Tránh việc đổi 'đất vàng' để nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp

19/11/2019 - 11:28

PNO - Các đại biểu kỳ vọng Luật PPP giúp công khai, minh bạch các dự án, tránh tình trạng đổi những khu đất vàng để nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản của Nhà nước như đã từng xảy ra.

Sáng nay 19/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đánh giá đây là một chủ trương quan trọng, các đại biểu cho rằng cần có một nền tảng pháp lý vững chắc, góp phần minh bạch môi trường kinh doanh, tạo cơ hội thu hút đầu tư của tư nhân trong việc triển khai các dự án quan trọng của quốc gia.

Hiện nay, các dự án PPP chủ yếu vẫn tập trung ở lĩnh vực giao thông, trong khi đó một số lĩnh vực quan trọng như xử lý nước thải, rác thải vẫn chưa có nhà đầu tư để ý.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, tại các địa phương hiện nay vẫn lúng túng trong triển khai PPP ở lĩnh vực môi trường, nguyên nhân là do việc xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải đưa ra thường không hấp dẫn và không ổn định lâu dài.

Tranh viec doi 'dat vang' de nhan lai cong trinh dau tu gia tri thap
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH Bắc Giang

"Dự án môi trường đòi hỏi phải công nghệ cao và gắn với các doanh nghiệp độc quyền công nghệ. Việc xác định mức giá xử lý thì chưa có thực tế để đối chiếu, so sánh. Các địa phương sợ rằng khi mình đưa ra mức giá mà sau này với tiến bộ công nghệ hoặc so với một địa phương khác đàm phán được mức giá thấp hơn, thì họ lại bị đánh giá rằng có vấn đề này nọ, nên các địa phương rất quan ngại", ông Lâm cho biết.

Đại biểu đoàn Bắc Giang cũng đề nghị Chính phủ cần có trách nhiệm đưa ra khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các dịch vụ PPP về môi trường mà doanh nghiệp cung cấp để làm cơ sở cho các địa phương yên tâm thực hiện.

Liên quan đến một khâu quan trọng trong đầu tư PPP đó là thẩm định dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng với việc Thành lập Hội đồng thẩm định dự án, ngoài quyền lợi phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan.

"Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân, thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can", đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Tranh viec doi 'dat vang' de nhan lai cong trinh dau tu gia tri thap
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH Đồng Tháp

Đại biểu Hòa cũng yêu cầu làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án. Bởi việc thuê tư vấn là cần thiết nhưng cần quy định rõ là hội đồng thẩm định thuê hay cơ quan Nhà nước quản lý thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của hội đồng thẩm định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật."

"Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư. Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI