Tranh giả như rươi vào mùa

03/04/2018 - 08:21

PNO - Không phải cho đến khi một website ngang nhiên rao bán tranh giả, người làm nghề ngao ngán về vấn nạn này. Nạn tranh giả đã có từ lâu, nhiều hoạ sĩ lên bức xúc nhưng cho đến nay, vấn nạn này vẫn ngang nhiên tồn tại.

 Tranh giả ngang nhiên tồn tại

Bao nhiều năm và bao nhiều lần giới mỹ thuật Việt Nam ngồi lại, cùng lên tiếng, cùng bức xúc... nhưng rồi ở ngoài kia, trên những phố tranh và các phòng tranh, tranh giả vẫn cứ được bán-mua nhộn nhịp. 

Chất xám của hội hoạ Việt Nam bị coi rẻ, luật định của Việt Nam bỏ trống hay thật ra chính các nhà quản lý cũng thiếu đi khả năng thẩm định lẫn quản lý, để rồi nền mỹ thuật Việt gần như "tự bơi" trong bối cảnh tranh sáng tranh tối của cái gọi là thị trường tranh?

Tranh giả như rươi 

Nhà phê bình Hoàng Anh, sau khi lên mạng tìm tư liệu đã phát hiện một website rao bán rất nhiều tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng. Sẽ không có gì đáng nói nếu như những bức tranh được rao bán kia hiện vẫn đang nằm tại nhà của tác giả- nghĩa là những bức được rao bán ấy toàn là giả!

Tranh gia nhu ruoi vao mua
Hoạ sĩ Thành Chương bên bức tranh giả tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu

 Đó là câu chuyện mới nhất cho vấn nạn tranh giả đã tồn tại rất lâu ở thị trường mỹ thuật Việt Nam. Cho đến giờ, giới mỹ thuật vẫn chưa thể nào quên sự kiện triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2017, khi bức tranh của Thành Chương bị thay tên tác giả thành Tạ Tỵ. Đây được gọi là một sự kiện chấn động, bởi hành vi thay tên đổi họ, giả tranh… này diễn ra ngay tại một địa điểm của giới mỹ thuật, trong một hoạt động được quảng bá rầm rộ và đánh giá cao. 

“Riêng ở thị trường trôi nổi ngoài kia, tranh giả dường như xuất hiện trên từng con phố”, một hoạ sĩ ngao ngán nói. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương còn không ngần ngại chỉ thẳng, tranh của ông hiện được bán đầy rẫy ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) và các phố tranh ở Hà Nội. Trong đó có nhiều bức sao chép hoàn toàn, nhiều bức sao chép 80%.

Hoạ sĩ Đào An Hải cho biết, giới tranh giả tài ba và nhanh nhẹn đến mức, tranh ông vừa đưa lên mạng xã hội để giới thiệu ngày hôm trước, ngày hôm sau đã có một bức nhái bán ở các phòng tranh. Có lần, ông đến tận nơi, có tang chứng vật chứng nhưng rồi tình trạng này vẫn cứ lặp lại, hết lần này đến lần khác. Giới nhái tranh vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên ngoài kia, chỉ có hoạ sĩ là ôm sáng tác của mình mà kêu la vô vọng.

Ở sân chơi quốc tế cũng giả

Các hoạ sĩ đương thời đã thế, các hoạ sĩ thuộc 2 hàng tứ trụ của hội hoạ Việt Nam là “Nhất Trí, Nhì Vân, Tam Lân, Tứ Cẩn” và “Nhất Sáng, Nhì Liên, Tam Nghiêm, Tứ Phái” (gồm các danh hoạ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn và Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái), tranh còn bị giả “dã man” hơn gấp nhiều lần.

Theo hoạ sĩ Bùi Thanh Phương- con trai danh hoạ Bùi Xuân Phái, năm 2016, một bức tranh của Bùi Xuân Phái được đấu giá lên đến hơn 100.000 USD nhưng đó hoá ra là tranh giả. Không chỉ bị làm giả ở Việt Nam, nhiều người đã phát hiện bức tranh Thuyền trên sông Hương của danh hoạ Tô Ngọc Vân cũng bị làm giả trong một phiên đấu giá của nhà Christie's tại Hồng Kông.

Tranh gia nhu ruoi vao mua
Bức Thôn nữ Bắc kỳ mới đây bị cho là giả vì có nhiều chi tiết sai so với ảnh chụp bức tranh vào năm 1936

Tháng 5/2017, nhà Christie's cũng đã bán ra bức Mơ về một ngày mai của danh học Tô Ngọc Vân, được cho là vẽ năm 1940, với giá hàng tỷ đồng nhưng chính hoạ sĩ Tô Ngọc Thành, con trai hoạ sĩ Tô Ngọc Vân cho rằng đây là hàng giả mạo.  

Năm 2016, giới mỹ thuật Việt xôn xao khi bức tranh Lady of Hue của hoạ sĩ Lê Văn Đệ (giám đốc đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn), được giới thiệu là vẽ vào năm 1945 với chất liệu mực và bột màu trên lụa, được nhà Christie's Hồng Kông mở bán đấu giá và thu về số tiền gần 90.000USD. Điều đáng nói là ở chính tại thời điểm ấy, một bức Lady of Hue của hoạ sĩ Lê Văn Đệ cũng đang trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam!

Mới đây nhất, ngày 25/3, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã mở phiên đấu giá của các hoạ sĩ Việt Nam thuộc thế hệ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó, bức Thôn nữ Bắc kỳ của hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn cũng bị cho là giả vì có nhiều chi tiết khác biệt so với ảnh chụp bức tranh vào năm 1936.

Có thể nói, tranh giả Việt Nam là vấn nạn nhức nhối vài chục năm nay, và dù giới hội hạ đã nhiều lần lên tiếng, bức xúc lẫn kiến nghị, tranh giả vẫn hoành hành như thể đó là điều tất yếu.

Nguyễn Vấn

Bài 2: Việt Nam không hề có thị trường tranh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI