Tranh luận đến cùng hay ráng chịu?

23/11/2022 - 06:00

PNO - Thấy Nam sấp ngửa xây nhà mới, ai cũng nghĩ anh “trúng mánh”. Vì nhà cửa đang rộng rãi, gia đình ba thế hệ đang sống vui vầy, không ai tự dưng đi xây nhà chi cho cực.

“Kiểu này chỉ là vì dư tiền!”. Một ông bác hàng xóm đã nói thế khi khoanh tay đi một lượt khắp khu đất mà Nam đang san lấp để làm nhà. Khu đất khá rộng so với sự chật chội của thành phố này. Bà Thu - mẹ Nam - vốn làm ăn rất khá. Bà là mẹ đơn thân, một mình nuôi Nam từ bé. Khi Nam kết hôn, vợ chồng anh tiếp tục sống chung với mẹ. Bà Thu khéo léo và dọn hẳn sang 1 căn phòng tách biệt ở mé vườn để tránh phiền vợ chồng Nam.

Cuộc sống của gia đình Nam êm ấm và phong lưu như mơ ước của bao người. Vợ anh vừa về đã cấn bầu, rồi liên tiếp sinh 2 cậu con trai. Chi phí nuôi con được mẹ Nam hỗ trợ nhiều. Cô con dâu sinh con, ở cữ tại nhà chồng với 2 người giúp việc.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Mọi chuyện nhìn vẫn xuôi chèo mát mái cho đến khi Nam cho giải phóng khu vườn của mẹ, xây nhà riêng. Người ta bắt đầu bàn ra tán vào. Không biết Nam tính sao mà lại làm nhà? Căn nhà của bà Thu chắc đủ cho cả 20 chục người ở, chẳng lẽ lại thiếu chỗ cho vợ chồng Nam sao? 

Chỉ sau khi cậu thợ xây trong xóm nghe lóm được cuộc điện thoại giữa Nam và vợ, mọi người mới té ngửa là vụ xây nhà chẳng phải vì “dư tiền”, mà là vì… tình.

Hôm đó, nghe điện thoại của vợ xong, Nam nhìn mấy anh em thợ xây cũng là bạn mình, nói: “Sao phụ nữ phức tạp quá!”. Trong cơn mệt mỏi, anh trút tâm sự.

Việc xây nhà là do Thảo - vợ Nam - đòi ra riêng. Cô trước nay vẫn bướng bỉnh, nhưng từ đầu chính cô là người đề nghị sống chung với mẹ chồng. Mới đây, cô đọc nhiều tài liệu và bất ngờ muốn tự lập. 

Thấy cuộc sống đang ổn thỏa và tách biệt với sinh hoạt của mẹ, Nam thuyết phục vợ nhưng bất thành. Anh đành đồng ý ra riêng, với phương án thuê nhà trọ. Thảo giãy nảy. Cô đề nghị phải có nhà riêng mà vợ chồng sở hữu. Và cho rằng một người chồng, người cha phải lo được việc này cho vợ con. Nam hiểu, Thảo vẫn ỷ y vào túi tiền của mẹ chồng.

Theo Nam, anh có thể sống chung để đỡ đần, chăm sóc mẹ, nhưng không thể lấy tiền của mẹ để xây nhà riêng. Cuối cùng, anh phải chọn cách đi vay mượn và trả dần mỗi tháng, làm nhà ngay bên cạnh nhà bà Thu. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock 

Nam nói anh “đau đầu muốn chết” vì nhu cầu tự lập của vợ. Muốn tự lập, nhưng Thảo luôn tính toán như mình là chủ nhân khối tài sản của mẹ chồng. Cô vẽ vời đủ thứ. Đến lúc chồng hỏi “tiền đâu” thì cô lại truy vấn về vai trò làm chồng của anh. Trong khi đó, vợ chồng cưới xong thì có con, Thảo chưa có thu nhập. Dù mẹ vẫn lặng lẽ hỗ trợ nhưng Nam luôn nỗ lực bao quát hầu hết nhu cầu chi tiêu của vợ con. 

Và phần sau của câu chuyện mới làm mọi người “thấy nản”. Vừa giải phóng mặt bằng xong, Nam lại thông báo ngưng công trình để… chuyển sang 1 lô đất khác, cách nơi ở hiện tại của họ 7km. Chẳng cần nói lý do, ai cũng biết sự ngược ngạo này đến từ Thảo. Có người đánh bạo hỏi bà Thu, bà chỉ thủng thẳng nói: “Chuyện của vợ chồng nó để nó tính, tui có hứa cho 2 đứa 1 lô đất làm nhà, không lấy đất gần thì lấy đất xa”.

Đến khi chuyển sang công trình mới một thời gian, mọi người mới biết chuyện. Trong một bữa cơm đãi thợ, vài anh em thân thiết, Nam mới giải thích lý do là Thảo bất ngờ nói khu đất nhà bà Thu không hợp với tuổi của cô. Cô nằng nặc đòi dời công trình và chủ động xin bà Thu lô đất khác. Lúc biết chuyện, Nam đối diện với đòi hỏi: “Phải dời công trình sang đất Bình Tân, đất thì sẵn vì em đã xin mẹ, chẳng có lý do gì để anh từ chối”.

Lần này, anh bạn của Nam nổi giận: “Hổng lẽ chỉ vì vợ mày nó quá quắt mà mày phải nhu nhược vậy hả Nam?”.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Nam vốn hiền lành. Nên chuyện này càng khiến người nghe bức xúc thay anh. Ai cũng nói Thảo không biết điểm dừng, và không suy nghĩ cho Nam. Nam rầu rĩ: “Thôi em ráng xong cái nhà cho trọn. Em tính rồi, có thể vì quá muốn ở riêng nên Thảo quá quắt. Nếu xong rồi mà vẫn chưa yên, chắc em bỏ. Vì mình lắng nghe mà người ta không lắng nghe. Cái gì cũng phải có giới hạn”.

Nam nói đinh ninh. Mấy người bạn thân của anh ai cũng biết, Nam ít khi từ bỏ ai. Nhưng một khi Nam nói bỏ là đã “kiệt cùng”, và khó lòng lay chuyển. Người như thế, thường khiến đối tác khinh suất và leo thang đòi hỏi. Thảo rõ ràng là đã quá thiếu sót trong chuyện này. Nhưng hành xử như Nam cũng đâu có đúng.

Đôi khi chỉ cần một cuộc nói chuyện nghiêm túc, tranh luận đến tận cùng một vấn đề, trả lời cho bằng hết những câu hỏi đặt ra thôi, cũng có tính cứu vãn hơn là một cuộc chịu đựng quá dài. 

Minh Phương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI