"Tranh xước không sao" thì phải sao mới sao?

01/12/2020 - 19:47

PNO - Nếu gửi đứa con tinh thần đến triển lãm để đối mặt với nguy cơ xước, vỡ thì liệu còn có nghệ sĩ nào dám liều lĩnh nữa không?

Với vết xước ngang như thế này, tác phẩm sẽ còn lại bao nhiêu giá trị?
Với vết xước ngang như thế này, tác phẩm sẽ còn lại bao nhiêu giá trị?

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020, khai mạc hôm nay (1/12) tại Hà Nội, lẽ ra là niềm vui lớn của giới mỹ thuật bởi đây là sự kiện 5 năm mới tổ chức một lần nhằm ghi nhận, tôn vinh những tác phẩm, nghệ sĩ xuất sắc cũng như sự lớn mạnh của mỹ thuật Việt Nam thời gian qua.

Thế mà buồn thay, ngay trước triển lãm một ngày, vào chiều 30/11, một số họa sĩ đã quyết định rút tác phẩm khỏi triển lãm vì lý do rất... hỡi ơi: tác phẩm của họ đã bị hủy hoại, cụ thể là bị xước, vỡ, bị bắn sơn lên bề mặt.

Theo phản ánh của các họa sĩ, tác phẩm của họ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, lắp đặt ở khu vực triển lãm. Đáng nói, đây không phải lần đầu tình trạng tác phẩm dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc bị hư hại mà ở các kỳ triển lãm trước cũng đã xảy ra sự việc đáng buồn này, nhưng đến nay lại tái diễn.

Trả lời báo Thanh Niên, ông Mã Thế Anh - Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng “Nó xước xát tí” và rằng “xước một chút có gì đâu”. Thật khó tin là ở cương vị của mình, ông Mã Thế Anh lại có thể phát biểu một câu vô trách nhiệm và coi thường nghệ thuật đến như vậy.

Bức tranh bị sơn bắn tung toé lên bề mặt
Bức tranh bị sơn bắn tung toé lên bề mặt

Một tác phẩm nghệ thuật, cụ thể ở đây là một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc không giống như cái ti vi hay chiếc xe máy để nhỡ có hỏng linh kiện nào thì thay linh kiện khác là xong. Tranh là một chỉnh thể mà mọi hỏng hóc bất kỳ đều khiến giá trị tác phẩm giảm đi, thậm chí khiến tác phẩm trở thành đồ bỏ. Kể cả đối với các sản phẩm thông thường, người ta cũng quan trọng chuyện sản phẩm còn “nguyên tem”, “nguyên hộp” chứ không thể là chuyện “có gì đâu”.

Làm thế nào mà một đơn vị lớn như Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm lại có thể làm việc nghiệp dư đến mức phối hợp với một trung tâm tổ chức và rồi trung tâm này lại thuê bốc vác, thuê những người ít chuyên môn nghệ thuật thi công. Nếu đơn vị vận chuyển là đơn vị chuyên nghiệp và có sự trân trọng đối với tác phẩm nghệ thuật, chắc chắn câu chuyện đã khác. Chưa kể, khi sự việc xước tranh xảy ra, người ta mới vỡ lẽ ra là các tác phẩm không hề được bảo hiểm và đến tận lúc này vẫn chưa xác định được liệu những tác phẩm bị hủy hoại có được bồi thường thoả đáng hay không.

Trong buổi họp báo chiều nay (1/12), cũng ông Mã Thế Anh nói đây là sự việc “vô cùng đáng tiếc” và khiến nhà tổ chức rất “đau lòng”. Ông cho biết sau khi xảy ra sự cố, ban tổ chức đã gọi điện xin lỗi các tác giả và nhận trách nhiệm. Tuy nhiên ông lại cho rằng “Ai làm như chúng tôi cũng sẽ để xảy ra sự cố, không riêng gì chúng tôi”. Nếu là vậy, nên chăng đừng tổ chức triển lãm để đừng gây hư hại tác phẩm chứ tổ chức làm chi để mà ai làm cũng sai?

Kỳ thực, chỉ cần ý thức rằng tác phẩm nghệ thuật là vô giá mà mọi hư hỏng ảnh hưởng đến tính “toàn vẹn” của chúng đều không thể khắc phục được, tự khắc người ta sẽ có cách ứng xử đúng chứ không phải đợi đến lúc sinh chuyện mới rút ra bài học.

Mỹ thuật không phải là ngành nghệ thuật mới. Các cuộc triển lãm, đấu giá nghệ thuật với công tác chuẩn bị, trưng bày, an ninh, bảo hiểm... đều đã được thực hiện từ lâu, khắp nơi trên thế giới và cả tại Việt Nam. Đó đâu phải là chuyện gì xa lạ, nhất là với những người trong giới như Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm hay Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Cứ cho là rồi đây những tác phẩm hư hỏng sẽ được bồi thường xứng đáng thì uy tín của nhà tổ chức cũng đã mất nhiều. Nếu gửi đứa con tinh thần đến triển lãm để đối mặt với nguy cơ xước vỡ thì liệu còn có nghệ sĩ nào dám liều lĩnh nữa không?

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI