Tránh thành "gà béo" khi mua hàng online

17/07/2022 - 13:35

PNO - Nếu đã thường xuyên mua hàng online, hẳn trải nghiệm hụt hẫng, thất vọng khi sản phẩm được giao khác xa quảng cáo trên mạng không phải chuyện hiếm.

 

Các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đều có chính sách hoàn tiền, đổi hàng nhưng đó là khi bạn mua tại các shop chính hãng, người bán tử tế còn với các shop lừa đảo, cố tình gian lận tráo đổi hàng, chuyện này vô cùng gian nan. Để tránh thành các chú gà béo bị vặt lông, khách mua online phải biết tự bảo vệ mình.

1. Hàng hóa và người bán không được kiểm soát trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Nếu có kinh nghiệm mua bán online, bạn sẽ biết cách phân biệt hàng hóa và nhà cung cấp. Trước đây, muốn mở một shop trên sàn TMĐT, người bán cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm hoặc sản phẩm đủ chất lượng lưu thông. “Hiện tại, muốn bớt rủi ro, kinh nghiệm của tôi khi mua trên Shopee là chọn Shopee Mall, trên Tiki là chọn hàng hóa trong Tiki Trading vì nếu có khiếu nại, đổi trả thì nhanh còn chọn shop ngoài mua phải sách in chất lượng thấp như kiểu in lậu thì cũng không kiện cáo gì được” - L.N.Q., một người thường mua sách online, cho biết kinh nghiệm của anh sau vài lần chỉ chọn sản phẩm mà không để ý đến nhà cung cấp. 

Anh chia sẻ thêm: “Giày dép, quần áo, hàng gia dụng cũng vậy. Chúng ta phải xem nhà cung cấp là ai, website, cửa hàng có uy tín không chứ đừng chỉ nhìn mô tả sản phẩm, thương hiệu, dễ bị lừa hình rao một đằng, hàng giao một nẻo, kiện cáo được cũng mệt, mất nhiều thời gian, mà khách mua online thường là những người muốn tiết kiệm thời gian”.

2. Shipper chỉ là bên giao hàng nhận tiền, không chịu trách nhiệm?!

Khi nhận hàng, việc đầu tiên là mở ra kiểm tra, bài học này ai mua hàng cẩn thận cũng cần nhớ nhưng “Nếu hàng không đúng, vỡ… chị cứ lên app khiếu nại, em chỉ có trách nhiệm giao. Em nhận các gói hàng từ công ty giao nhận, không biết số điện thoại và địa chỉ liên lạc của shop” - shipper trả lời vậy nên tôi vẫn phải nhận đôi giày hàng chợ, giá chắc tầm 100.000 đồng trong khi phải trả 658.000 đồng cho đơn hàng là một đôi giày thể thao nữ PGM trên Shopee. Tôi vào trang phản hồi, yêu cầu hoàn tiền, không nhận hàng thì thấy báo shop đã bị khóa vì có hành vi gian lận trên app. Tại sao trên app báo khóa trước đó mà vẫn thực hiện quy trình nhận hàng, giao hàng, thu tiền của khách?” - chị Ann, một người mua hàng trên Shopee, bức xúc phản ánh với bộ phận tiếp nhận phản hồi, sau đó cũng đành chờ và chỉ có cách kêu trời trên trang cá nhân.

Nếu xem kỹ một chút quy trình chuyển hàng mới thu tiền, hẳn công ty giao nhận lãnh luôn trách nhiệm đảm bảo không để thất thu và việc “cứ thu tiền chứ không có trách nhiệm với hàng hóa được giao” quả thật rất phi lý. Vậy nhưng, trong thực tế, nếu việc tráo đổi, làm vỡ, đổ… là do nhân viên giao nhận gây ra trong quá trình giao hàng, bên mua hay bên bán mà khiếu nại cho đến lúc được bồi hoàn… chắc cũng bạc tóc.

3. Tự kiểm tra

Sản phẩm thực tế khác xa quảng cáo thì giá có rẻ cũng là trải nghiệm không vui. Kiểm tra giá, so sánh nhiều bên cung cấp cho một sản phẩm cùng loại, kiểm tra các nhận xét của khách đã mua, quay clip kiểm tra hàng khi nhận, mở… - tất cả việc này cũng nên được coi như quy trình cần thiết khi mua hàng online. Những phụ nữ 4.0 đều rõ điều đó nhưng do bận rộn hoặc chút lơ đãng, bất cẩn có thể khiến họ gặp rủi ro khi mua hàng online, cũng tương tự việc mua hớ, mua nhầm ngoài chợ.

“Mua online nhiều rồi sẽ có kinh nghiệm chọn sàn tốt. App giao hàng quốc tế chỉ mất thời gian vận chuyển lâu hơn nhưng dịch vụ tốt, hàng hóa giá cả toàn cầu có mức chung rồi thì ngồi đâu mua chẳng được. Trong nước, các app mua sắm cũng sẽ ngày càng phát triển. Bây giờ thế giới đã phẳng, các sàn không bảo vệ khách hàng sẽ không giữ được khách. Tôi đã chọn được một sàn mới để mua hàng tiêu dùng. Với hàng hóa có giá trị cao, tôi sẽ đến tận cửa hàng” - chị Ann khẳng định. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Thói quen mua hàng online được hình thành từ trong dịch COVID-19 đã được đẩy rất nhanh nhưng nhanh không có nghĩa khách hàng bị ép chấp nhận mọi rủi ro mà không có sự lựa chọn khác. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI