Hướng đi vốn vắng người
Tháng 6/2022, sau 24 năm kể từ triển lãm cá nhân gần nhất, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh mới tái ngộ người xem trong một sự kiện của riêng mình. Ở triển lãm “Từ trong vô tận”, vẫn là Trần Vĩnh Thịnh với dòng tranh trừu tượng quen thuộc, nhưng hình thái, màu sắc thể hiện đã khác. Toàn bộ tranh đều có gam màu chủ đạo xanh, đen, trắng. Đây là gam màu đánh dấu bước chuyển của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, bởi trước đây, tranh anh chỉ loanh quanh sắc vàng, đen đặc trưng.
|
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh và các tác phẩm tranh trừu tượng của anh - ẢNH: D.M |
Họa sĩ Trần Văn Binh với triển lãm “Vườn tâm tưởng” cũng hội ngộ người xem sau 26 năm kể từ triển lãm cá nhân thứ hai của anh. So với các đồng nghiệp, họa sĩ Trần Văn Binh chọn cuộc sống có phần im ắng hơn. Anh ít xuất hiện trước công chúng mà lui về tập trung sáng tác.
Với “Vườn tâm tưởng”, họa sĩ Trần Văn Binh cho biết tranh anh đã có nhiều khác biệt về bút pháp thể hiện tranh trừu tượng, về trường phái và ý niệm gửi vào tranh. Tuy nhiên, giữa những điểm khác dễ nhìn thấy, tranh vẫn tạo cảm giác thân quen.
Tiếp nối các sự kiện triển lãm liên tục ở hai miền Nam - Bắc, họa sĩ Nguyễn Dương mở triển lãm tranh trừu tượng “Khúc ca thiên nhiên”, giới thiệu gần 40 bức tranh anh vẽ liên tục trong thời gian qua. Từ ngày bén duyên với hội họa, Nguyễn Dương có thử qua nhiều dòng tranh khác nhau và cuối cùng đã chọn được trường phái thể hiện đúng tinh thần, quan niệm về nghệ thuật của anh.
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh cho biết hội họa với anh là đam mê, một lẽ sống khác trong đời. Để bản thân có thể thong dong với đam mê đó, nam họa sĩ làm thêm nghề tạo hình cây cảnh. Khi đời sống đủ ổn định, việc theo đuổi tranh trừu tượng của anh nhẹ đi phần nào áp lực, không quá lệ thuộc vào việc bán tranh để duy trì các nhu cầu của đời sống thường nhật.
Về lý do tranh trừu tượng vốn vắng người theo đuổi tại Việt Nam, gần như các họa sĩ đều có chung một câu trả lời liên quan đến một số khó khăn trong nghề. Đôi khi, nghệ sĩ vẽ tranh trừu tượng không được công chúng thừa nhận. Có người cho rằng “đó là những nét vẽ nguệch ngoạc mà thậm chí một đứa trẻ còn vẽ đẹp hơn” - nói theo họa sĩ Nguyễn Dương.
Cũng từ sự thừa nhận và thẩm mỹ còn chưa cởi mở của giới sưu tầm, công chúng, mà giá tranh trừu tượng trên thị trường chưa cao thậm chí trước đây khá khó bán.
Tín hiệu đáng mừng
Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, 4 - 5 năm trước, triển lãm tranh trừu tượng tại Việt Nam là chuyện khá hiếm hoi. Nhưng đến năm 2022, tại TP.HCM đã có gần mười triển lãm tranh trừu tượng cá nhân, trên cả nước thì có gần 20 triển lãm.
|
Không gian triển lãm Khúc ca thiên nhiên của hoạ sĩ Nguyễn Dương |
Con số này nói lên nhiều điều, nhưng với nhà nghiên cứu Lý Đợi, có hai điểm dễ nhận thấy nhất từ đó. Một là số họa sĩ Việt theo đuổi tranh trừu tượng ngày một nhiều hơn, và họ đang khá tự tin đi theo con đường đầy khó khăn này.
Thứ hai, số nhà sưu tập và người yêu thích tranh trừu tượng tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tự chủ thẩm mỹ hơn. “Riêng năm 2022, đã có khoảng 500 lượt tranh trừu tượng được mua bán tại thị trường nội địa Việt Nam, con số này cũng phản ánh một phần nhu cầu cá nhân và ý hướng chung về chơi tranh tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất đáng vui”, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết.
Hiện tại, sự cởi mở từ thị trường cho thấy những điểm tích cực và rất có thể trong tương lai, sự bùng nổ này còn mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, dù thị trường có thay đổi hay vẫn “bình chân như vại”, thì sự lựa chọn từ những họa sĩ vốn xem trừu tượng là thể loại theo đuổi vẫn không thay đổi. Bởi, rất khó để tìm thấy một dòng tranh thể hiện được bản ngã của người nghệ sĩ, cho họ đi hết chiều kích trong sáng tạo. Do đó, dù khó khăn khá nhiều, nhưng họa sĩ nào đã “nên duyên” với tranh trừu tượng, hiếm khi họ chuyển sang dòng tranh khác.
Họa sĩ Nguyễn Dương nói đùa rằng nếu thấy những dòng tranh khác được ưa chuộng trên thị trường, và anh tất tả chạy theo sáng tác để mong tranh dễ bán, thì rồi cũng vẽ được một, hai tranh là giỏi. Anh không thể liên tục vẽ thể loại mà mình không cảm thấy thoải mái khi thực hiện. “Nếu làm vậy, tôi thà chạy xe ôm còn tốt hơn. Có gì đáng tiếc hơn khi làm nghệ thuật mà không được sống thật với chính mình?”, họa sĩ Nguyễn Dương nói.
Thị trường tranh Việt đang phát triển và được công chúng quan tâm. Một bộ phận giới sưu tầm, yêu hội họa đã ý thức hơn với việc mua một bức tranh thật treo trong nhà, thay vì mua tranh chép. Sự nâng lên về thẩm mỹ, đời sống tinh thần của công chúng nói chung đang giúp hội họa, trong đó có tranh trừu tượng khẳng định vị thế, dần tạo sự đa dạng và những cuộc định giá hấp dẫn hơn trên thị trường.
Diễm Mi