Những dấu ấn không phai - Bài 4:

Tranh cổ động và câu chuyện về một giai đoạn hào hùng

29/04/2022 - 07:21

PNO - Ra đời từ cuộc kháng chiến chống Pháp, bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dòng tranh cổ động nhanh chóng thích nghi với thực tế mới: Cổ động tinh thần cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương.

Đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận của văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, làm nên tên tuổi của rất nhiều văn nghệ sĩ, có sức sống bền lâu. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), mời bạn đọc cùng nhìn lại một số tác phẩm, nhân vật… đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho nhiều thế hệ khán giả

Bài 1Sức hút của đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu

Bài 2: Tỏa sáng từ những điều bình dị

Bài 3: Những bóng hồng ngoan cường trong âm nhạc 

Ngợi ca tiền tuyến, cổ vũ hậu phương 

Thời kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động được thực hiện với nhiều chủ đề khác nhau, từ hậu phương đến tiền tuyến. Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, giáo sư - tiến sĩ (GS - TS) Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho biết tranh cổ động thời kháng chiến vẽ nhiều chủ đề khác nhau từ chống chiến tranh phá hoại, đến ngợi ca các hoạt động tăng gia sản xuất, khích lệ tinh thần học tập văn hóa, góp phần nâng cao khí thế cách mạng trong tầng lớp nhân dân… Tất cả đều hướng đến mục đích động viên hậu phương, cổ vũ tiền tuyến, quyết tâm đánh thắng quân thù.

Nếu âm nhạc dùng giai điệu, lời ca để động viên tinh thần, thì tranh cổ động với đường nét, màu sắc, nội dung chữ viết giúp họa sĩ truyền tải thông điệp một cách trực quan, sinh động. Ngày đó, họa sĩ vẽ tranh không đơn thuần thể hiện cái tôi nghệ sĩ mà luôn đặt tác phẩm trong lý tưởng chung, và mỹ thuật đã tạo nên dấu son với tranh cổ động. 

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bất khuất, đảm đang được nhiều họa sĩ tập trung khắc họa trong các tác phẩm tranh cổ động ẢNH TƯ LIỆU
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bất khuất, đảm đang được nhiều họa sĩ tập trung khắc họa trong các tác phẩm tranh cổ động (ảnh tư liệu)
 

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, từng đảm nhận chức Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - nhận định: “Tranh cổ động được xem là nội dung chủ lực, thể hiện tính xung kích của mỹ thuật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Số lượng họa sĩ vẽ tranh cổ động lên đến hàng trăm người, nên để chọn ra vài cái tên họa sĩ tiêu biểu rất khó, vì e rằng không thể trọn vẹn”. Dù vậy, ông Vi Kiến Thành vẫn nhắc đến cố họa sĩ Lê Lam và cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Với ông, đây là hai trong số nhiều họa sĩ có đóng góp đặc biệt cho dòng tranh cổ động.

Cố họa sĩ Lê Lam (tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931) tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc năm 1953. Năm 1966, họa sĩ Lê Lam có tên trong danh sách các họa sĩ được cử sang Liên Xô học tập nhưng ông xin ở lại, cùng với nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước… vào chiến trường miền Nam hoạt động. Từ đây, ông vẽ nhiều tranh cổ động ấn tượng. Trong đó, bức vẽ Dừng lại (tên ban đầu Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục) vô cùng nổi tiếng. Bức đó ông vẽ chị Tư Cào, người phụ nữ tay không hiên ngang ngăn xe địch ở Long An, trong khi quân địch đông áp đảo cả dưới mặt đất, lẫn trên không. Bức tranh về sau bị quân địch thu giữ, họa sĩ Lê Lam vẽ lại bức khác để trưng bày. Cố họa sĩ Lê Lam còn được biết đến với hai tác phẩm Bảo vệ chính quyền nhân dânTừng giờ từng phút hướng về miền Bắc. Còn cố họa sĩ Huỳnh Văn Thuận lại nổi tiếng với tác phẩm Không có gì quý hơn độc lập tự do.

“Trong thời kỳ khó khăn nhất của dân tộc khi đấu tranh với đế quốc Mỹ, tranh cổ động là phương tiện được sử dụng chính để tuyên truyền đến người dân, huy động sức dân cho việc chung. Tranh cổ động thời đó phát triển mạnh nhờ hai ưu thế gồm hình thức vẽ rất đơn giản, và thứ hai là quá trình in đồ họa, khắc gỗ khá dễ để sản xuất hàng loạt, in ấn rộng rãi để tuyên truyền. Sự sáng tạo, linh động của một bộ phận họa sĩ miền Bắc thể hiện ở chỗ: trong một số trường hợp đặc biệt, họ có thể vẽ trực tiếp trên tường bằng nhiều chất liệu, để giúp quá trình tuyên truyền mạnh mẽ hơn”, GS - TS Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ.

Dominic Scriven, người đang sở hữu bộ sưu tập hơn 1.000 bức tranh cổ động của Việt Nam, từng bày tỏ sự thán phục trước sức sáng tạo của họa sĩ Việt Nam trong khó khăn. Ông ngạc nhiên trước những bức tranh được vẽ ở mặt sau của tấm áp phích cũ, nhưng vẫn đậm dấu ấn cá nhân về cả tính mỹ thuật lẫn thông điệp tuyên truyền.

Một trong những sáng tác đặc biệt nhất của tranh cổ động thời kỳ này là những thông tin nhanh chóng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: máy bay thứ 200, 1.500, 3.500, 4.000… bị bắn rơi trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, hay Xuân 1975 mừng Tây Nguyên giải phóng của họa sĩ Lê Thiệp; Hoan hô Huế giải phóng của họa sĩ Nguyễn Tiến Cảnh; 30-4-1975 Việt Nam toàn thắng của họa sĩ Phạm Lung… trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 làm nức lòng quân dân cả nước.

Vượt trên mục đích tuyên truyền 

Sự ra đời của tranh cổ động kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước. Các họa sĩ dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng với vai trò của tranh cổ động, họ được ví giống như chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, luôn bám sát thời sự, kịp thời phản ánh những vấn đề xã hội. Những đại diện tiêu biểu của tranh cổ động thời kháng chiến còn có họa sĩ Huỳnh Văn Gấm với bức Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại; họa sĩ Huy Oánh và Nguyễn Thụ với Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; họa sĩ Vũ Viết Quang với Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi; Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau của họa sĩ Thục Phi…

Vào mỗi cột mốc quan trọng của dân tộc, tranh cổ động lại xuất hiện mạnh mẽ, hòa vào dòng chảy chung của các tác phẩm nghệ thuật, với mục đích tuyên truyền. Nhận thấy giá trị to lớn của tranh cổ động, năm 1966, Bộ Văn hóa lúc bấy giờ thành lập Xưởng tranh cổ động trực thuộc Tổng cục Thông tin, tập hợp nhiều họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động. Ngay khi đi vào hoạt động, xưởng tranh đã tích cực sáng tác, in ấn, phát hành liên tục các tác phẩm tranh cổ động trên toàn miền Bắc. Về sau, xưởng tranh tìm cách nâng cao số lượng, tối ưu hóa khâu in ấn để kịp thời phục vụ mục đích tuyên truyền bằng tranh cổ động trên khắp cả nước. Lứa họa sĩ như Trần Anh Vinh, Nguyễn Phương Liên, Minh Phương, Dương Ánh, Thục Phi… ngày đó như những “ngôi sao” trong làng hội họa tranh cổ động, bởi các tác phẩm của họ len lỏi đến khắp địa phương trên cả nước. Thời điểm khốc liệt ấy, gần như họa sĩ cả nước đều tập trung cho tranh cổ động.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam bất khuất, đảm đang được nhiều họa sĩ tập trung khắc họa trong các tác phẩm tranh cổ động

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (bút hiệu Uyên Huy) cho biết thời điểm 30/4/1975, ông và những sinh viên Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn lúc bấy giờ do lực lượng cách mạng tiếp quản được phát động phong trào vẽ tranh cổ động. “Lứa sinh viên chúng tôi chứng kiến và trực tiếp tham gia vào một phần sự phát triển của tranh cổ động. Tôi nhớ dịp 30/4/1975, trường phát động phong trào sinh viên cùng vẽ tranh cổ động. Tôi cùng nhiều bạn bè tham gia sôi nổi. Chúng tôi vẽ nhiều chủ đề đa phần ngợi ca thắng lợi chung của đất nước”, họa sĩ Huỳnh Văn Mười chia sẻ.

Vượt trên giá trị thuần tuyên truyền, lan tỏa thông tin, tranh cổ động thời kháng chiến có chất lượng nghệ thuật khá tốt, quốc tế đánh giá cao. Theo họa sĩ Huỳnh Văn Mười, tranh cổ động của Việt Nam ấn tượng ở chỗ hình ảnh cô đọng, súc tích, có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu, phù hợp mục đích tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân. Trên CNN, họa sĩ Richard Di San Marzano từng ngợi ca tranh cổ động Việt Nam bởi chúng hiệu quả về mặt tuyên truyền, không tốn nhiều kinh phí, lại bắt mắt, sinh động. Ông từng sưu tầm nhiều tranh cổ động Việt Nam để phục vụ cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu những dòng tranh đặc biệt của các quốc gia.

Ngày nay, tranh cổ động vẫn còn tồn tại, nhưng đã qua thời hoàng kim. Theo GS - TS Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM - có nhiều lý do để tranh cổ động dần bị thay thế. Đó là ngày trước, khi phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, họa sĩ đối diện với rất nhiều khó khăn để hoàn thiện bức vẽ bằng tay, sau đó chuyển sang in ấn. “Còn bây giờ, tranh cổ động không còn được ưa chuộng vì đa phần vẽ bằng máy, thậm chí nhiều người sử dụng tranh chụp, tranh vẽ sẵn nên không giữ được tinh thần, không truyền tải được cảm xúc, chỉ thuần truyền tải thông tin. Tranh cổ động ngày nay như poster không còn phục vụ cho mục đích chính trị, mà còn vì vấn đề thương mại, dịch vụ, nghệ thuật, nên lâu dần tính chất cổ động không còn cao”, ông nói.

Theo thời gian, đứng trước những thay đổi của thời cuộc, đặc biệt về mặt khoa học kỹ thuật và các yếu tố tác động đến nhận thức con người, tranh cổ động cũng phải có sự chuyển mình để phù hợp. Tuy nhiên, đặt trong tiến trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam, tranh cổ động là dấu son ấn tượng, không chỉ có sức sống bền bỉ với thời gian, mà còn góp phần vẽ lại diện mạo một giai đoạn lịch sử anh hùng của dân tộc. 

Khánh An

Kỳ cuối: Từ nhân vật lịch sử đến những vai diễn huyền thoại 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI