Tranh cãi về siêu mẫu 'ảo'

27/09/2018 - 06:20

PNO - Cuộc cách mạng công nghệ số đang len lỏi vào khắp các ngành nghề, kể cả thời trang. Các siêu mẫu “ảo” xuất hiện ngày càng thường xuyên trên trang bìa hoặc được chọn làm gương mặt thương hiệu cho các chiến dịch quảng cáo thời trang.

Đầu tháng Chín này, nhà mốt danh tiếng Pháp - Balmain đã dùng ba người mẫu kỹ thuật số là Shudu, Zhi và Margot để quảng bá cho bộ sưu tập mùa thu 2018 thay vì những người nổi tiếng như Kim Kardashian, Kendall Jenner, Rihanna.

Tranh cai ve sieu mau 'ao'
Margot, Shudu và Zhi - ba người mẫu 3D được nhà mốt Balmain chọn làm gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng cáo

Theo lý giải của Balmain: “Đội quân ảo phản ánh sự pha trộn đa dạng, xinh đẹp, tự tin và mang đến cho mọi người cảm giác háo hức khám phá những thế giới mới”.

Shudu là người mẫu châu Phi, nổi bật với làn da đen bóng. Zhi là nhan sắc Trung Quốc với mái tóc ngắn cá tính và Margot là một cô gái Pháp. Cả ba là những sản phẩm được nhiếp ảnh gia Anh Cameron-James Wilson, tạo ra bằng công nghệ 3D.

Trong số ba siêu mẫu ảo trên, Shudu dựa trên hình mẫu ca sĩ Grace Jones, siêu mẫu Alek Wek, Top 3 Australia’s next top model 2013 - Duckie Thot và búp bê Barbie phiên bản Công chúa Nam Phi.

Shudu nổi tiếng nhất trong số ba cô gái, kể từ khi ra mắt lần đầu vào tháng Năm. Cô xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang. Cô là người quảng bá màu son Saw-C cho thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Fenty Beauty của Rihanna. Tài khoản Instagram của Shudu có đến 130.000 người theo dõi.

Tuy nhiên, sức hút của Shudu trên mạng xã hội vẫn còn kém xa so với siêu mẫu ảo Miquela Sousa, thuộc quyền quản lý của một công ty phần mềm ở Los Angeles. Kể từ khi trình làng vào năm 2016, tài khoản Instagram của cô gái 19 tuổi với gương mặt lấm tấm tàn nhang này đã có 1,3 triệu người hâm mộ và cô đã “chụp” được nhiều hợp đồng từ các thương hiệu thời trang cao cấp như Maison Margiela, Prada.

Louis Vuitton từng dùng nhân vật Lighting với mái tóc hồng nổi bật trong loạt game Final Fantasy để làm người mẫu cho bộ sưu tập xuân - hè 2016.

Xu hướng dùng người mẫu 3D làm “nàng thơ” đã dẫn đến nhiều phản ứng. Số ủng hộ cho rằng, đây là cách làm nhanh nhạy của các hãng trong việc hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, vốn là thế hệ rành công nghệ. Việc dùng người mẫu kỹ thuật số cũng giúp các hãng giảm chi phí. Thay vì bỏ ra đống tiền để thuê người mẫu và nhiếp ảnh gia chụp ảnh thì giờ chỉ cần thuê một chuyên gia kỹ thuật là xong. Phía phản đối lo sợ làn sóng người mẫu ảo sẽ cướp mất “chén cơm” của người mẫu thật.

Louise Stone, người mẫu 24 tuổi, từ London - người từng xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo của L’Oréal, Adidas - than thở: “Thực sự sợ hãi khi phải cạnh tranh với những cô gái không có thật, vì họ có thể chỉnh sửa diện mạo để tạo ra vẻ ngoài hoàn hảo nhất mà chẳng cần phải qua quá trình casting”.

Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn cả là người mẫu 3D sẽ tác động tiêu cực đến các cô gái trẻ. Nhiếp ảnh gia Manny Roman nói về việc Balmain dùng người mẫu ảo: “Tôi ngưỡng mộ nghệ thuật dùng kỹ thuật số của chiến dịch quảng cáo, nhưng tôi không thích thông điệp phi thực tế mà Balmain chuyển tải đến cộng đồng. Tôi lo sợ những người mẫu CGI sẽ làm leo thang nỗi ám ảnh ngoại hình”.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI