnh dàn dựng từ chuyện có thật cũng gây háo hức hơn nhiều phim hư cấu vì người xem thường tò mò muốn biết nhân vật từ đời thực đến màn ảnh khác nhau thế nào.
Thế nên khi cuối phim Cơ trưởng Sully chiếu những hình ảnh tư liệu cùng thông tin về nhân vật thật, người xem ồ lên thích thú phát hiện ngoại hình của cơ trưởng Sully ngoài đời dong dỏng chứ không tròn trịa phúc hậu như tài tử Tom Hanks - người thủ vai Sully. Họ còn có dịp so sánh hiện trường giải cứu chiếc máy bay đậu trên mặt sông như đã xem trên phim với hiện trường thật năm xưa.
Phim Mật vụ Snowden cập nhật thêm thông tin về cựu điệp viên CIA Edward Snowden “thật” đang làm gì, ở đâu sau khi làm chuyện động trời: công khai bí mật tình báo Mỹ. Với những bộ phim mà các nhân vật kẻ còn người mất, như trong Thảm họa giàn khoan, người xem không khỏi bồi hồi xúc động khi màn hình giới thiệu tên từng thành viên có mặt trên giàn khoan trong ngày xảy ra thảm họa tràn dầu đó và với những người đã mất, dòng chữ ghi tên họ chuyển sang màu xám.
Nguyễn Ngọc