Tranh quyền giám hộ con... người chết!

02/07/2016 - 06:14

PNO - Ngày 30/6, TAND TP.HCM đã tuyên 15 năm tù đối với Phan Xuân Linh (SN 1981, ngụ Q.10) về tội giết người. Nạn nhân là chị Phạm Ngọc Dung (SN 1981, ngụ nhà 110 đường 715 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8, TP.HCM, vợ đã ly hôn Linh).

Vụ án hình sự đến đây xem như hồi kết thúc. Tuy nhiên, đằng sau phiên tòa này, vẫn còn sự tranh chấp và giằng co giữa những người cậu ruột của nạn nhân với một người tự nhận là cha người chết.

Sống không nhận, chết "quàng" làm cha!

Trước đó, tòa đã trả hồ sơ cho viện KSND cùng cấp điều tra bổ sung các vấn đề dân sự như: hiện ai đang thực sự chăm sóc, nuôi dưỡng cháu P.N.T.V. (SN 2009, con của chị Dung với Linh); theo đơn yêu cầu của ông Phạm Văn Trưng (SN 1954, ngụ xã Hậu Thành, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cậu ruột nạn nhân), tòa đề nghị xem xét ông Đinh Văn Năm (SN 1945, ngụ xã An Cư, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) có thật sự là cha ruột của chị Dung hay không, vì khi chị Dung còn sống, không ai biết ông Năm là ai. Chỉ sau khi chị Dung bị sát hại, ông Năm mới xuất hiện, tự nhận là cha người chết.

Theo ông Trưng, từ khi mới sinh, chị Dung đã bị cha chối bỏ. Năm 1987, gia đình ông Trưng nhờ ông Lê Văn Thụ, lúc đó là trưởng công an xã Hậu Thành làm giúp giấy khai sinh, phần tên cha bỏ trống. “Năm 2008, em gái tôi (mẹ chị Dung - PV) mất, Dung vẫn ở một mình, gia đình bên ngoại không ai biết gì về ông Năm. Sáng 10/5/2015, Dung đang ở nhà một mình, thì Linh vào nhà, dùng dao giết Dung. Khi gia đình đang tổ chức tang ma thì ông Năm xuất hiện cùng Đinh Đông. Ông Năm tự nhận là cha, còn Đông nhận là anh cùng cha khác mẹ với Dung để lấy chiếc ô tô biển số 51A-44612 của cháu tôi đem cất giấu. Gia đình tôi đã nhiều lần yêu cầu trả xe, nhưng đến nay họ vẫn chiếm giữ bất hợp pháp”, ông Trưng bức xúc.

Bẵng đi một thời gian, sáng 16/10/2015, ông Đông dẫn theo một nhóm người, trong đó có người xưng là luật sư Võ Đan Mạch, người xưng là thừa phát lại Q.8 đến nhà chị Dung để… kiểm kê và niêm phong tài sản. “Khi nhóm người trên xông vào nhà kiểm kê tài sản của Dung, tôi đã phản ứng dữ dội. Họ gọi công an khu vực đến để lập biên bản, nhưng anh công an không lập”, ông Phạm Văn Hiệp (SN 1946, Việt kiều Mỹ, cậu ruột chị Dung), kể.

Bỏ rơi con nhưng xin... nuôi cháu

Cũng theo ông Hiệp, sau việc nhóm người lạ xông vào nhà chị Dung đòi kiểm kê tài sản, ông có nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi thì phát hiện sau khi chị Dung mất, ông Năm đã âm thầm đến Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM để giám định gen. Ngày 12/6/2015, kết quả giám định kết luận chị Dung là con ông Năm. Căn cứ kết quả giám định này, ông Năm đến TAND tỉnh Tiền Giang đơn phương nhận làm cha người chết để đòi quyền giám hộ bé V.

Quyết định 27/2015/QĐST-HNGĐ ngày 24/9/2015 của TAND tỉnh Tiền Giang nêu: “Năm 1980 ông Năm sống với bà Phạm Hòa Bình (SN 1956) như vợ chồng. Năm 1981, bà Bình sinh chị Dung và trực tiếp nuôi dưỡng, ông Năm vẫn làm tròn nghĩa vụ người cha là cấp dưỡng tài chính nuôi vợ con cho đến khi chị Dung bị giết ngày 10/5/2015. Hiện con chị Dung là bé V. không người thân chăm lo, nuôi dưỡng. Nay ông Năm yêu cầu tòa công nhận chị Dung là con đẻ của ông để ông thực hiện nghĩa vụ bảo hộ cháu V. Căn cứ kết quả giám định gen và yêu cầu của ông Năm, tòa xác định chị Dung là con ông Năm”

Tuy nhiên, cả ông Trưng lẫn ông Hiệp đều khẳng định: “Khi em gái tôi sinh ra Dung, gia đình chúng tôi trực tiếp chu cấp tài chính để em gái nuôi con. Anh chị em chúng tôi có nhiều người thành đạt ở nước ngoài, đâu để cho em tôi thiếu đói đến nỗi phải nhận tiền từ ai đó”. Khi được hỏi từ khi chị Dung qua đời, ai nuôi dưỡng và chăm sóc bé V., các chị L.B.Tr, L.T.Th. (bạn thân của chị Dung - PV) và người làm công cho chị Dung, khẳng định: “Từ đó đến nay, ông Trưng và ông Hiệp là những người nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp. Khi Dung còn sống, chúng tôi chưa bao giờ thấy ông Năm thăm bé V., hoặc nghe Dung nói ông Năm cung cấp tiền nuôi dưỡng Dung. Như vậy, tư cách đâu ông Năm đòi giám hộ bé V. Phải chăng việc đòi bảo hộ chỉ là để bảo hộ… tài sản của người chết?”.

Tranh quyen giam ho con... nguoi chet!
Ông Trưng, cậu ruột của nạn nhân Phạm Ngọc Dung

Ai đủ tư cách giám hộ?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nói: “Nếu người thân của chị Dung cho rằng kết quả giám định gen không chính xác thì cần phải yêu cầu giám định lại, từ đó mới có cơ sở pháp lý để xem xét quyết định của TAND tỉnh Tiền Giang. Khi chị Dung vừa mất, ông Năm chưa có kết quả giám định gen, chưa có quyết định của tòa xác định ông Năm là cha chị Dung, như vậy chưa có cơ sở để kết luận ông Đinh Đông là anh em cùng cha khác mẹ với chị Dung. Do đó, hành vi ông Đông lấy xe của chị Dung sẽ vướng vào tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo điều 137 hoặc tội “sử dụng trái phép tài sản” theo điều 142 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009”.

Cũng theo luật sư Hậu, điều 60 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, cá nhân muốn được làm người giám hộ cho người chưa thành niên phải đáp ứng các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ. Như vậy, cần chứng minh ông Năm không đáp ứng được các điều kiện trên, thì ông Năm sẽ không thể trở thành người giám hộ đương nhiên của bé V. “Tháng 10/2015, vụ án hình sự chưa xét xử và tòa cũng chưa quyết định phần dân sự, nhưng luật sư Mạch và “thừa phát lại” ập vào nhà cô Dung để niêm phong tài sản là vượt quá thẩm quyền và không đúng với quy định của pháp luật”, luật sư Hậu khẳng định.

Luật sư Nguyễn Quốc Doanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: “Sau ngày chị Dung bị sát hại ông Năm mới đi làm kết quả giám định gen để nhận là cha người chết. Tại sao ông Năm không nhận cha-con khi chị Dung còn sống? Nếu ông Năm thực sự là cha của chị Dung thì cũng không đủ tư cách bảo hộ bé V., vì ông này đã chối bỏ chị Dung và bà Bình từ khi chị Dung còn nhỏ, ai dám tin ông ấy có đủ tư cách bảo hộ bé V.?”.

Hồng Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI