Trào lưu “gây cười” độc hại và hệ quả lên giới trẻ Nhật Bản

09/05/2022 - 06:37

PNO - Khai thác chi tiết hành hung, nhạo báng và đe dọa dường như là “công thức chung” thường thấy trong không ít chương trình giải trí ở Nhật Bản. Vụ tự sát chấn động của nữ đô vật chuyên nghiệp Hana Kimura cách đây hai năm sau khi cô bị quấy rối trực tuyến, là minh chứng nổi bật.

Một diễn viên hài mặc trang phục lót bôi chất gây ngứa biểu diễn trước ống kính. Một nghệ sĩ khác vùng vẫy cố thoát khỏi một lỗ chui chật hẹp dưới mặt đất trong khi nhóm bạn diễn đứng cạnh cười nhạo nỗ lực bất thành của anh ta. Dẫu không mang thương tích trầm trọng, nam nghệ sĩ bị bỏ mặc trong đoạn hố sâu suốt sáu tiếng. Những tiểu phẩm hài theo phong cách này góp mặt thường trực nơi nhiều chương trình tạp kỹ ở Nhật. Chúng thường bao gồm hành vi chế giễu, công kích, thậm chí quấy nhiễu, nhằm “đổi lấy” tiếng cười rẻ mạt cho người xem.  

Nữ đô vật Hana Kimura chụp ảnh quảng bá cho một chương trình chỉ vài tuần trước khi tự sát - ẢNH: GETTY IMAGES
Nữ đô vật Hana Kimura chụp ảnh quảng bá cho một chương trình chỉ vài tuần trước khi tự sát - Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo mới đây từ Tổ chức Quản lý đạo đức và Cải tiến chương trình phát thanh truyền hình (BPO) - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung truyền thông tại Nhật Bản - “mua vui” cho khán giả bằng các nội dung mang ý xúc phạm được cho là hành vi tiêu cực. Báo cáo đề nghị những đài truyền hình và đơn vị sản xuất chương trình chứa yếu tố hài, giải trí cần “tránh thu hình nội dung mang tính chế giễu về tinh thần lẫn thể chất của người khác”, vốn về sau có thể “gây hệ quả không mong muốn đối với sự phát triển đạo đức, nhân cách ở thế hệ thanh thiếu niên”.

Ví dụ gây chấn động nước Nhật gần đây xảy đến với Hana Kimura, một nữ đô vật chuyên nghiệp 22 tuổi. Sau khi trở thành mục tiêu của vấn nạn quấy rối tinh thần qua internet, do từng xuất hiện trong series truyền hình thực tế Terrace House nổi tiếng phát hành bởi Netflix, Kimura đã tự sát vào cuối tháng 5/2020.

“Hành động gây cười bằng cách lợi dụng, đem ai đó làm mục tiêu tấn công, không hề hiếm thấy tại Nhật”, giáo sư Makoto Watanabe - Đại học Hokkaido Bunkyo - chia sẻ. Gavin Blair - cây bút kỳ cựu của tờ Hollywood Reporter - nhận định: “Phong cách xây dựng những nội dung hài hước bạo lực, với tên gọi “manzai” trong tiếng Nhật, khởi nguồn từ hàng thế kỷ trước. Bị tác động bởi nhiều yếu tố chính trị xã hội, lối tư duy này vẫn được duy trì đến tận ngày nay”. Theo Blair, nội dung “gây hài” bằng hành vi bạo lực, nhạo báng nhắm vào ai đó, thực tế vẫn đang chiếm khoảng 90% chương trình giải trí ở Nhật.  

Watanabe lý giải, vốn dĩ “manzai” không chủ trương cổ xúy cho bạo lực, mà sử dụng những chi tiết như thế nhằm tạo yếu tố bất ngờ, lôi cuốn người xem. Tuy nhiên, vấn đề trở nên nghiêm trọng khi người trẻ thay vì thấu hiểu cặn kẽ, lại áp dụng hành động bạo lực vào đời thực.

Giờ đây, tại Nhật, motif chương trình giải trí hài tiêu cực đang dần ít đi, nhưng chắc chắn chúng vẫn còn đó. Thế hệ thanh thiếu niên có thể bắt chước theo những gì họ thấy trên truyền hình một cách thiếu suy xét.

Watanabe nói thêm: “Người trẻ hiện thời quen sử dụng internet và hệ thống mạng xã hội để tìm niềm vui giải trí. Nhưng đây là một thế giới gần như rất khó kiểm duyệt. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp bị tấn công trên không gian mạng, nhưng đưa ra biện pháp ngăn chặn là điều không dễ”. 

Như Ý (theo SCMP, Japan Times)   
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI