edf40wrjww2tblPage:Content
Núi phân bò chất ven quốc lộ 1 đoạn qua xã An Cư (huyện Tuy An, Phú Yên) chờ xe tải đến chở.
Những ngày này, dọc theo quốc lộ 1 cho đến đường liên thôn, liên xóm ở tỉnh Phú Yên, phân bò được cho vào bao tải chất đống nối dài thành núi chờ xe tải đến chở.
Phân bò sau khi thu gom thành đống được các đại lý thuê người vác lên xe tải chở đi các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước bán lại cho người trồng cà phê, thanh long. Do phân bò đắt hàng, người già cần mẫn ra ruộng mót từng mảnh phân rơi vãi rồi phơi khô để bán.
Rầm rộ mua bán phân bò
Trên quốc lộ 1, từ xã An Mỹ, An Hoà ra đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), rồi vòng theo đường ĐT 641 lên xã Xuân Sơn Nam, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), hai bên đường, phân bò chất ngổn ngang. Trên tuyến quốc lộ 19C qua tận xã Đức Bình Đông, Ea Trol (huyện Sông Hinh), hai bên đường là những “núi” phân bò chất cao chờ xe tải đến chở.
Phân bò nặn thành bánh phơi trên đường.
Ông Trần Văn Tiến, chủ một đại lý thu mua phân bò ở xã Xuân Phước cho hay: “Một xe tải chở 15 tấn, một tháng xuất bán cỡ 3 xe. Đi mua phân bò phải dặn trước vì hiện nay người mua phân bò thường xuyên đụng nhau, ai cũng tranh giành mua phân bò”.
Phân bò sau khi được thu mua, chất từng đống, sẽ được xe tải chở đi các tỉnh bán lại cho người trồng cà phê, thanh long. Nhiều người “làm ăn lớn” mua cả xe tải chuyên chở phân bò.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một đại lý mua bán phân bò ở xã An Hoà bỏ ra hơn trăm triệu đồng mua xe tải 15 tấn chuyên chở phân bò đi liên tỉnh. Anh cho biết: “Tôi làm nghề “mua đi bán lại” phân bò gần 10 năm nay. Một tháng trung bình tôi xuất bán 5 xe. Chở vô Bình Thuận thì bán cho nhà vườn thanh long, còn chở lên Gia Lai, Đắk Lắk thì bán lại cho nhà vườn cà phê, gần đây các nhà máy phân vi sinh ở Gia Lai, Đắk Lắk cũng đặt hàng mua phân bò”.
Những phụ nữ đi mót phân bò bỏ trong thúng gánh đến đám đất trống phơi khô để bán.
Phân bò đang là mặt hàng đắt giá, nhiều nông dân làm ra tiền từ nguồn phân bò. Bà Trần Thị Nhung ở xã An Phú, TP. Tuy Hoà cho biết, bà nuôi 10 con bò, trung bình một tháng lúc chăn thả rơi vãi ở ruộng, còn lại trong chuồng gom bán được 600.000 đồng (trung bình mỗi ngày 5 con bò cho ra một bao phân), một năm bán được gần 8 triệu đồng.
Hiện nay, ở các xã miền núi, người dân nuôi nhốt bò “trữ” phân để bán. Người nuôi trồng cỏ voi rồi cắt cỏ gánh về cho bò ăn, không lùa chăn thả nữa, để “tận dụng” hết phân bò bán cho đại lý.
Phân bò phơi trên đường liên xóm.
Theo nhiều người dân, phân bò hiện nay rất đủ chất, không như trước kia bò chỉ ăn cỏ, rơm rạ, nay nhiều người nấu cháo nuôi bò. Nồi cháo nấu từ cám, chuối cây, rau muống, gạo và pha vào ít thức ăn cám công nghiệp. Khi bò thải ra, ủ phân hoai đem bón, cây rất xanh tốt, ít sâu bệnh nên người trồng cà phê, thanh long rất mê…
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp của Sở NN-PTNT Phú Yên, chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mỗi tháng, lượng phân bò xuất đi các tỉnh lên hàng trăm tấn.
Đàn bò của tỉnh hiện có 176.930 con, người dân ở đây nuôi bò để bán phân bò, không vãi ruộng, đó là điều thiếu sót rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Ruộng, gò cạn kiệt phân bò
Ở một số vùng như An Hoà, An Cư, có nhiều người già làm nghề đi lượm phân bò. Hàng ngày, họ rong ruổi khắp các tuyến đường lượm phân bò phơi khô, thậm chí nặn thành bánh.
Trên các đám ruộng đang bỏ hoang, người lượm phân bò chờ đến sẫm tối thu gom mảnh phân bò rơi vãi cuối cùng trong ngày. Cái bao luôn kè kè sau lưng họ từ đồng này sang đồng khác để lượm phân bò.
Xới phân bò cho mau khô để bán.
Bà Nguyễn Thị Sa ở xã An Hoà cho biết, hàng ngày bà đi mót phân bò bỏ trong thúng, gánh đến đám đất trống phơi khô để bán. Trúng nhất là mùa thu hoạch lúa, bò chăn thả trên đồng nhiều nên lượm được nhiều.
Do nhiều người chịu khó đi mót phân bò mà trên ruộng không có chút phân bò thấm xuống đất, các cánh đồng An Hoà, An Mỹ trước đây màu mỡ giờ trở thành đất da beo. Còn các vùng gò đồi từ xã Xuân Sơn Nam đến xã Xuân Phước, đất đồi tươi tốt trở thành đất sạn cốm, chai cứng.
Ông Phan Văn Thanh, ở xã Xuân Phước, nói: “Đất ở đây chỉ có phân bò bón lót mới tơi xốp được, nhưng người dân đua nhau bán phân bò lên xe tải hết rồi. Tôi cũng làm nông, thấy nông dân mình bán phân bò mà nóng mặt”.
Cũng theo ông Thanh, lâu nay ông chỉ bón đất bằng phân bò, nhờ vậy cây luôn tươi tốt. Ông vần công với người trong xóm gánh phân bò đổ cho đám đất gò, bón lót một mùa đầu, phân thấm tốt 2 đến 3 vụ sau.
Còn đám đất gò bên cạnh, vụ nào cũng vãi cả bao phân NPK (gần 600.000 đồng/bao), nhưng sắn mía hạ giá, cộng với công cày bừa, tính ra cuối vụ phủi tay về không.
Phân bò được vác lên xe tải để đưa đi các tỉnh tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiện nay, ít ai nghĩ được như ông Thanh. Mới đây ,bà Nguyễn Thị Hương, ở xã Đức Bình Đông kêu bán 80 bao phân bò (tương đương 2,5 tấn) với giá 160.000 đồng. Nhà ở cạnh vách núi qua đường truông không có đường xe vào nên người mua trừ công trung chuyển còn lại 2.000 đồng/bao.
Kinh nghiệm của nông dân là: đối với ruộng, nếu bón lót phân bò thì về sau chỉ bón ít phân kali hoặc urê chứ không phải đội cả thúng phân NPK, DAP đổ xuống nữa. Đất không được bón phân bò, ngoài diện tích vùng trũng hàng năm được phù sa bồi đắp, phần ruộng và khu gò đồi cao hơn đang bạc màu, báo động kiệt sức.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh thông tin: hàng năm, trước khi bước vào vụ sản xuất lúa, UBND huyện khuyến cáo cho các địa phương vận động nhân dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ (phân chuồng) để bón ruộng nhằm giảm chi phí sản xuất.
LA HAI