Trao ghế

31/07/2020 - 07:33

PNO - “Cả họ làm quan” không còn là lối nói cường điệu, mà đang là một thực tế nhiều nơi ở nước ta.

Thành ủy Bắc Ninh vừa có tân bí thư, quý anh Nguyễn Nhân Chinh, 36 tuổi, cử nhân cờ vua, thạc sĩ quản lý giáo dục, quý tử của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến. Người thì tò mò, thắc mắc không biết quý anh kia tài cán đến đâu mà nhanh chóng được chỉ định ngồi ở vị trí rất cao, kẻ lại lấn cấn về con đường hoạn lộ liệu có trong sáng? 

Cái ghế quyền lực nhất trong thời quân chủ, sử thần gọi là ngai vàng, luôn chỉ dành cho một người. Bất luận thế nào, cha truyền con nối là tất lẽ, dẫu nó đượm mùi nam quyền và đậm màu huyết thống, vốn dĩ chỉ bảo vệ cho sự bền vững của dòng họ trước khi bảo đảm trật tự quốc gia.

Vua một nước cũng là người giữ gìn cơ nghiệp của dòng họ mình, vì thế, trao ngai vàng cho con trai cũng là vắt thêm một quãng đời có kẻ cung kính phụng dưỡng. Chuyện trao ghế vẫn mang nhiều yếu tố hên xui, vua sáng chưa chắc sinh con hiền, bậc minh quân chưa chắc chọn đúng thái tử kế nghiệp tài giỏi. Ví như Khải Định thường ngày đỏm dáng, ham mê cờ bạc, lên làm vua thì được mỗi việc chăm chú xây lăng cho mình. Con Bảo Đại nối ngôi ăn chơi cũng chẳng kém, săn bắn giỏi, khiêu vũ hay, đánh golf được, mỗi tội không biết… làm vua nên nhà Nguyễn tàn cuộc nhanh chóng.

Bước tiến của xã hội văn minh, dân chủ là cố gắng cắt cái đuôi lòng thòng cha truyền con nối đặc quyền, đặc lợi. Nhưng trong thâm tâm mỗi quý ông làm quan hình như đều có một vị trí đắc địa cho con mình? Nếu không có quý tử thì sẽ rọi đèn tìm thân thích máu mủ dòng họ để bố trí nhân sự hợp lý.

“Cả họ làm quan” không còn là lối nói cường điệu, mà đang là một thực tế nhiều nơi ở nước ta. Các kỳ cuộc chọn ghế và trao ghế giữa người nhà với nhau, tuy đã rất khác xưa, nhưng bản chất không ra ngoài vòng lợi danh, lập thế. Dân chúng xì xào bàn tán không hẳn vì ghen ghét hồng phúc dòng họ “nhà người ta” quá lớn, mà vì chướng tai gai mắt trước những chiếc ghế quan trọng thực sự quá khổ với tài năng, phẩm cách của kẻ được chọn ngồi. 

Nhiều người chế giễu chuyện cử nhân cờ vua đảm trách sao nổi việc phụ mẫu muôn dân. Thực ra, thể thao không hẳn là con đường lý tưởng, nhưng cũng chẳng đến mức xoàng xĩnh để tiến đến làm chính trị. George Weah, một tiền đạo xuất sắc, đang là tổng thống Liberia; Romario, một tiền đạo xuất sắc khác, đang là nghị sĩ ở Brazil; Arnold Schwarzenegger, chuyên khoe cơ bắp, từng làm thống đốc bang California; Vitali Klitschko, giỏi đấm bốc, từng là nghị viên Quốc hội Ukraine; Manny Pacquiao, một quý ông giỏi đấm bốc khác, đang là thượng nghị sĩ Philippines…

Cờ vua, dù sao, cũng gây thiện cảm, vì đó là môn thể thao trí tuệ. Có điều, xét theo niềm tin và kỳ vọng của dân chúng tứ phương, ngay cả đánh cờ vua giỏi cũng chưa chắc là điểm cộng chói sáng để che mờ lý lịch con ông cháu cha. Thành thử, chuyện tôn ti trật tự dòng họ lại được khơi lên, và câu hỏi bông đùa “mày là con bố nào?” lại được mang ra làm trò vui giả giọng hách dịch. 

Sử Việt xưa không thiếu những phi vụ làm vua theo kiểu “từ trên trời rơi xuống”. Vua Lê Trang Tông từng lưu lạc khắp nơi, dân gian thêu dệt ông nợ đầm đìa đến mức thành biệt danh “nợ như chúa Chổm”. Nhưng lai lịch dòng dõi nhà Lê vẫn cho ông cơ hội ở ngôi những 15 năm.

Chúng ta đã cách xa những tình huống sắp đặt chỗ ngồi kiểu chúa Chổm gần năm thế kỷ, song, chuyện chiếc ghế quyền lực hôm nay vẫn còn dây dưa nhiều vẻ lạ kỳ, huyền thoại. Nơi góc bếp, chị em chúng tôi lại bỗng thấy, tuy hơi khác thường, nhưng đây đó vẫn còn đầy ngôn từ đẹp đẽ trên xứ Kinh Bắc giàu có văn vật, để phù trợ sự kiện của anh hai quan họ tuổi trẻ tài cao thăng tiến vượt bậc. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI