PNO - Từ ngày 18-26/2, triển lãm mỹ thuật "Domino Art Fair" (DAF) với chủ đề Bắc Nam sum họp diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với 173 tác phẩm của 76 nghệ sĩ ba miền.
Với đại chúng, DAF có thể chỉ đơn giản là một cuộc triển lãm như rất nhiều triển lãm khác từng được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng với người trong nghề thì DAF mang ý nghĩa gấp nhiều lần thế, bởi đây là những bước đầu tiên của hành trình xây dựng một thị trường mỹ thuật Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, để hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ và chuẩn bị cho tương lai.
“Câu chuyện xây dựng và phát triển mỹ thuật Việt Nam đã được nói đến không chỉ một lần, không chỉ bởi vài người; nhưng hầu hết vẫn chỉ là nói miệng, trong các buổi hội thảo, còn thực tế làm thì không được mấy. Chẳng hạn chúng ta vẫn thường xuyên khen và yêu cầu các họa sĩ trẻ rằng các bạn vẽ tốt lắm, hãy tiếp tục sáng tạo đi, hãy vẽ nữa đi... Chúng ta đòi hỏi phát triển mỹ thuật, bảo rằng phải hỗ trợ các tài năng trẻ. Nhưng chúng ta đã làm gì?” - họa sĩ Lê Kinh Tài đặt câu hỏi.
Tất nhiên, không thể trách chủ các phòng tranh - những người bán hàng, bởi họ cũng vì chuyện áo cơm - phải bán được hàng mới sống được. Trong khi đó, như thừa nhận của họa sĩ Hứa Thanh Bình - PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - thì nhiều buổi triển lãm ở ta rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột: khai mạc rất hoành tráng, chúc tụng, khen ngợi nhau để rồi sau đấy thưa thớt người xem và kết thúc trong cảnh họa sĩ phải chở tranh về vì không bán được.Ông chỉ ra một thực trạng đáng buồn của mỹ thuật Việt là các phòng tranh chỉ nhận trưng bày và bán tác phẩm của các họa sĩ thành danh, được khách hàng thế giới biết tiếng; luôn thờ ơ với tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ.
Trong bối cảnh ấy, từ Hà Nội, họa sĩ trẻ Trịnh Minh Tiến ấp ủ giấc mơ xây dựng được một hội chợ nghệ thuật theo các chuẩn mực của thế giới - điều mà các nước đã làm từ rất lâu. DAF được phác thảo như một nơi để các nghệ sĩ thành danh lẫn nghệ sĩ trẻ gửi tác phẩm đến trưng bày và bán. Mỗi một tác phẩm, mỗi một nghệ sĩ đều được xác định danh tính, phong cách, trường phái, đầy đủ thông tin (thời điểm sáng tác, chất liệu, kích thước...) để đảm bảo rằng đó chính là tác phẩm gốc, tránh tình trạng sau khi khách hàng mua tranh mới phát hiện ra là tranh chép như từng xảy ra tại không ít triển lãm.
Quan trọng hơn, như họa sĩ Hứa Thanh Bình nói, DAF sẽ giúp các họa sĩ có được một code giá để không phải rơi vào cảnh xót xa vì bán rẻ hoặc ế ẩm vì kêu giá quá đắt.
Tác phẩm thuộc chủ đề Con người của hoạ sĩ Lê Kinh Tài
“Tất nhiên họa sĩ luôn có quyền định giá tác phẩm của mình, nhưng với tư cách là một đơn vị tổ chức, một hội chợ, chúng tôi sẽ cân nhắc tên tuổi của nghệ sĩ đó trên thị trường, chất lượng tác phẩm, khả năng sẵn sàng của công chúng để đề nghị một mức giá hợp lý. Có thể năm ba năm sau, cùng với sự tiến bộ của các tác giả hoặc sự yêu thích của thị trường, tác phẩm của họa sĩ tăng giá gấp 5, 10 lần hay thậm chí hơn nữa; hoặc cũng có thể sẽ xuống giá. Điều này hoàn toàn bình thường trên thị trường nghệ thuật. Cái chính là chúng ta định giá đúng cho nghệ sĩ, cho tác phẩm trên cơ sở thị trường chứ không mơ hồ như hiện nay” - họa sĩ Trịnh Minh Tiến chia sẻ.
Không chỉ là nơi thuần túy mua bán (dù đó chính là mục đích chính của các hội chợ nghệ thuật), DAF còn có các buổi tọa đàm chuyên sâu về nghệ thuật, có các không gian để công chúng tìm hiểu thêm về nghệ thuật Việt Nam và cả không gian dành cho thiếu nhi để ươm mầm tình yêu nghệ thuật.
Ông Hứa Thanh Bình xác định: “Mỹ thuật Việt Nam không thể chỉ dựa vào khách hàng quốc tế mà phải chú trọng đến thị trường nội địa. Muốn vậy, chúng ta phải có được một lớp công chúng am hiểu và yêu mỹ thuật. Lâu nay, Bảo tàng Mỹ thuật đã thực hiện chính sách miễn phí triển lãm cho sinh viên, bên cạnh đó, chúng tôi đã kết hợp mở các lớp hội họa cho trẻ em để hy vọng mai đây chúng ta có một thế hệ công chúng mới yêu nghệ thuật, biết giá trị của tác phẩm”.
Chân dung cao nguyên đá - hoạ sĩ Mai Huy Dũng
Để những giấc mơ và tâm huyết thành hiện thực, DAF vẫn còn quá nhiều việc phải làm: từ việc phép tắc tổ chức hội chợ hay triển lãm đến các buổi họp báo công bố thông tin và quan trọng hơn cả là uy tín của chính mình để được giới họa sĩ chấp nhận, khách hàng tin tưởng. Tín hiệu vui là, như lời họa sĩ Trịnh Minh Tiến, qua ba năm tổ chức, trung bình 20% lượng tranh đã được bán ra và có tác phẩm bán được với giá đến 20.000 USD cho khách hàng trong nước.
Phạm Thành Nhân
Domino Art Fair - sự kiện do đơn vị độc lập Realart tổ chức khá thành công tại Hà Nội trước Tết Nguyên đán 2017, tiếp tục đến TP.HCM với tên gọi mới: Triển lãm Hà Nội - TP.HCM. Điểm nhấn của sự kiện lần này là không gian dành riêng để tôn vinh các họa sĩ tiên phong trong thời kỳ nghệ thuật hiện đại của Việt Nam: Hoàng Trầm, Lưu Công Nhân, Trần Huy Oánh, Lê Thị Kim Bạch; cùng khu vực đặc biệt dành cho họa sĩ Lê Kinh Tài với triển lãm ấn tượng mang chủ đề Con người, họa sĩ Nguyễn Đức Phương với dòng tranh truyền thống Kim Hoàng - dòng tranh thất truyền từ trận lụt 1915.
Triển lãm trưng bày 173 tác phẩm đa dạng đề tài, thể loại và các trường phái, phong cách sáng tác của 76 họa sĩ ở cả ba miền. Ngoài ra, Realart cũng tạo không gian ảo trên website
www.realart.vn dành kết nối với công chúng ở xa. Đây cũng là trang web giới thiệu, giao dịch những tác phẩm có giá trị của họa sĩ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm: Lê Hải Triều, Mai Huy Dũng, Nguyễn Văn Cường, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đặng Việt Linh, Nguyễn Ngọc Phương…
Domino Art Fair là hoạt động khá mới mẻ với công chúng mỹ thuật, nhưng là sân chơi làm nức lòng giới hội họa.