“Được đi học!” - rất nhanh, đó là trả lời cho câu hỏi “ước mơ gì” trong hàng trăm nữ sinh, tại buổi trao học bổng. Tưởng là hành trình hiển nhiên nhưng với các em, chạm mơ ước ấy lại quá đỗi nhọc nhằn.
Điều ước được đi học
Bước lên sân khấu giao lưu, Lê Phương Linh mở đầu: “Hiện, em sống với em trai”. Dưới khán phòng, sự thảng thốt lộ rõ trên gương mặt các nữ sinh. Cha bỏ đi khi Linh còn nhỏ. Năm 2015, Linh 12 tuổi, mẹ mất. Năm 2018, bà và ông ngoại lần lượt qua đời. Hai chị em Linh bơ vơ khi còn thơ dại. Khó khăn thúc bách, con người nếu từ bỏ giấc mơ, âu cũng chuyện thường tình. Nhưng Linh thèm được học.
Từ hệ phổ thông, để giảm học phí, Linh chuyển sang bổ túc, buổi tối đi múa cho tiệc cưới kiếm tiền. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Phú Nhuận, tâm sự, đã rất sốc khi biết chuyện của Linh. Cô bé xinh xắn, hay cười, lại chịu nỗi đau chừng ấy.
29 năm, hơn 8.000 nữ sinh được báo trao học bổng là chừng ấy cảnh ngộ túng quẫn, bí bách nhưng rất giàu nghị lực. Hôm chúng tôi đến nhà Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 11, Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.11), sững sờ khi biết rằng, bốn, năm cô cậu bé đen nhẻm, nhỏ thó đang ngồi chơi trước nhà, là các em của Trang.
Trang “điểm danh”: “Lợi 13 tuổi, bị động kinh, bốn năm không xong lớp Một nên ba cho nghỉ học. Hưng 14 tuổi, nghỉ học chờ đủ tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Lan 12 tuổi, bị bệnh Down. Trên em còn bốn anh chị, hai người lập gia đình. Nhà chỉ có em và bé út 10 tuổi đi học”.
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM trao học bổng cho các nữ sinh hiếu học, vượt khó - Ảnh: Minh Thanh
Trang trầm tư, hồi ấy nhà nghèo quá, mẹ em đánh liều, nhận vận chuyển ma túy. Tòa tuyên 9 năm 3 tháng tù; do đang mang thai Trang, chị được hoãn thi hành án. Rồi, trong nỗi sợ đi tù, những đứa trẻ liên tục ra đời. “Ba làm nghề ve chai, anh chị cũng theo ba làm nghề. Năm 2013, mẹ thụ án. Còn một mình bươn bả, ba chán nản, nói phải chi không sinh thêm, em buồn và thương ba nhiều lắm”. Cầm học bổng trên tay, Trang quả quyết: “Em sẽ viết lại câu chuyện tươi mới cho gia đình mình”.
Lưu dấu của hạnh phúc
Hội trường của buổi trao học bổng không bóng bay, không băng-rôn rộn rã. Chi phí từ sự cắt giảm này giúp chương trình tăng thêm hàng chục suất học bổng. Trong 349 nữ sinh năm nay, có nhiều em nhận học bổng 9, 10 lần liên tiếp, nghĩa là các em đã nỗ lực không ngừng.
Đem đến niềm tự hào, các nữ sinh trao thêm cho chúng tôi sự gợi nhắc trách nhiệm, như bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, phát biểu: “Nếu tri thức là hành trình không đứt đoạn thì lòng tốt của con người, sự quan tâm và trách nhiệm của người lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước cũng là hành trình không ngưng nghỉ, không gián đoạn”.
Tri ân những tấm lòng Năm nay, chương trình trao 349 suất học bổng cho nữ sinh hiếu học, vượt khó của 24 quận, huyện; mỗi suất trị giá 2 triệu đồng và một phần quà. Báo Phụ Nữ TP.HCM xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ của: Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam, Công ty TNHH Kim Cương Kita, Ngân hàng Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM. |
Ngồi trong góc khán phòng, nước mắt lăn chảy trên gương mặt của một phụ nữ - mẹ của Nguyễn Thị Phương Ngân, phụ huynh duy nhất dự khán chương trình. Năm đó, chồng mất vì bị HIV, chị ôm hai đứa con đi xét nghiệm. May sao, cậu em Ngân không nhiễm.
Căn nhà dựng tạm bên mép sông đã mấy lần rung lên nỗi sợ sống của chị: “Tôi lo hai mẹ con sẽ khó yên ổn với cuộc đời”. Chính quyền, người thân gom góp cất cho căn nhà, ba mẹ con dựng lại hành trình sống… Hôm rồi, chúng tôi về H.Củ Chi thăm Ngân, nữ sinh nhận học bổng suốt từ lớp Ba đến lớp Chín, căn nhà vẫn trống hoắc, nghèo khó vây bủa.
Ngân chia sẻ: “Hôm biết em đậu đại học, học phí 36 triệu đồng/năm, mẹ em bấn loạn”. Cho chúng tôi xem tập phác thảo thời trang, Ngân cười: “Lúc đi học, nhìn cánh cổng, áng mây hay tàu lá chuối, rồi gợn sóng trên sông, em đều tưởng tượng ra một mẫu quần áo”. Thiết kế xong, Ngân nhận ra rằng, phải biết may mẫu thiết kế của mình. Cô học trò lại lùi lũi học may. Cách đây hai tuần, Ngân đăng lên mạng một bản vẽ mẫu quần, có người mua lại thiết kế với giá 200.000 đồng.
Thông qua chương trình, Trường đại học Văn Lang quyết định tài trợ học phí năm học đầu cho Ngân. Tại buổi trao học bổng, tiếp nối 15 triệu đồng/ba năm cấp III, suất học bổng Ngân nhận được từ diễn viên Kim Khánh, nhãn hiệu Quỳnh Paris trao thêm gói học bổng 20 triệu đồng cho quãng thời gian em học đại học.
Bà Quỳnh Paris nhắn gửi Ngân: “Đừng tự hào khi người khác mặc lên bộ quần áo của mình, hãy để họ tự hào vì được khoác những sản phẩm của mình”. Ngân về, gửi cho chúng tôi đôi dòng: “Em khắc nhớ những nâng đỡ hôm nay và sẽ trở lại cùng báo giúp đỡ những đàn em”.
Năm nay, chương trình không trao học bổng bậc tiểu học. “Chúng tôi thấy rằng, mức chi phí ngoài học phí được miễn không quá nặng cho phụ huynh có con học tiểu học. Do đó, chúng tôi cắt học bổng bậc học này để bù vào bậc học khác. Chúng tôi muốn các em đi trọn vẹn một con đường, cầm một mảnh bằng để bước vào đời. Từ ý muốn này, ngoài nâng số suất học bổng trao cho nữ sinh bậc trung học, kể từ chương trình lần thứ 30, báo sẽ chính thức trao học bổng cho các nữ sinh viên, cho đến khi các em tốt nghiệp”, bà Lê Huyền Ái Mỹ thông tin.
Bài học khai thị Gửi gắm đến các nữ sinh, theo bà Lê Huyền Ái Mỹ, bài học khai thị mà mỗi đời người cần có, để thành nhân trước khi thành công, chính là lòng biết ơn. Bà Ái Mỹ kể lại câu chuyện. Thuở lọt lòng, không có chiếc lưỡi gà, đồng nghĩa cuộc đời bà gắn với giọng nói bị khuyết tật. Muốn tương lai của đứa trẻ không lệch những khát vọng, khuyết tật không xô té, bác sĩ đã tái tạo thành công chiếc lưỡi gà. Năm 1997, trở thành phóng viên Báo Phụ Nữ, bà Ái Mỹ viết bài báo đầu tiên: Chiếc lưỡi gà và mẹ. “Bài báo viết rõ tên của vị bác sĩ đã cho tôi cuộc đời thứ hai để có được hôm nay. Tôi hy vọng, sẽ tìm được ông nói một lời cám ơn thông qua bài báo này”, bà Ái Mỹ xúc động. Bài học khai thị đó để các em hiểu rằng, sau ơn sinh thành, phải là sự tri ân những tấm lòng đã nâng đỡ, tái tạo cuộc đời mình. “Mỗi năm, theo dõi chương trình học bổng, tôi lại nhớ mình năm xưa. Tôi mang ơn Báo Phụ Nữ, luôn nhắc mình về tinh thần báo trao”, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, Q.Gò Vấp, cho biết. Nhớ lại, có năm, trước chướng ngược hoàn cảnh, Thủy muốn nghỉ học. “May sao, học bổng của báo đến với tôi kịp lúc. Nhờ cố gắng học giỏi nên báo trao tiếp sáu năm liền. Hết lớp 12, báo đã giới thiệu tôi đến một quỹ dành cho trẻ em nghèo. Giờ đây, tôi đã trở thành cô giáo”, chị Thủy kể. Lòng biết ơn tiếp tục được truyền trao, nhận ra một học sinh luôn đội mũ trên đầu, tìm hiểu biết em bị ung thư, chị động viên, gửi tặng nhiều món quà. Có em mồ côi, định bỏ học, chị đến nhà động viên, dạy kèm… “Lòng tốt rất biết “đường đi”, chỉ cần sự xứng đáng”, chị Thủy nhắn nhủ. |
Tuyết Dân