Giữa công ty Minh Khang (đại diện là bà Thuỳ Dương, trái) và công ty Sen Vàng (đại diện là bà Phạm Kim Dung, phải) đang xảy ra ồn ào xoay quanh tên gọi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam
Bên nào cũng muốn ngăn chặn bên còn lại
Vụ tranh giành tên Hoa hậu Hoà bình Việt Nam giữa công ty Sen Vàng và công ty Minh Khang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, Công ty Minh Khang tổ chức cuộc thi Miss Peace VietNam, vòng bán kết và chung kết diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 9/2022. Tên gọi cuộc thi khi dịch sang tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Trong khi đó, Công ty Sen Vàng tổ chức cuộc thi Miss Grand VietNam, từ 5-25/9, tại TPHCM. Cuộc thi cũng có tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Sự việc này chưa có tiền lệ. Trong cuộc phỏng vấn riêng vào chiều 7/6, bà Phạm Kim Dung, Giám đốc công ty Sen Vàng, trưởng BTC Miss Grand VietNam cho biết đã 2 lần gửi công văn đến công ty Minh Khang đề nghị đơn vị này đổi tên cuộc thi, nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Vì thế, công ty Sen Vàng đã gửi đơn đến UBND TP. Đà Nẵng, Sở Văn hoá - Thể thao TP. Đà Nẵng, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng như một số tỉnh thành khác để khẳng định cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là của Sen Vàng. Đơn vị này sẵn sàng sử dụng pháp lý để bảo vệ tên cuộc thi.
Trước đó, bà Thuỳ Dương, Giám đốc công ty Minh Khang, Trưởng BTC Miss Peace VietNam cũng đã gửi công văn đến Cục Bản quyền tác giả, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, TPHCM; Bộ Thông tin Truyền thông để bảo vệ tên gọi này. Công ty này cũng từng gửi công văn đến Sen Vàng, nhưng theo bà Thuỳ Dương văn bản phản hồi không đi vào trọng tâm, không giải quyết được vấn đề.
Cục Bản quyền tác giả có sai?
Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho công ty Minh Khang với kịch bản chương trình cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 vào ngày 21/3/2022. Cục này cấp giấy chứng nhận cho kịch bản cuộc thi nhan sắc Miss Grand VietNam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 8/4. Nội dung na ná nhau từ hai giấy chứng nhận này khiến dư luận đặt dấu hỏi liệu Cục Bản quyền tác giả có sai phạm hay không?
Chúng tôi cố gắng liên hệ với bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nhưng không nhận được phản hồi.
Giấy chứng nhận bản quyền tác giả Cục Bản quyền tác giả cấp lần lượt cho công ty Minh Khang và công ty Sen Vàng
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng Cục Bản quyền tác giả cấp giấy đăng ký chứng nhận tác quyền theo hồ sơ hoàn chỉnh theo quy định, hợp lệ, sau thời gian không có khiếu nại, ý kiến, không trùng lắp nội dung với các hồ sơ trước đây, chứ không đi sâu vào nội dung, suy diễn...
Luật sư Trương Thị Dạ Thảo (công ty luật Phan Law), hiện đại diện cho Sen Vàng, cho biết pháp luật Việt Nam không có bản quyền với tên gọi. Theo chị, trong trường hợp này, không có nhầm lẫn hay sai sót từ phía Cục Bản quyền Tác giả. Những kịch bản này khi đăng ký được ghi nhận là tác phẩm viết. Để được ghi nhận quyền tác giả sẽ xem xét đến tính sáng tạo, thể hiện bằng việc trình bày, diễn biến từng phần... Tên gọi không nằm trong phạm vi xem xét tính sáng tạo. Chị lấy ví dụ có nhiều bài thơ, bài hát có cùng tên không có nghĩa là tác phẩm đó vi phạm nhau.
Trước lý giải này, một câu hỏi được đặt ra: vậy liệu có thể có hai cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam cùng tồn tại hay không? Luật sư Trương Thị Dạ Thảo phản hồi: "Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký tác quyền không đồng nghĩa với việc tổ chức đó được độc quyền tên gọi. Từ kịch bản để triển khai thành một chương trình thực tế còn đòi hỏi rất nhiều điều kiện khác, quy định trong nghị định 144/2020/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật. Miss Grand International đã được công chúng quan tâm, đón nhận sau khi Thuỳ Tiên đăng quang. Đây hiện là cuộc thi có tầm ảnh hưởng lớn. Vì thế, việc gây ra nhầm lẫn từ tên gọi khiến Sen Vàng thấy quyền lợi của mình đang bị ảnh hưởng nên sẽ có động thái quyết liệt".
