Tranh con… để vòi tiền: Con hay ''con tin''?

19/02/2016 - 09:48

PNO - Vì tiền cấp dưỡng tự thỏa thuận giữa hai vợ chồng quá lớn  người mẹ quyết liệt giành quyền nuôi con... chỉ để được nhận tiền cấp dưỡng.

Tranh con… de voi tien: Con hay ''con tin''?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vì tiền cấp dưỡng tự thỏa thuận giữa hai vợ chồng quá lớn so với quy định của pháp luật, người mẹ đã quyết liệt giành quyền nuôi con, không phải vì muốn được tự tay chăm sóc con mà chỉ nhằm để nhận được tiền cấp dưỡng. Cũng vì thế, nhiều ông bố buộc phải “tiền trao cháo múc” để được quyền thăm con, bởi nếu chưa “chung đủ” thì cha đừng mơ đến chuyện thăm con...

"Mua" quyền thăm con

“Chồng tôi có quyền khởi kiện đòi lại con không?” - chị Đỗ Tú Quyên (H.Châu Thành, T.Tiền Giang) hỏi đi hỏi lại vị thẩm phán điệp khúc đó, vẻ lo lắng hiện rõ khi nhận lại được cái gật đầu. Đó là điều chị sợ nhất, nhưng không phải sợ mất con mà là sợ mất tiền cấp dưỡng hàng tháng từ chồng cũ.

Năm 2006, qua mai mối chị Quyên kết hôn với ông Andresen Zamach (quốc tịch Israel). Một năm sau, chị theo chồng sang Israel sống. Cuộc sống mới không như mơ ước. Chị muốn được đi làm để có tiền giúp đỡ gia đình nhưng lại phải cơm bưng nước rót cho cả nhà chồng gồm đến ba bốn thế hệ chung sống.

Mọi chi tiêu của chị đều phụ thuộc vào chồng và bị mẹ chồng kiểm soát. Thời gian này, vợ chồng chị phát sinh nhiều mâu thuẫn, thường xuyên cãi vã. Chồng chị cứ hứa lần hứa lữa nhưng vẫn không cho vợ đi làm. Vợ chồng còn không chia sẻ được với nhau vì bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên mâu thuẫn càng thêm trầm trọng.

Con trai được một tuổi, chị Quyên viện cớ mẹ bệnh, xin về Việt Nam rồi không quay sang nữa. Ông Andresen nhiều lần về Việt Nam khuyên nhủ nhưng Quyên vẫn cương quyết ở lại Việt Nam. Mãi đến khi mang thai đứa con thứ hai chị mới chịu theo chồng quay lại Israel, nhưng con chỉ mới tròn tuổi, chị lại trốn về Việt Nam.

Giữa năm 2015, chị Quyên nộp đơn xin ly hôn, đòi quyền nuôi con. Chồng chị cũng chấp nhận giao hai con cho chị nuôi dưỡng, cấp dưỡng 2.000USD/tháng theo đòi hỏi của chị, chỉ có yêu cầu duy nhất là chị không cản trở quyền thăm con của mình.

Bản án ly hôn của họ thể hiện các điều khoản cụ thể: “Cha có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con và các thành viên trong gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…”. Dù vậy, trên thực tế, ông Andresen phải đánh đổi bằng tiền cho việc cha con được gặp mặt.

Mang nỗi lo đối phương “lật kèo”, cùng với bản án ly hôn họ còn ký với nhau bản thỏa thuận quy định: chị Quyên không được cản trở quyền thăm con của chồng cũ. Tiền cấp dưỡng hàng tháng sẽ được giao khi ông Andresen được gặp mặt con. Ông Andresen giải thích, sở dĩ phải ký bản thỏa thuận trên vì trong thời gian ly thân, chị Quyên đã giấu con không cho ông gặp, thậm chí không cho nghe cả điện thoại của ông. Ông muốn gặp con phải đưa cho chị một số tiền nhất định; muốn đưa con đi chơi, cũng phải chi tiền theo yêu cầu của chị.

Vì thế, ông lo sau ly hôn, pháp luật không bảo vệ được quyền thăm con của mình nên buộc phải tự thỏa thuận bằng… tiền để mua quyền thăm con từ vợ. Về phần mình, chị Quyên cho rằng, chị làm vậy để bảo đảm việc ông Andresen phải chu cấp tiền đầy đủ cho hai đứa con. Đáng nói là sau ly hôn, Quyên không hề chăm sóc con mà giao cho ông bà ngoại nuôi.

Chưa chuyển tiền là chưa được gặp con

Năm 2014, ông Ly Hua (TP.Đài Bắc, Đài Loan) và chị Nguyễn Trúc Ly (H.Mỏ Cày, T.Bến Tre) ly hôn. Theo thỏa thuận, hàng tháng ông Hua cấp dưỡng cho con 35 triệu đồng đến năm con 18 tuổi. Sau phiên tòa, chị Ly gặp chồng cũ yêu cầu được nhận tiền một lần để có vốn làm ăn nuôi con nhưng ông Hua không đồng ý. Do vậy, Ly luôn làm khó chồng cũ trong việc thăm nom con.

Tháng nào ông chưa kịp chuyển tiền là Ly không cho con gặp, hay nghe điện thoại của cha. Người mẹ này còn nhồi nhét vào đầu con những điều không hay về cha khiến bé luôn sợ sệt, xa lánh không muốn gặp cha. Mỗi lần ông Hua muốn đưa con đi chơi hay về thăm họ hàng đều phải đưa thêm tiền cho vợ cũ, dù họ đã có thỏa thuận chị Ly không cản trở quyền thăm con của chồng cũ, cho ông đưa con về thăm bên nội mỗi năm một lần.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI