Đa dạng về đề tài, phong phú về màu sắc
(Từ trái qua) Olivier Tessier, GS Phan Huy Lê, Philippe Papin, Pascal Bourdeaux
Từ trước đến nay, khi nhắc đến tranh dân gian Việt Nam, người ta vẫn thường nghĩ về tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống qua những bức họa kinh điển như Lợn ỉ, Hứng dừa, Đánh ghen, Đám cưới chuột... Thế nhưng mảng tranh này chỉ chiếm 1% trong tổng thể tranh dân gian Việt Nam.
Buổi hội thảo về tranh dân gian Việt Nam do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) tổ chức tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) với sự tham gia của các Giáo sư Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Sử học Việt Nam), Philippe Papin (Trường Cao học Thực hành Paris), Olivier Tessier (đại diện EFEO tại Việt Nam) và Pascal Bourdeaux (đại diện EFEO tại TP.HCM) đã mang đến cho người xem nhiều bất ngờ lý thú về đề tài cũng như kỹ thuật chế tác tranh dân gian của các nghệ nhân người Việt xưa kia.
Tập sách Bách khoa toàn thư về kỹ thuật chế tác tranh dân gian Việt Nam của Henri Oger (do Olivier Tessier trình bày, đã được công bố rộng rãi) và Bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam rất công phu của Maurice Durand (xuất bản tại Pháp lần đầu vào năm 1960, được Philippe Papin chỉnh lý và tái bản lần hai theo bốn ngôn ngữ Việt - Nôm - Hán - Pháp) đều được thực hiện vào nửa đầu thế kỷ XX tại miền Bắc Việt Nam.
Các đề tài tranh được phát hiện trong hai công trình này trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và hướng đến nhiều đối tượng người chơi khác nhau, như tranh minh họa cho ca dao tục ngữ Việt Nam (Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, Còn duyên kẻ đón người đưa/Hết duyên đi sớm về trưa một mình, Bắc cầu mà noi/Ai bắt cầu mà lội, Phương ngôn đồ), con người trong đời sống hàng ngày (Tố nữ, Quan lại, Tiên tắm đồ, Du xuân đồ, Thưởng xuân đồ, Sĩ nông công thương), thiên nhiên (Phụng hoàng và đàn vịt), văn học Việt Nam (Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa), văn học Trung Hoa (Tây du ký, Tam quốc chí), chúc Tết, tôn giáo tín ngưỡng…
Mộc bản và giấy (giấy điệp, giấy dó, giấy xuyến chỉ) là hai vật liệu thiết yếu làm nên một tác phẩm tranh dân gian. Mộc bản do nghệ nhân vẽ phác thảo rồi khắc trên miếng gỗ, sau đó dập khuôn hàng loạt lên giấy. Tranh Đông Hồ thường chỉ có vài màu cơ bản bằng cách chồng màu của các loại ván in khác nhau. Tranh Hàng Trống và tranh làng Sình chỉ in một bản khắc nét đen, sau đó màu được tô tỉ mỉ vào từng mảng chi tiết. Riêng với tranh làng Sình, người ta chỉ tô một lần và không tạo độ đậm nhạt bằng cách hòa thêm nước như tranh Hàng Trống, do vậy để có được độ đa sắc, các nghệ nhân tranh làng Sình phải pha chế nhiều màu hơn.
Màu sắc còn là yếu tố quyết định chất lượng của một bức tranh và đẳng cấp người chơi tranh. Ông Philippe Papin dẫn chứng bằng hai tác phẩm phổ thông mô tả các trò chơi dân gian Việt Nam, cùng một mộc bản mà ra nhưng cách pha và dập/tô màu khác nhau đã tạo ra hai bức tranh có chất lượng khác nhau. Có những tác phẩm bị dập màu thiếu cẩn trọng, để loang sắc ra khỏi chu vi đường viền, như các bức Lợn ỉ, Tiên tắm đồ, Sĩ nông công thương. Ngoài ra còn có một dòng tranh chất lượng thấp được làm trên các loại giấy báo, giấy quảng cáo đã qua sử dụng. Loại tranh này được GS Phan Huy Lê phỏng đoán là được làm vào thời kỳ nước ta gặp khó khăn về kinh tế, các nguồn cung cấp giấy hiếm hoặc đắt nên người ta phải tạm dùng giấy phế thải (bồi một lớp đặc dụng lên một mặt rồi dập khuôn màu lên).
Ở một đẳng cấp cao hơn, các bức Tố nữ, Phụng hoàng và đàn vịt, Quan lại được thực hiện trên nền chất liệu giấy vô cùng láng mịn, từng chi tiết như trên trang phục thiếu nữ, vị quan, đuôi chim phụng, hoa lá được tô màu rất sắc sảo. Sau khi tô màu xong, người ta còn phết thêm một
lớp đặc dụng để bảo vệ lớp màu gốc.
Liệu có sự tương đồng nào giữa tranh dân gian Việt Nam với Trung Hoa, Nhật Bản? Ông Philippe Papin khẳng định ngay: “Không hề! Về màu sắc, tranh dân gian Việt Nam có những màu rất nhu và đặc trưng như xanh ngọc bích, hồng cánh sen được làm từ chất liệu khoáng sản, thực vật địa phương (vỏ sò, lá cây tán nhuyễn), không lẫn với dòng tranh dân gian của quốc gia nào khác”. GS Phan Huy Lê nói thêm, tuy là nghệ thuật truyền thống nhưng tranh dân gian Việt Nam cũng có những biến đổi theo quy luật tồn tại và phát triển; ở thế kỷ XIX, tranh dân gian chủ yếu sử dụng các sắc màu làm từ chất liệu thiên nhiên, sang đến thế kỷ XX, do ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa Tây phương, người ta đã bắt đầu dùng thêm các phẩm màu hóa học để tạo ra các sắc mới đa dạng hơn.
Văn bản mới phát hiện về Lục Vân Tiên: giao thoa tuyệt mỹ giữa thi ca và hội họa
Philippe Papin đang chứng minh sự đa dạng trong đề tài của tranh dân gian Việt Nam
Phần gây chú ý nhất trong buổi hội thảo là bộ sách tranh màu dài 335 trang của tác giả Eugène Gilbert (do Pascal Bourdeaux trình bày), một thủy thủ người Pháp, được thực hiện trong những năm 1895 - 1897 khi ông đến công tác tại Huế vào năm 1880 (22 tuổi). Eugène Gilbert tốt nghiệp trường Bách khoa, rất đam mê nghiên cứu về dân tộc học và dành nhiều thời gian làm việc tại Đông Dương để hoàn thành bộ sách trên.
Bộ sách gồm hai phần được in trên chất liệu giấy rất mịn, phần một dài 53 trang, phần hai dài 282 trang, ghi lại toàn bộ tác phẩm truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XIX, kèm theo 1.200 hình vẽ màu minh họa theo lối tranh dân gian Việt Nam.
Bằng bút tích để lại trên cuốn sách, Eugène Gilbert thừa nhận ông chỉ là người tổ chức công việc, còn người trực tiếp thực hiện các bức họa là một nghệ nhân triều đình Huế tên Lê Dui Trạch. Riêng 30 hình vẽ cuối của tác phẩm lại do một nghệ nhân khác thực hiện, vì vậy có hai lối vẽ khác nhau trong cuốn sách này.
Năm 1899, Eugène Gilbert tặng lại tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn ký và mỹ văn (thành viên của Viện Hàn lâm Pháp) và được lưu trữ ở đó cho đến nay mà ít ai biết. Năm 2012, Viện Viễn Đông bác cổ ký biên bản được phép tiếp cận nguồn tư liệu quý giá này với Viện Hàn lâm Mỹ ký và văn mỹ.
Đây là tác phẩm tuyệt mỹ mang tính giao thoa hài hòa giữa thi ca và hội họa, giữa hai nền văn hóa tưởng chừng xa lạ là Đông và Tây nhưng lại trở nên gần gũi nhờ vào thái độ trân quý của một người con Pháp quốc dành cho văn hóa bản địa, qua đó phản ánh quan điểm thẩm mỹ tinh tế của người Việt xưa và đóng góp vào kho tàng tranh dân gian quý giá của đất nước.
Nhận định về ba công trình nghiên cứu này, các học giả đều có chung một quan điểm rằng, trình độ mỹ thuật và tay nghề của các nghệ nhân tranh dân gian Việt Nam ngày xưa rất điêu luyện, có sức hấp dẫn đặc trưng và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tranh dân gian của Trung Hoa hay Nhật Bản. Công trình này đã đặt ra thách thức cho những nhà nghiên cứu tranh dân gian Việt Nam những câu hỏi lớn như: Bối cảnh gặp gỡ của Eugène Gilbert với Lê Dui Trạch để hình thành nên tác phẩm? Trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật của các nghệ nhân Việt Nam? Làm sao để bảo tồn và quảng bá công trình này?
Một dịch giả cao niên người Việt có mặt trong buổi hội thảo chất vấn: Vì sao từ lúc Viện Viễn Đông bác cổ ký biên bản được phép tiếp cận nguồn tư liệu quý giá này với Viện Hàn lâm Mỹ ký và văn mỹ, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào của người Việt để kế thừa và phát huy di sản ấy? GS Phan Huy Lê thẳng thắn cho biết, năm 2011 khi sang tham quan Viện Hàn lâm Mỹ ký và văn mỹ, ông mới vô tình phát hiện ra tác phẩm này mà ngay chính những thủ thư ở đó cũng chưa hiểu hết về nó. Cả phái đoàn khi ấy đã rất sững sờ trước vẻ đẹp của tác phẩm được coi là độc nhất vô nhị này và ông rất mong mỏi đề xuất đưa vào di sản văn hóa của Việt Nam. GS Pascal Bourdeaux cũng bày tỏ niềm hy vọng muốn được những người cộng sự Việt Nam cùng giúp sức để bảo tồn và quảng bá công trình này. Hiện tác phẩm đang được lên kế hoạch số hóa sang tiếng Việt để người Việt có thể dễ dàng tiếp cận.
Hiện tại ở Hàng Trống (Hà Nội) chỉ còn một gia đình duy nhất còn theo nghề làm tranh dân gian, còn người làng Bưởi (Hà Nội) không còn ai làm giấy dó nữa. Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) thì còn nhiều hộ vẫn giữ được nghề, tuy chất lượng giấy không còn đẹp như xưa nhưng bằng nỗ lực bảo tồn và cải tiến (tự thân), các nghệ nhân ở đây đã mở rộng được khổ giấy dó để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó có các ấn phẩm nằm ngoài chủ đề tranh dân gian để lấy ngắn nuôi dài. Tại làng Sình, tranh dân gian cũng đang dần được phục hồi và phát triển mà cái tên Kỳ Hữu Phước vẫn hay được nhắc đến như linh hồn của nghề chạm bản khắc in tranh ở Huế.
Sau cuộc hội thảo, triển lãm tranh dân gian Việt Nam tiếp tục diễn ra tại Trung tâm nghe nhìn IDECAF cho đến ngày 6/4, trưng bày 15 khung ảnh về đề tài tranh dân gian, gồm những hình ảnh được chọn lọc từ cuốn Bách khoa toàn thư về kỹ thuật chế tác tranh dân gian Việt Nam (Henri Oger), Bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam (Maurice Durand) và những bản khắc gỗ chưa từng được công bố của bộ sách tranh màu Lục Vân Tiên (Eugèn Gilbert, Lê Dui Trạch).
* Nhiều người vẫn nghĩ tranh dân gian Việt Nam vốn chỉ dành cho tầng lớp thứ dân, cuộc hội thảo đã mở ra nhiều giai tầng xã hội khác nhau mà tranh dân gian nhắm tới? GS Phan Huy Lê: Tranh dân gian Việt Nam phản ánh trung thực đời sống lúc bấy giờ, có bao nhiêu tầng lớp trong xã hội thì có bấy nhiêu loại tranh dân gian dành riêng cho từng đối tượng, từ quan lại, phú gia, trung lưu cho đến bình dân, thứ dân, nông dân… Tính dân gian ở đây không mang hàm ý “bình dân” mà xuất phát từ cái nhìn dân gian và được thể hiện bằng kỹ thuật và nghệ thuật dân gian. * Tranh dân gian khởi nguồn và phát triển cực thịnh tại miền Bắc, nhưng khi đến Việt Nam thì Eugène Gilbert lại chọn một nghệ nhân Huế để thực hiện một đề tài về miền Nam? Ông có thể phỏng đoán được nguyên do? - Ngoài trung tâm tranh dân gian tọa lạc tại cùng châu thổ sông Hồng thì Huế cũng được biết đến với truyền thống tranh dân gian lâu đời, mang những đặc trưng kỹ thuật và nghệ thuật rất tiêng biệt. Tôi chưa biết chính xác lý do vì sao viên sĩ quan người Pháp lại chọn đề tài này, nhưng tôi đoán là có lẽ khi đến Việt Nam, ông thấy truyện Lục Vân Tiên thời đó đang rất phổ biến, và tiếng tăm của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã vượt ra ngoài biên giới Nam Bộ, vang danh khắp cả nước. |
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN