Tranh chấp tiền phúng viếng

08/07/2021 - 06:21

PNO - Tiền phúng viếng không phải là di sản thừa kế, vì tiền phúng viếng là tài sản có được sau thời điểm mở thừa kế, không phải tài sản của người chết.

* Hỏi: Ông nội tôi vừa mất. Ba tôi dù không phải là con trai cả nhưng có điều kiện kinh tế hơn bác và các cô chú tôi, nên đã đứng ra tổ chức tang lễ. Các tổ chức, cá nhân đến phúng viếng khá đông. Số tiền phúng viếng cũng nhiều. Có hai cô chú tôi cho rằng số tiền này nên chia đều cho mỗi người, ai không nhận thì thôi. Xin hỏi: tiền phúng viếng có được coi là di sản để chia thừa kế hay không? Nguyễn Thị Dung (Đồng Nai)

- Trả lời: Theo Điều 612, Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. 

Tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác được xác định như sau:

- Tài sản riêng của người chết gồm phần tài sản của vợ, chồng có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân… (đối với người có vợ, chồng) hoặc tài sản thuộc sở hữu riêng của một người (mà người đó không có vợ, chồng).

- Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác gồm: phần tài sản chung theo phần trong khối tài sản chung với vợ, chồng hoặc với người khác.

Luật quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, gồm: thời điểm chết sinh học hoặc chết pháp lý (theo quyết định của tòa án nhân dân).

Như vậy, theo quy định nêu trên, tiền phúng viếng không phải là di sản thừa kế, vì tiền phúng viếng là tài sản có được sau thời điểm mở thừa kế, không phải tài sản của người chết. 

Trên thực tế, tiền phúng viếng sẽ được gia đình dùng cho việc chi phí mai táng người chết, phần còn lại thuộc về gia đình có người chết. Cũng có nhiều trường hợp, các gia đình sẽ sử dụng tiền phúng viếng để làm từ thiện hoặc mục đích khác…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI