Trao học bổng 'Nữ sinh hiếu học, vượt khó' lần thứ 29: Những gương mặt thương quen

19/08/2019 - 10:00

PNO - Sáng 16/8, xe dừng trước Hội LHPN H.Cần Giờ, 10 suất học bổng được đưa lên phòng họp. Hai nữ sinh chạy đến giúp sức. Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ nhìn trìu mến: “Những gương mặt thương quen đây mà!”.

Sáng 16/8, xe dừng lại trước Hội LHPN H.Cần Giờ, 10 suất học bổng được chuyển xuống, chuyền tay, đưa lên phòng họp. Hai nữ sinh chạy đến xin được giúp sức. Một thoáng ngạc nhiên, bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - trìu mến: “Những gương mặt thương quen đây mà!”.

Chương trình học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 29 của Báo Phụ Nữ TP.HCM trao 349 suất học bổng cho 349 nữ sinh trung học ở 24 quận, huyện của TP.HCM. Ngày 24/8 tới, 318 suất học bổng còn lại sẽ được trao cho các nữ sinh 22 quận, huyện tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM. Mỗi suất học bổng trị giá 2 triệu đồng và một phần quà.

Lương Thị Tuyết Trân đáp lại bằng nụ cười rạng rỡ: “Em từng gặp mọi người ở hai mùa học bổng trước rồi ạ”. Tôi hỏi: “Nghĩa là thành tích học tập của em năm này tiến hơn năm ngoái phải không?”. Trân bẽn lẽn: “Năm lớp Mười thi Olympic cấp thành phố, em đoạt huy chương đồng; năm lớp 11 đoạt huy chương bạc…”. 

Nhà Trân nghèo, sau ly hôn, ba không ngoái nhìn tổ ấm cũ. Mẹ Trân nuôi hai con bằng nghề sửa quần áo tại nhà. Không lâu sau, mẹ bất ngờ mắc bệnh ung thư. Khổ chồng thêm khổ, họ đói no tùy bữa dựa theo sức khỏe của bà. Nhưng nghịch cảnh ấy không làm giảm thành tích học tập của Trân: 11 năm liền là học sinh giỏi.

Trân nói muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Ước muốn ấy mạnh mẽ theo những lần được báo trao học bổng. “Mỗi khi tìm hiểu về bệnh ung thư, nắm kiến thức qua phác đồ điều trị hay từng viên thuốc mẹ uống, em rất ham thành bác sĩ nhưng rồi cứ lo không đủ tiền học đại học. Những lúc như vậy em hay nghĩ đến kỳ vọng của cô chú ở báo: không được bỏ cuộc” - Trân chia sẻ.

Trân là một trong 10 nữ sinh trung học thuộc H.Cần giờ nhận học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó" lần thứ 29 của báo. Mười em, 10 câu chuyện nhọc nhằn gia cảnh gặp nhau ở nỗ lực vươn lên, đạt thành tích học tập tốt. Ở H.Cần giờ có rất nhiều tấm gương nữ sinh gia cảnh khó khăn, nhưng với sự tiếp sức của học bổng đã bước chân vào đại học. Họ trưởng thành, thành công và không ít nữ sinh ngày ấy quay lại, gửi trao những suất học bổng cho đàn em.

Trưa cùng ngày, xe chúng tôi ngược về H.Củ Chi. Văn phòng Hội LHPN H.Củ Chi khá chật. Dãy ghế đẹp và là chỗ ngồi trang trọng dành cho 21 nữ sinh vượt khó, học giỏi. Anh Trịnh Quang Linh - phụ huynh em Trịnh Nguyễn Bích Trâm - còn mặc nguyên chiếc áo đi phụ hồ ban sáng, ái ngại: “Tôi cũng muốn ra ngoài chờ con để trong này đỡ chật nhưng lại háo hức muốn chứng kiến giây phút con được trao học bổng”. 

Bà Trần Thị Gái - Phó chủ tịch Hội LHPN H.Củ Chi - “thú nhận”, năm nào, số lượng nữ sinh nhận học bổng ở H.Củ Chi cũng đông hơn các quận, huyện khác, mong các nữ sinh hãy cố gắng học thật giỏi, không phụ lòng của báo.

Ngồi ở góc phòng, bà Phạm Thị Đúng rưng rưng: “Tôi nghe nói có nhiều cháu nhận học bổng lần 3, 4; thấy vui. Chúng tôi sẽ không còn lo chuyện cháu tôi phải nghỉ học”. Nguyễn Ngọc Trân Châu năm nay vào lớp Chín. Trong dự tính của mình, bà Đúng - bà ngoại em - định cho em nghỉ học. 

“Nghèo lắm, tiền đâu!” - bà thở dài, sau khi kể chuyện Châu tám năm qua đều đạt học sinh giỏi. Cha bỏ đi năm Châu hai tháng tuổi, mẹ ôm em về xin ngoại cho tá túc. Dăm con ốc ngoài đồng, mớ rau hái ngoài vườn giúp mẹ con, bà cháu đắp đổi nuôi nhau. Cách đây bốn năm, mẹ Châu bỗng dưng bỏ đi.

Trao hoc bong 'Nu sinh hieu hoc, vuot kho' lan thu 29: Nhung guong mat thuong quen

Bà Phạm Thị Đúng và cháu ngoại Nguyễn Ngọc Trân Châu trong ngày cháu được nhận học bổng của Báo Phụ Nữ TP.HCM

Chưa hết ngơ ngác, bà Đúng bị người ta liên tục đến đòi nợ. Nỗi buồn xa mẹ chưa tan, lại thêm éo le mới khiến nụ cười trên gương mặt Châu tắt dần. Hai tháng trước, nằm bên bà, Châu buồn tủi: “Nếu mẹ không về, con sẽ nghỉ học, đi làm phụ ngoại trả nợ cho người ta”.

Bà Đúng kể Châu nhận học bổng về… khóc, buồn vui lẫn lộn. “Tương lai chưa biết ra sao nhưng học bổng này nhận là để em phải học thật giỏi năm nay” - Châu quyết tâm. Lần đầu Châu nhận được học bổng, bà Đúng hỏi, năm sau, cháu liệu có được tiếp tục? Khi biết tiêu chí để được trao học bổng, bà cười giòn: “Chỉ lo con bé không có tiền đi học chứ học giỏi thì không lo đâu cô”.

Gương mặt ít khi cười ấy rồi sẽ lại thương quen. Là sự giúp đỡ, chương trình học bổng còn là khoản đầu tư vào tương lai cho các em, bằng sự san sẻ, động viên để các em tin rằng, luôn có những bàn tay chờ nắm, tiếp lửa, giúp các em vượt qua những gập ghềnh trong quãng đường học tập. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI