Tranh giành quyền nuôi trẻ ngay trước cổng trường

21/10/2022 - 06:13

PNO - Một ngày đầu tháng Mười vừa qua, nhiều người hoảng hốt khi thấy một nhóm người lớn giành nhau một đứa bé trước cổng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, H. Hóc Môn, TPHCM. Sự việc sau đó phải nhờ đến công an can thiệp. Tại sao lại xảy ra cớ sự như vậy?

Rắc rối từ việc nhờ người khác nuôi con

Học bạ của cháu T. đã chuyển về TP.Đà Lạt, nhưng cháu vẫn còn ở TP.HCM nên việc học có nguy cơ bị dở dang
Học bạ của cháu T. đã chuyển về TP. Đà Lạt, nhưng cháu vẫn còn ở TPHCM nên việc học có nguy cơ bị dở dang

Đứa trẻ bị tranh giành là P.Đ.T., mười tuổi. Mười năm trước, khi cháu T. vừa lọt lòng thì bị bỏ rơi trước cổng một tịnh xá ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đứa trẻ được bà Phan Thị Chánh (sinh năm 1959, ngụ TP. Đà Lạt) nhận làm con nuôi và đăng ký khai sinh tại UBND P.9, TP.Đà Lạt. Tháng 9/2015, cháu T. được nhập hộ khẩu vào nhà bà Chánh.

Năm 2018, bà Chánh có giấy ủy quyền gửi cháu P.Đ.T. cho ông Mai Xuân Hoàng - một người quen, ngụ tại xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn - để cháu tu học tại một ngôi chùa ở huyện này. Dịp lễ tết, cháu được ông Hoàng đưa về Đà Lạt thăm mẹ nuôi. Khi có dịp, bà Chánh cũng xuống TPHCM thăm con.

Nhưng từ năm 2020 đến nay, ông Hoàng không cho cháu T. về thăm bà Chánh nữa. Bà Chánh nghi ngờ ông Hoàng có ý chiếm giữ cháu T. Còn ông Hoàng thì cho rằng, đầu năm 2020, sau thời gian về nhà chơi tết, cháu T. trở nên không vui và khó dạy hơn. Vì thế, ông không muốn cho cháu về nhà bà Chánh nữa, vì “sợ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của cháu sau này”.

Bà Chánh cho biết, gần hai năm qua, bà đã nhiều lần trao đổi qua điện thoại đề nghị ông Hoàng trả cháu T. để bà đưa cháu về Đà Lạt, nhưng ông Hoàng không trả. Bà Chánh đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị can thiệp buộc ông Hoàng trả lại con cho bà, vì cháu là con nuôi hợp pháp của bà.

Ngược lại, ông Hoàng cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đề nghị “thu hồi giấy khai sinh của cháu T.” mà UBND P.9, TP.Đà Lạt đã cấp, nhưng đề nghị của ông không được cơ quan chức năng chấp thuận.

Bên nào cũng muốn được quyền nuôi 

Tháng 7/2022, bà Chánh với tư cách là mẹ đã trực tiếp đến Trường tiểu học Nguyễn An Ninh rút học bạ của cháu P.Đ.T. và làm thủ tục cho cháu nhập học tại Trường tiểu học Hùng Vương, TP. Đà Lạt. Cháu T. đã được Trường tiểu học Hùng Vương nhận vào học lớp Năm của trường năm học 2022-2023 và có tên trong danh sách lớp. Tuy nhiên, do mâu thuẫn của hai bên nên đến nay cháu T. vẫn đến học ở trường cũ nhưng không còn là học sinh của trường. 

Ngày 3/10 vừa qua, bà Chánh đến Trường tiểu học Nguyễn An Ninh với ý muốn đưa cháu T. về Đà Lạt nhập học, nhưng tại cổng trường đôi bên đụng độ nên xảy ra việc tranh giành đứa trẻ. 

Ông Hoàng cho rằng, ông giữ cháu T. lại là theo nguyện vọng của cháu. Vả lại, trả cháu cho bà Chánh, ông rất lo, không biết cháu sẽ ra sao.

“Tôi đã nuôi dưỡng cháu 5 năm, cháu cũng đã quen rồi. Tôi mong nuôi cháu thêm một thời gian nữa, khi cháu trưởng thành sẽ tự quyết định mình ở đâu, sống với ai. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc để phân định rõ ràng. Có thể đem vụ việc này ra tòa để cháu T. nói lên nguyện vọng của mình. Nếu cơ quan chức năng giải quyết cho cháu về Đà Lạt, hãy giám sát, bảo hộ để cháu được sống tốt. Còn nếu cho cháu ở đây, hãy giải quyết làm sao trả lại học bạ để cháu được đi học. Năm nay là năm học cuối cấp, rất quan trọng với cháu” - ông Hoàng nói.

Người mẹ nuôi hợp pháp lại phải cầu cứu khắp nơi

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an H.Hóc Môn cho biết, đơn vị có nhận được đơn của bà Phan Thị Chánh tố cáo ông Mai Xuân Hoàng “bắt, giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật” đối với cháu P.Đ.T. Xác minh, cơ quan điều tra nhận thấy, vụ việc này là tranh chấp quyền nuôi dưỡng cháu T., không cấu thành tội “bắt, giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật”. Việc tranh chấp quyền nuôi dưỡng cháu T. thuộc thẩm quyền của tòa án. Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra hướng dẫn khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo thẩm quyền.

UBND H.Hóc Môn cũng đã có văn bản trả lời và hướng dẫn bà Chánh theo hướng trên.

Bà Phan Thị Chánh cho hay, do trước đây bà không đủ điều kiện nên bà đã gửi cháu T. cho ông Hoàng. Nay điều kiện sống của bà đã đảm bảo nên bà muốn mang cháu về để nuôi dạy. Và quan trọng là bà nhận thấy ông Hoàng có dấu hiệu chia cắt quan hệ mẹ con bà nên bà buộc phải nhận lại con.

“Khoảng hai năm nay, khi tôi vào thăm thì ông Hoàng không cho gặp hay tiếp xúc với cháu. Do đó, tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để giúp tôi được nhận lại con của mình” - bà Chánh khẩn khoản.

Bà Chánh lập luận, bà là mẹ nuôi hợp pháp của cháu T., còn ông Hoàng chỉ là người được bà gửi con để tu học. Lẽ ra, khi được bà yêu cầu, ông Hoàng phải có trách nhiệm giao trả. Theo quy định, bà là mẹ hợp pháp của đứa bé nên không cần phải kiện đòi con. 

Ngăn cản bà Chánh gặp con là vi phạm pháp luật

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM ) nhận định, bà Phan Thị Chánh là người có quyền nuôi dưỡng hợp pháp đối với cháu P.Đ.T., bởi theo đăng ký khai sinh bà là mẹ nuôi và cháu T. đã được nhập khẩu vào chung một hộ với bà. Việc ngăn cản bà Chánh gặp gỡ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu T. là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em 2016 và Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

“Theo tôi, trong vụ việc này, chịu tổn thương và thiệt thòi nhất vẫn là cháu T. Do đó, các cơ quan có chức năng bảo vệ, hỗ trợ trẻ em cần vào cuộc, đưa ra giải pháp tốt nhất để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cháu bé. Cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc này. Nếu không, quyền lợi của đứa trẻ sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng” - luật sư Trần Minh Hùng nói.

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI