PNO - Trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 6/1, đa số đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) cho biết, đến nay, Quốc hội cũng đã thông qua cơ chế đặc thù đối với các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, TP. Hải Phòng và trước đó là TP. Hà Nội, TPHCM.
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đặt tại TP. Cần Thơ sẽ phát huy thế mạnh của vùng đất chín rồng (trong ảnh: Hoạt động buôn bán giao thương trên sông nước miền Tây Nam bộ) - Ảnh: Đỗ Minh
Trong sáu nhóm chính sách đặc thù đối với TP. Cần Thơ, có hai nhóm chính sách rất riêng, đó là nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ giúp các tàu có trọng tải từ 10.000 tấn hàng có thể ra vào. Điều này có ý nghĩa không những với TP. Cần Thơ mà còn cả khu vực ĐBSCL.
Về vấn đề thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dù đặt tại TP. Cần Thơ nhưng trung tâm này sẽ phát huy thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp như hải sản, trái cây, lúa của cả vùng ĐBSCL: “Vừa qua, việc ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu biên giới một phần là do chưa có trung tâm để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi cung cấp chính ngạch. Việc hình thành trung tâm như thế này có thể góp phần chuyển đổi đường xuất khẩu chính ngạch, thúc đẩy lưu thông hàng hóa”. Theo tờ trình của Chính phủ, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại trung tâm này sẽ được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế nếu đáp ứng được một số điều kiện.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) đánh giá cao hai chính sách riêng dành cho TP. Cần Thơ, cho rằng sẽ đáp ứng yêu cầu, phát huy thế mạnh không chỉ cho TP.Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều nhưng giao thông đường thủy vẫn ách tắc, cản trở rất lớn đến hoạt động phát triển kinh tế. Dự án “Nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ” với quy mô từ 500 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa giúp khơi thông thế mạnh đường thủy, khắc phục được những yếu điểm hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, nên trao cho TP. Cần Thơ cơ chế, chính sách đặc thù để trở thành “đầu tàu” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Trong ảnh: Hoạt động buôn bán giao thương trên sông nước ở chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ) - Ảnh: Quang Thư
Đại biểu Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội) khẳng định, việc thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Cần Thơ là cần thiết bởi nếu không có “đầu tàu”, không có động lực thì cả vùng sẽ khó phát triển. Cần đầu tư chính sách cho TP. Cần Thơ để có mô hình, kinh nghiệm, nguồn vốn để phát triển khu vực ĐBSCL.
Lưu ý vấn đề an ninh lương thực
Bên cạnh sự cần thiết có cơ chế đặc thù cho TP. Cần Thơ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề trong dự thảo nghị quyết. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt vấn đề về thời hạn áp dụng sự ưu đãi đối với các địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.
Theo bà, có ý kiến cho rằng thời hạn ưu đãi này cần phải tương thích với thời hạn thí điểm. Nếu áp dụng như thời hạn thí điểm thì sẽ có điểm bất hợp lý, đó là khi thông qua và triển khai nghị quyết, sẽ mất một thời gian dài để áp dụng các quy trình thủ tục liên quan. Do đó, phải mất từ 2-3 năm mới áp dụng được chính sách vào thực tiễn. “Nếu quy định trong nghị quyết chỉ áp dụng cho các dự án trong thời gian thí điểm thì chắc chắn sẽ không thu hút được bất kỳ dự án nào, bởi chưa kịp làm, chưa được áp dụng thì đã hết thời hạn ưu đãi” - bà Lưu Mai nói.
Để TP. Cần Thơ trở thành trung tâm của vùng, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, cần phải có các nguồn lực, các giải pháp để thu hút đầu tư. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh và đủ lực. Ông đề xuất, cần tập trung nguồn lực đầu tư vào TP. Cần Thơ để sau khi thành phố này phát triển, các tỉnh cũng có cơ hội để cung ứng các dịch vụ.
Cụ thể như, thay vì hằng năm, các tỉnh ở ĐBSCL đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thì nay có thể tập trung vào cho hội nghị xúc tiến đầu tư của TP. Cần Thơ. Hội nghị này sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào TP. Cần Thơ trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến để TP. Cần Thơ thực sự trở thành “đầu tàu” kéo các toa tàu còn lại lăn bánh. Nếu chính sách và nguồn lực đầu tư mỏng, không tập trung thì không thể phát triển.
Đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) chỉ ra, trong sáu cơ chế đặc thù đối với TP. Cần Thơ, HĐND TP. Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nội dung cần phải tính toán kỹ lưỡng và cân nhắc để nếu có chuyển đổi mục đích sử dụng lúa theo quy định, vẫn không ảnh hưởng tới vấn đề an ninh lương thực.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị, cần phải tính toán kỹ lưỡng, đúng quy hoạch khi chuyển đổi đất lúa ở Cần Thơ để tránh chuyển đổi tràn lan, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long) - Ảnh: Trung Thanh
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phú Cường (tỉnh Đồng Nai) phân tích, thực tế, địa phương được Chính phủ quy hoạch dự án; khi triển khai, có thể phải thu hồi đất lúa để xây dựng. Việc chuyển đổi này là thực hiện theo quy hoạch của Chính phủ. UBND cấp tỉnh quyết định đối với lúa nước từ hai vụ trở lên ở quy mô dưới 500ha để các thủ tục được tiến hành nhanh hơn.
“Tuy nhiên, ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã chỉ ra rằng, Cần Thơ là vùng đồng bằng, là vựa lúa của cả nước, nên việc chuyển đổi phải hết sức thận trọng và đúng quy hoạch. Phải làm rất kỹ, đánh giá sự tác động của việc thu hồi này để hạn chế việc chuyển đổi tràn lan, ảnh hưởng tới an ninh lương thực” - ông lưu ý.
Băn khoăn về cơ chế tăng thu nhập cán bộ, công chức, viên chức
Một trong các cơ chế đặc thù theo dự thảo nghị quyết là sau khi ngân sách đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND TP. Cần Thơ được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Mức chi tăng thêm này dựa trên hiệu quả công việc và không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do HĐND thành phố quy định. Việc chi thu nhập tăng thêm chỉ thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, mức sống, giá cả tại TP. Cần Thơ thấp hơn so với TPHCM, nguồn thu hạn chế. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết lùi thời gian cải cách tiền lương, nên cần cân nhắc thận trọng, lựa chọn thời điểm phù hợp khi thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.
Trong phiên thảo luận tổ chiều 6/1, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự không đồng tình với quy định này. Theo ông, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức phải nhất quán trên cả nước: “Cán bộ, công chức của TP. Cần Thơ được tăng thu nhập nhưng cán bộ, công chức của Trung ương công tác tại Cần Thơ lại không tăng. Đây là chỗ rất bất hợp lý trong chính sách thu nhập. Tôi đề nghị phải tính toán lại. Đã tăng thì phải tăng hết, hoặc giữ như hiện hành. Nếu địa phương nào cũng làm thế này thì không ổn”.
Tuy nhiên, cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phú Cường lại cho rằng, đây chỉ là chính sách thí điểm tại một số địa phương được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, căn cứ theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Hiện tại, chúng ta chưa có đủ nguồn để cải cách tiền lương. Đây chỉ là chương trình thí điểm. Khi cải cách rồi thì sẽ không còn khoảng cách lương như vậy”.