Tổng thống Donald Trump và đối thủ chính trị thuộc đảng Dân chủ, Joe Biden sẽ đối mặt nhau tại cuộc tranh luận lần 1 đã được lên lịch vào lúc 21 giờ ngày 29/9 (8 giờ ngày 30/9, giờ Việt Nam).
Đây là cuộc “so găng” được mong chờ nhất, diễn ra trong một kỳ bầu cử đầy bất ổn ở xứ sở cờ hoa khi mà sự chia rẽ và mất lòng tin đang bao trùm lên khắp nước Mỹ.
|
Ông Trump và ông Biden sẽ gặp nhau trực tiếp trong buổi tranh luận lần thứ nhất vào tối ngày 29/9 (giờ địa phương) - Ảnh: AP |
Trước khi cuộc tranh luận chính thức diễn ra, Tổng thống Trump đang bị cáo buộc chuyện liên tục gây áp lực, yêu cầu Ukraine phải tiến hành điều tra ứng cử viên tổng thống Biden và con trai của ông. Thậm chí, ông Trump còn cho biết, vị cựu phó tổng thống Mỹ này “có vấn đề về sức khỏe tâm thần” và yêu cầu phải xét nghiệm ma tuý ông Biden.
Với những lý do này, ông Trump cho rằng, ông Biden không phù hợp để đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Về phần mình, ông Biden cũng "ăn miếng trả miếng" bằng những phát biểu trực diện: “Nếu bây giờ hai chúng tôi đang là học sinh trung học, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà không lôi cổ ông ấy ra góc khuất và tẩn một trận ra trò”.
Hiện mọi sự chú ý đều đang tập trung cao độ vào cuộc đối đầu trực diện lần thứ nhất giữa hai “kỳ phùng địch thủ” cho chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực sắp diễn ra. Bởi bao giờ cũng vậy, những cuộc tranh luận trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ luôn thu hút sự chú ý đặc biệt vì những kịch tính khó đoán trước.
Cùng điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ, đầy bất ngờ, và không kém phần hài hước xảy ra qua các kỳ tranh luận tổng thống Mỹ trong quá khứ:
Cuộc tranh luận lần đầu được truyền hình cho công chúng
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 là lần đầu người Mỹ được chứng kiến một cuộc tranh luận diễn ra trên truyền hình. Thế nhưng, điều người ta nhớ về nó nhất lại là hình ảnh trái ngược của hai ứng viên tổng thống hơn là những gì mà họ tranh luận với nhau bằng lý lẽ.
Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F. Kennedy, một hình mẫu đàn ông trẻ tuổi điển trai, đã xuất hiện một cách tự tin trên sóng truyền hình. Trong khi đó, ứng viên thuộc đảng Cộng hòa, Richard Nixon lại hiện diện trước công chúng với một hình ảnh “tệ hại”: đôi mắt thâm quầng và khuôn mặt lộ rõ mệt mỏi do phải nằm viện điều trị một thời gian ngay trước kỳ vận động tranh cử.
|
Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ứng viên đảng Cộng hòa Richard Nixon và Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John F. Kennedy ở New York năm 1960 - Ảnh: AP |
Cách ăn mặc của cả hai nhân vật chính cũng đối ngược nhau hoàn toàn. Trong khi Kennedy biết cách tôn làn da nâu rám nắng khỏe mạnh của mình với bộ cánh màu xanh hợp mốt (giúp cho bản thân càng nổi bật hơn không chỉ với cử tọa đang theo dõi trực tiếp tại phim trường, mà còn bắt mắt trên màn hình đen trắng của những chiếc tivi thời đó) thì Nixon lại khoác lên mình bộ vest màu xám, khiến cho ông càng như bị nhạt nhòa hơn trên phông nền xám của trường quay.
Nhiều người Mỹ đã từng chứng kiến cuộc tranh luận năm nào giờ vẫn còn nhắc lại rằng, đó hoàn toàn là một cuộc phô diễn và tỏa sáng của ông Kennedy.
Sẩy miệng một ly, đi một dặm
Trong các cuộc tranh luận năm 1976, việc ứng viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Gerald Ford khăng khăng với tuyên bố về việc không có sự tác động hay ảnh hưởng gì của Liên Xô đối với Đông Âu đã biến ông thành một “kẻ ngớ ngẩn”.
Dân chúng Mỹ ngày đó cho rằng, họ không thật sự hiểu ông đang muốn nói điều gì, kể cả khi người dẫn chương trình điều hành phiên tranh luận đặt thêm các câu hỏi để mong làm rõ nghĩa của các phát biểu từ ứng cử viên Ford, cũng thất bại.
|
2 ứng viên tổng thống bắt tay nhau sau khi kết thúc phần tranh luận trên truyền hình năm 1976 - Ảnh: AP |
Sự hớ hênh trong phát ngôn này của Gerald Ford đã khiến ông thất bại một cách cay đắng trong cuộc đua sát nút với ứng cử viên đảng Dân chủ, Jimmy Carter.
Mãi sau này, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Ford mới thừa nhận rằng ông đã không chuyển tải đầy đủ suy nghĩ của mình với mọi người.
Gừng càng già càng cay
Ứng viên thuộc đảng Cộng hòa, Ronald Reagan đã biết cách che điểm bất lợi về tuổi tác của mình bằng một chiến thuật khôn khéo và thông minh: vận dụng tối đa khiếu hài hước để trả lời các câu hỏi của người điều hành phiên tranh luận diễn ra năm 1984 với đối thủ thuộc đảng Dân chủ, Walter Mondale.
Khi được hỏi rằng, liệu ông Reagan có ảo tưởng lắm không khi muốn đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo ở tuổi 73 của mình, ngay lập tức vị ứng viên tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ lúc bấy giờ trả lời: “Yên tâm đi. Tôi sẽ không tận dụng lợi thế tuổi tác của mình để chiến thắng kỳ bầu cử này trước anh chàng trẻ tuổi và non kém kinh nghiệm chính trị kia đâu”.
|
Cuộc tranh luận tổng thống trên truyền hình giữa 2 ứng cử viên Ronald Reagan và Walter Mondale năm 1984. Ảnh: David Longstreath - AP |
Câu phát biểu phản công đầy hài hước của Reagan đã khiến ngay cả đối thủ của mình là ông Mondale, 56 tuổi, phải bật cười thành tiếng trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả đang theo dõi qua màn hình ti vi.
Bị chế giễu vì nhận thức hạn chế về bình đẳng giới
Trong suốt cuộc tranh luận giữa ứng viên thuộc đảng Cộng hòa, Mitt Romney và ứng viên đảng Dân chủ đồng thời là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama diễn ra năm 2012, ông Mitt Romney nhận được câu hỏi về việc làm thế nào để đảm bảo sự công bằng cho phụ nữ ở nơi làm việc.
Cứ như “trúng tủ”, cựu thống đốc bang Massachusetts đã ngay lập tức kể về cách mà ông đã tiến hành trước đây để có được một danh sách các ứng viên cho bộ máy hành chính phục vụ chính quyền bang.
“Trước đó, người ta trình cho tôi một danh sách bộ máy giúp việc toàn là đàn ông. Tôi đành phải đến gặp các nhóm hoạt động nữ quyền và nói: ‘Quý vị có thể giúp tôi tìm người làm việc cho chính quyền bang là nữ không?'. Thế là ngay lập tức tôi có trong tay một danh sách toàn là phụ nữ”, ông Romney nói.
|
Trong cuộc tranh luận với ông Barack Obama, ông Mitt Romney đã bị công chúng chế giễu vì sự thiếu hiểu biết về bình đẳng giới - Ảnh: Daily Mail |
Câu trả lời ngây ngô, thể hiện một sự thiếu hiểu biết về bình đẳng giới của Romney đã khiến ông phải hứng chịu sự chỉ trích và chế giễu của công chúng Mỹ suốt một thời gian dài sau đó.
Donald Trump, Hillary Clinton và những cuộc tranh luận đầy thị phi
Các cuộc tranh luận năm 2016 tràn ngập những khoảnh khắc “buồn cười” mà người ta khó có thể tìm thấy ở bất kỳ chiến dịch tranh cử tổng thống nào trong lịch sử của Mỹ. Trong phiên tranh luận đầu tiên, ông Trump liên tục truy vấn lực lượng của FBI về việc tìm được các bằng chứng thể hiện tình báo Nga đã đột nhập vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) để đánh cắp tài liệu mật về ông.
Trong cuộc tranh luận lần 2, Trump cứ lù lù bám theo sau lưng bà Hillary Clinton khi bà đang thể hiện phần diễn thuyết của mình trên sân khấu. Mặc dù bà Clinton không có ý kiến gì lúc ấy, nhưng sau này bà có viết trong hồi ký của mình rằng: “Đáng lẽ ra ngay lúc ấy tôi phải nói với ông ấy rằng: ‘Làm gì mà cứ tò tò sau lưng tôi vậy? Tránh xa tôi ra đi, ông mãnh”.
|
Những cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton luôn gây ra nhiều kịch tính - Ảnh: Patrick Semansky/AP |
Thời điểm đó, ông Trump đã đe dọa là nếu trúng cử, ông sẽ cho thành lập một nhóm điều tra đặc biệt để “soi” việc bà Clinton lạm dụng hệ thống máy tính của Liên bang để phục vụ cho mục đích cá nhân. Bà Clinton đã đáp trả lại rằng: “Việc cần làm là tống cổ một kẻ có tính cách gàn dở như Donald Trump vào tù”. Ngay lập tức, ông Trump hồi đáp: “Bà chẳng thể làm được điều ấy. Vì sao ư? Đơn giản là bà đã bị tống giam vào tù trước rồi còn đâu”.
Nguyễn Thuận (theo AP)