Luật sư Trương Thị Dạ Thảo và bà Phạm Kim Dung trong buổi họp báo ra mắt cuộc thi Miss Grand VietNam 2022 vào chiều 7/6 tại TPHCM
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, pháp luật Việt Nam là pháp luật thực định, nên cần phải chứng minh tên gọi là hợp lý. Miss Grand Internaional là trường hợp mua bản quyền từ quốc tế để tổ chức thì phải xem xét tên tiếng Việt có phù hợp với tên tiếng Anh hay không. Đây cũng là câu chuyện gây tranh cãi trong 2 ngày qua. Bởi theo dịch nghĩa, "grand" có nghĩa là vĩ đại, to lớn, còn "peace" mới có nghĩa là hòa bình.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, khi Việt Nam gửi thí sinh tham gia cuộc thi Miss Grand International thì Việt hoá thành Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Tôn chỉ, mục tiêu của cuộc thi là hướng tới chấm dứt chiến tranh, bạo lực, đã được quảng bá trong nhiều năm qua trên thế giới. Năm 2017, cuộc thi Miss Grand International cũng từng được tổ chức tại Việt Nam, và cũng được Việt hoá tên gọi thành Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Đây cũng là một trong những lý do mà công ty Sen Vàng đưa ra, để minh chứng cho việc tên gọi này tồn tại từ lâu, ứng với cuộc thi tiếng Anh là Miss Grand International.
Luật sư Thảo nêu quan điểm rằng tên gọi cuộc thi không đơn thuần là việc dịch nghĩa từng từ, mà ý nghĩa của cuộc thi xuất phát từ tôn chỉ, hình thành nên yếu tố Việt hóa, đã thông dụng tại Việt Nam.
Việt Nam cử đại diện tham dự Miss Grand International liên tục nhiều năm qua. Năm 2021, Thuỳ Tiên đăng quang.
Theo luật sư Cường, với những tài liệu hiện có, công ty Minh Khang không vi phạm bản quyền với tổ chức Miss Grand International, và đã đăng ký quyền tác giả với tên gọi Hoa hậu Hòa bình, nên có thể đơn vị này vẫn có lợi thế khi mang sự việc ra pháp luật. Theo anh, nếu phải ra tòa để giải quyết thì ngoài giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì hai bên phải chứng minh được thời điểm sáng tạo sớm hơn để được pháp luật bảo hộ theo quy định. Đây là yếu tố tiên quyết, nếu không giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ là căn cứ hợp lệ nhất.
Anh lưu ý thêm với trường hợp mua bản quyền từ quốc tế thì phải xem xét quốc gia nơi xuất phát bản gốc có cùng thuộc tổ chức với Việt Nam về bảo hộ bản quyền hay không. Trong trường hợp này, Miss Grand International có trụ sở tại Thái Lan, và quốc gia này cùng thuộc tổ chức bảo hộ bản quyền với Việt Nam nên sẽ cùng theo những luật định chung.
Kẻ hở từ luật định?
Ngoài hợp đồng uỷ quyền chính thức của tổ chức Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế để tổ chức cuộc thi độc quyền tại Việt Nam; giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả từ Cục Bản quyền tác giả về kịch bản, logo Miss Grand VietNam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam; giấy cấp phép tổ chức cuộc thi tại TPHCM, bà Phạm Kim Dung cho biết cuộc thi Miss Grand VietNam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu tại Việt Nam. "Về mặt pháp lý, chúng tôi có quyền đủ để thực hiện cuộc thi này, và không ai có quyền tranh chấp cả", bà Dung nói.
Trước đó, phía công ty Minh Khang cũng đưa ra hồ sơ tờ khai đăng ký nhãn hiệu gửi đến Cục Sở hữu Trí tuệ với logo và tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, vào ngày 7/3/2022. Đây là bước đầu của quá trình để một nhãn hiệu được cấp chứng nhận. Trước đó, trong cuộc chia sẻ với truyền thông vào chiều 6/6, bà Thuỳ Dương vẫn mong cách giải quyết êm đẹp với phía Sen Vàng về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu Sen Vàng khởi kiện, đơn vị này sẵn sàng theo đến cùng để bảo vệ tên gọi.
Phía Sen Vàng cho biết đã gửi văn bản lên Cục Sở hữu trí tuệ, và chờ cơ quan này phản hồi.
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu do công ty Minh Khang cung cấp cho báo chí
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn trao quyền cho các địa phương cấp phép các cuộc thi nhan sắc trong nước. Cuộc thi của Sen Vàng được TPHCM cấp phép, còn của công ty Minh Khang do TP. Đà Nẵng chấp thuận. Vụ tranh chấp này liệu có cho thấy sự bất cập từ nghị định hiện tại, khi hai địa phương làm việc độc lập, dẫn đến việc trùng lặp tên gọi tiếng Việt. Sự việc chưa có tiền lệ này lại đặt ra vấn đề trong công tác quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, trong bối cảnh mọc lên "như nấm sau mưa".
Nhà hát Thanh Niên chỉ trình làng 1 vở diễn mới trong mùa tết là "Tung hoàng Pattaya". Vở hài kịch xoay quanh những drag queen người Việt tại Pattaya (Thái Lan).