Tranh màu nước: 5 năm và sự trỗi dậy đáng mừng

20/05/2022 - 06:37

PNO - Dù không phải là chất liệu mới với mỹ thuật, nhưng 5 năm trước, tranh màu nước ở Việt Nam chưa phát triển như các chất liệu khác. Hiện nay dòng tranh này đã phát triển sôi động, với nhiều tín hiệu tích cực.

Ngược thời gian 

Theo họa sĩ Đỗ Hiếu, trước đây sinh viên các trường mỹ thuật dùng màu nước trong những bài học nhỏ, ghi chép tư liệu đơn giản hoặc vẽ trên giấy dó… Các cửa hàng bán họa cụ dùng cho màu nước đếm trên đầu ngón tay. Dụng cụ, họa phẩm hiếm hoặc không phù hợp, giá thành cao… Vì thiếu họa cụ chuyên dụng, phù hợp nên độ bền của tranh cũng bị ảnh hưởng theo, gây ít nhiều khó khăn cho quá trình sáng tác. Do vậy, màu nước chỉ được vẽ phác thảo nhỏ, hoặc ghi chép hình để phục vụ cho sáng tác với chất liệu khác.

Họa sĩ Hồ Hưng và tranh Thương hồ nghỉ tết, đạt giải nhất tại triển lãm màu nước tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào tháng Tư vừa qua
Họa sĩ Hồ Hưng và tranh Thương hồ nghỉ tết, đạt giải nhất tại triển lãm màu nước tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào tháng Tư vừa qua

Khi theo học Khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), họa sĩ Ngô Thanh Hải chủ yếu học về sơn dầu, bột màu, chì, than… Cách đây sáu năm, anh bắt đầu vẽ màu nước. “Việc tìm mua được các họa cụ tương đối khó khăn do các shop bán họa cụ không nhập hàng về nhiều. Có những bộ cọ tôi phải đặt mua từ nước ngoài. Giấy và màu vẽ cũng không đa dạng. Giá vẽ chuyên dụng cho màu nước không có, phải mua chân máy ảnh về chế thành giá vẽ, hoặc tự đặt đóng giá vẽ bằng gỗ”, họa sĩ Ngô Thanh Hải nhớ lại. 

Khi thành lập câu lạc bộ (CLB) Màu nước Sài Gòn, số họa sĩ chỉ 42 người. Họa sĩ Hồ Hưng (sáng lập Vietnam Watercolor Art, Chủ nhiệm CLB Màu nước Sài Gòn) cho biết anh chỉ có thể bán tranh cho một số đối tác ở nước ngoài, khá chật vật tìm đường ra cho sản phẩm. Các nhà sưu tập trong nước hầu như ít chú ý đến tranh màu nước. Sự kiện dành cho dòng tranh này cũng rất hiếm hoi. Trong năm 2015 đến 2017, chỉ có hai triển lãm màu nước được tổ chức tại Hà Nội. Năm 2019, một triển lãm được tổ chức tại TP.HCM. 

Hoạ sĩ đã sống được với nghề 

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các triển lãm màu nước vẫn diễn ra: triển lãm quốc tế Nghệ thuật và hòa bình (3/2021) với sự tham gia của họa sĩ Việt Nam, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản; triển lãm các sáng tác về Côn Đảo (4/2021); triển lãm quốc tế mùa thu 2021 (12/2021) với sự tham gia của họa sĩ đến từ 42 quốc gia…

Tác phẩm Nắng sớm mai của hoạ sĩ Ngô Thanh Hải
Tác phẩm Nắng sớm mai của hoạ sĩ Ngô Thanh Hải

Năm nay, sau triển lãm tranh màu nước gây chú ý của họa sĩ Vincent Monluc (Việt kiều Pháp) hồi đầu năm, cuối tháng Tư, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã có thêm một triển lãm khác với 160 bức tranh của 94 họa sĩ. Đây là số tranh được chọn từ hơn 300 tác phẩm gửi về. Tiếp đó là tọa đàm “Tính sáng tạo trong tranh màu nước”, thu hút nhiều họa sĩ tham gia. Tại đây, nhiều câu chuyện được bàn luận sôi nổi không chỉ về kỹ thuật, mà còn là tương lai của tranh màu nước. 

Sắp tới, nhiều hoạt động sẽ được triển khai, nối dài sức sống của tranh màu nước. Trong đó, hoạt động lớn nhất là chuỗi sự kiện vẽ về TP.HCM, do nhiều họa sĩ màu nước tham gia. Tranh sẽ được triển lãm, dự kiến sẽ trích doanh thu cho các hoạt động cộng đồng. 

Đội ngũ họa sĩ của CLB Màu nước Sài Gòn hiện nay khoảng 150 người. Họa sĩ Hồ Hưng cho biết việc sáng tác diễn ra đều đặn hằng tuần. Bên cạnh những họa sĩ lành nghề, còn có nhiều bạn trẻ đang theo học. Thị trường họa cụ vẽ tranh màu nước cũng nhộn nhịp.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín nói trước đây màu nước thường được mặc định để ký họa, ghi chép, đặc biệt trong chiến tranh. Tuy nhiên, sự phát triển thời gian qua của chất liệu này cho thấy đã bắt kịp xu thế mỹ thuật hiện đại. Nhiều tác phẩm kỳ công, khổ lớn ra đời với cách vẽ độc đáo cho thấy sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi liên tục của các họa sĩ, xóa bỏ những “khuôn khổ” cũ kỹ của tranh màu nước. 

Hoạ sĩ Đoàn Quốc và tranh Nơi các thành phố hội tụ, đạt giải nhì nhất tại triển lãm màu nước tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vào tháng 4 vừa qua
Hoạ sĩ Đoàn Quốc và tranh Nơi các thành phố hội tụ, đạt giải nhì nhất tại triển lãm màu nước tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vào tháng 4 vừa qua

Chính sự phát triển này đã khiến giới sưu tập chú ý đến tranh màu nước, từ đó kích thích nhu cầu mua, thúc đẩy phát triển. Họa sĩ màu nước đã sống được với nghề. Yếu tố này tác động tích cực đến nỗ lực của các họa sĩ, góp phần giúp tranh màu nước có được chỗ đứng vững chắc hơn trong giới hội họa Việt Nam. 

Hiện TP.HCM được xem là nơi tranh màu nước phát triển sôi động nhất. CLB Màu nước Sài Gòn không chỉ là môi trường dành cho người chuyên nghiệp mà còn tạo điều kiện kết nối, giao lưu với những tay cọ bán chuyên, theo đuổi tranh màu nước vì đam mê. 

Sự xuất hiện của các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam cũng tạo điều kiện cho họa sĩ trong nước trao đổi, học hỏi. Ngay trong thời điểm dịch bệnh, tranh của các họa sĩ quốc tế vẫn vượt hàng ngàn cây số để có mặt tại Việt Nam. Gần đây, Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng đã hình thành giải thưởng chính thức cho dòng tranh này, tạo động lực cho tranh màu nước tiếp tục phát triể

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI