Tranh cãi về việc Mỹ lập đại học giả bẫy sinh viên nước ngoài vi phạm luật nhập cư

28/11/2019 - 16:00

PNO - Mấy tháng gần đây, thêm gần 90 sinh viên nước ngoài tại một trường đại học giả do Bộ An ninh Nội địa tạo ra ở thành phố Detroit tiểu bang Michigan (Mỹ) đã bị cảnh sát di trú bắt giữ.

Tranh cai ve viec My lap dai hoc gia bay sinh vien nuoc ngoai vi pham luat nhap cu
Cảnh sát di trú bắt giữ thêm 90 sinh viên nước ngoài tại một trường đại học giả ở Michigan - Ảnh: ICE

Từ tháng Giêng đến nay, tổng cộng gần 250 sinh viên “vi phạm luật nhập cư” đã bị lực lượng thực thi pháp luật di trú và hải quan Mỹ, gọi tắt là cảnh sát di trú (ICE), bắt giữ khi đặc vụ liên bang “dụ dỗ” sinh viên nước ngoài, phần lớn từ Ấn Độ, nhập học Trường Farmington - một cái cái bẫy của ICE - với các chương trình sau đại học về công nghệ và nghiên cứu máy tính.

Trong số những người bị bắt, nhiều người đã bị trục xuất, trong khi những người khác tiếp tục tranh cãi về việc họ bị loại khỏi trường. Chỉ có một sinh viên được thẩm phán nhập cư cấp phép ở lại Mỹ hợp pháp lâu dài.

Các sinh viên đến Mỹ hợp pháp theo thị thực sinh viên, nhưng vì Đại học Farmington sau đó được tiết lộ là do đặc vụ liên bang tạo ra như một cái bẫy tội phạm, nên các sinh viên này mất thể chế nhập cư sau khi trường đóng cửa vào tháng Giêng năm nay. Trường có nhân viên là các đặc vụ đóng giả các quan chức đại học.

Tranh cai ve viec My lap dai hoc gia bay sinh vien nuoc ngoai vi pham luat nhap cu
Đại học Farmington là một cái bẫy tội phạm nhập cư của Bộ An ninh Nội địa Mỹ

Văn phòng điều tra an ninh nội địa của ICE thông báo tại cuộc họp báo hôm 26/11 rằng trong số gần 250 sinh viên bị bắt với cáo buộc vi phạm hành chính, "gần 80% đã được cấp phép tự nguyện rời khỏi Hoa Kỳ", trong số 20% còn lại, khoảng một nửa được lệnh rời khỏi nước Mỹ. Số còn lại “nộp đơn xin giảm nhẹ hoặc đang tranh luận về nguy cơ bị trục xuất với Văn phòng điều hành nhập cư".

Trong khi đó, bảy trong số tám nhà tuyển dụng bị buộc tội hình sự đã nhận tội và bị kết án tại Detroit, bị cáo còn lại sẽ bị kết án vào tháng Giêng năm 2020.

Luật sư của các sinh viên bị bắt nói rằng họ bị chính phủ Hoa Kỳ “gài bẫy một cách không công bằng” vì Bộ An ninh Nội địa nói trên trang web chính thức rằng Đại học Farmington là một trường hợp pháp.

Có hơn 600 sinh viên đã ghi danh vào trường đại học này, một cái bẫy tội phạm được đặc vụ liên bang phối hợp với ICE lập nên. Hồ sơ của Cục Cấp phép và điều hành cho thấy Đại học Farmington được thành lập tháng 1/2016.

Nhiều sinh viên đăng ký vào trường thông qua một chương trình gọi là Đào tạo thực hành bộ môn, cho phép sinh viên làm việc tại Mỹ thông qua chương trình visa F-1 dành cho sinh viên nước ngoài. Một số sinh viên chuyển đến Đại học Farmington từ các trường khác, nhưng do trường Farmington không còn được công nhận, có nghĩa là họ không được phép ở lại Mỹ.

Các email nhận được cho thấy trường đại học giả đã thu hút sinh viên đến trường với chi phí trung bình khoảng 12.000 đô la học phí và lệ phí mỗi năm.

Rahul Reddy, luật sư đại diện cho một số sinh viên bị bắt ở Texas, nói rằng “nước Mỹ đánh bẫy những người dễ bị tổn thương, những người chỉ muốn duy trì tình trạng (nhập cư hợp pháp) của mình", và bằng cách đó, chính phủ Mỹ "đã kiếm được nhiều tiền".

Trường đại học giả được cho là đã thu hàng triệu đô la từ các sinh viên không chút đề phòng đã sa bẫy. Một email từ chủ tịch của trường, ông Ali Milani, nói với sinh viên rằng học phí các chương trình sau đại học là 2.500 USD mỗi quý và chi phí trung bình là 1.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, đến nay không có ai đệ đơn kiện hoặc khiếu nại chống lại chính phủ Mỹ vì đã thu tiền hoặc cáo buộc dụ dỗ các sinh viên.

Luật sư của ICE và Bộ Tư pháp nói rằng các sinh viên nước ngoài cần phải biết rằng đó không phải là một trường đại học hợp pháp vì nó không có các lớp học ở một địa điểm cụ thể, một số chương trình của trường có lớp kết hợp với các chương trình làm việc tại công ty. Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Brandon Helms nói: “Nếu đó thực sự là để học tập, thì trường này không thể thu hút được ai cả, bởi vì nó không có giáo viên, lớp học hoặc dịch vụ giáo dục”.

Hòa Ninh (Theo USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI