Tranh luận: Giáo viên có nhất thiết phải giỏi hơn sinh viên không?

22/11/2016 - 06:30

PNO - "Quan điểm của tôi là: Giáo viên không nhất thiết phải giỏi hơn sinh viên ở mọi mặt, họ chỉ là người hướng dẫn sinh viên dựa trên những kiến thức cá nhân của họ thôi".

Tôi đi học

Sang Mỹ, tôi được đặt trở lại vị trí của người học, có lại cảm giác của người học. Trong lớp MBA của tôi, mọi người đều rất xuất sắc - những kiến thức trước đây bị bó buộc trong sách vở nhảy hết ra ngoài cuộc sống qua những câu chuyện, những cuộc tranh luận... nơi thầy và trò chơi một ván bài sòng phẳng. 

Tôi đã rất ngạc nhiên khi có sinh viên ngồi ở ghế "cãi nhau" với giáo sư về một vấn đề trong sách giáo khoa. Và cuối cùng giáo sư thừa nhận rằng anh sinh viên đúng, sách và cả ông giáo không xem xét tời trường hợp này.

Tôi cũng ngạc nhiên khi ông giáo sư, khi được hỏi về một vấn đề liên quan tới bài giảng, đơn giản trả lời "tôi chưa nghiên cứu về vấn đề này, buổi sau tôi sẽ trả lời anh được không?". 

Trong những cuộc tranh luận ấy, thực tiễn được sử dụng làm cơ sở đánh giá kiến thức, và do mỗi học sinh đều có một thực tiễn, một nhận thức khác nhau... Những buổi học trở nên vô cùng sinh động.

Những ông giáo sư ở Mỹ, họ không có ánh hào quang "giáo viên", nên không bao giờ nói những câu kiểu "tôi là giáo viên, tôi luôn đúng". Họ rất "mở" trong tranh luận, và từ đó, họ học được nhiều hơn. Khi học ở Mỹ, có những lúc tôi có cảm giác giáo sư vừa là người "thầy" vừa là người bạn của mình.

Tranh luan: Giao vien co nhat thiet phai gioi hon sinh vien khong?
Anh Nguyễn Quang.

Về Việt Nam, một lần tôi có cuộc tranh luận với một giáo sư đầu ngành. Quan điểm của tôi là: Giáo viên không nhất thiết phải giỏi hơn sinh viên ở mọi mặt, họ chỉ là người hướng dẫn sinh viên dựa trên những kiến thức cá nhân của họ thôi. Còn giáo sư thì nói: Thầy chắc chắn phải giỏi hơn trò, ít ra là ở lĩnh vực giảng dạy. Không giỏi hơn tất cả sinh viên ở dưới, thì tốt nhất là nên nghỉ dạy đi.

Tôi cãi lại: Làm sao có thể biết những sinh viên ở dưới kia đã đọc những tài liệu nào, đã trải qua những kinh nghiệm nào. Giáo viên phần lớn chỉ nghiên cứu sách vở, nên thường nói chuyện sách vở (thật ra là về cuốn giáo trình họ dạy) tốt hơn sinh viên một chút. Còn những kinh nghiệm thực tiễn, những vốn sống của hàng trăm con người tổng hợp lại, làm sao một cá thể giáo viên có thể chắc chắn là mình giỏi hơn được? 

Và cuộc tranh luận đó không bao giờ kết thúc.

Tới giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Tôi thích gọi bản thân là "instructor" - người hướng dẫn, hơn là "lecturer" - giảng viên. Vì ánh hào quang của một "lecturer" - người đứng trên "students" có thể sẽ giết chết khả năng lắng nghe của tôi vào một ngày nào đó. Khi chúng ta - những giáo viên - còn không lắng nghe được sinh viên của mình, làm sao lắng nghe được những điều to tát.

 ***

Dù sao, tôi vẫn nghĩ nghề giáo là một nghề vinh quang, không phải vì ánh hào quang của nó, mà vì đó là nghề có thể thay đổi số phận của những CON NGƯỜI. Tôi không chắc mình đã thay đổi được bất kỳ ai. Nhưng ít ra, đó là điều tôi luôn hy vọng mình làm được, bất kể là đứng trên giảng đường hay trong lớp học. 

Trong bất kỳ trường hợp nào, để làm được việc đó, tôi cần phải gỡ bỏ lớp hào quang (nếu có) để tiến gần tới học viên hơn.

Nguyễn Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI