Tranh cãi về người mẫu mặt tàn nhang hay sự va chạm vẻ đẹp chuẩn châu Á?

19/02/2019 - 09:54

PNO - Mới đây, tại Trung Quốc bùng nổ cuộc tranh cãi dữ dội về người mẫu mặt tàn nhang xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm của nhà bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Zara.

Tranh cai ve nguoi mau mat tan nhang hay su va cham ve dep chuan chau A?
Một số người đặt câu hỏi: phải chăng hãng Zara "làm xấu" hình ảnh của phụ nữ Trung Quốc khi sử dụng một người mẫu có tàn nhang để quảng bá sản phẩm?- Ảnh: Zara/Sina Weibo

Trong chiến dịch này, người mẫu Li Jingwen (hay còn gọi là Jing Wen) thu hút được sự chú ý đáng kể trong công chúng, đặc biệt là phụ nữ Trung Quốc, khi xuất hiện với khuôn mặt đầy vết tàn nhang.

Nhật báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng những vết tàn nhang của Jing Wen đã làm cho khuôn mặt của cô có tính chất đặc trưng. Nhưng, cũng chính những vết tàn nhang này đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trên truyền thông xã hội Weibo, vì phần đông người Trung Quốc ít người có tàn nhang trên mặt.

Một số người nói rằng khuôn mặt cô người mẫu của Zara "làm xấu đi" hình ảnh người Trung Quốc, những người khác thì nhảy vào bênh vực cô và kêu gọi trong nước cần làm nhiều hơn để giúp mọi người đề cao vẻ đẹp tự nhiên của mình.

"Tôi thực sự ghét tàn nhang"

Tranh cai ve nguoi mau mat tan nhang hay su va cham ve dep chuan chau A?
Khuôn mặt đầy vết tàn nhang của người mẫu Jing Wen. Trong khi đó, đa phần người Trung Quốcít bị tàn nhang - Ảnh: Getty Images

Jing Wen - cô gái đến từ thành phố Quảng Châu, Trung Quốc - là một gương mặt nổi bật trong thế giới người mẫu 5 năm qua. Cô từng làm người mẫu cho một số thương hiệu cao cấp cũng như bình dân, trong đó có Calvin Klein và H&M.

Jing Wen không trả lời các tranh cãi quanh quảng cáo của mình, nhưng cô nói về những lo lắng trước đây khi bắt đầu có tàn nhang trên mặt. Cô từng trả lời trên tạp chí Vogue số tháng 10/2016: "Khi còn nhỏ, tôi thực sự ghét tàn nhang vì người châu Á thường không có đặc điểm này. Ở trường trung học, tôi luôn cố gắng che giấu tàn nhang, nhưng bây giờ thì ổn rồi, tôi thích như vậy và thế là đủ”.

Quan niệm về một làn da sáng không tì vết là tiêu chuẩn sắc đẹp được ưa thích trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, cũng như ở khu vực Đông Á. Do đó, sự xuất hiện của Jing Wen trong chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm mới đây đã gây tranh cãi ở Trung Quốc, và nhận được phản ứng dữ dội từ người dùng trên mạng xã hội Sina Weibo.

Kể từ khi Zara khởi động chiến dịch quảng cáo hôm 15/2, nhiều người Trung Quốc đã lên tiếng rằng họ không hiểu vì sao thương hiệu này quyết định chọn một người mẫu có khuôn mặt tàn nhang. Một số người nói rằng họ thấy gương mặt Jing Wen “không đẹp đẽ gì”.

Những người khác đi xa hơn khi đặt câu hỏi liệu có phải hãng này muốn "xúc phạm" hay "làm xấu người Trung Quốc" hay không. Có người viết: "Những bức ảnh mô tả một người mẫu châu Á có tàn nhang và khuôn mặt hình chiếc bánh vô cảm đã đánh lừa ấn tượng của phụ nữ phương Tây về phụ nữ châu Á, và có thể dẫn đến phân biệt chủng tộc đối với phụ nữ châu Á”.

“Cần đa dạng thẩm mỹ hơn”

Tranh cai ve nguoi mau mat tan nhang hay su va cham ve dep chuan chau A?
Jing Wen tham dự Tuần lễ thời trang New York năm 2017, cô hiện là một trong những người mẫu Trung Quốc được các hãng thời trang quốc tế săn lùng nhất - Ảnh: Getty Images

Trang web Pear Video phỏng vấn một đại diện của Zara, người này nói rằng các quảng cáo nhắm đến mục tiêu thị trường toàn cầu của họ, chứ không riêng gì Trung Quốc.

"Tính thẩm mỹ của người Tây Ban Nha rất khác", họ nói và khẳng định: "tất cả các người mẫu của chúng tôi đều được chụp ảnh “như nguyên trạng”, hình ảnh không bị sửa đổi”. Vì vậy, vị đại diện Zara bác bỏ ý kiến cho rằng người mẫu Jing Wen “bị làm xấu đi”, ông cho biết Jing Wen "trông lúc nào cũng như vậy, khuôn mặt của cô ấy không bị photoshop, chụp ảnh hoàn toàn tự nhiên”.

Phản ứng của Zara dẫn đến hàng chục ngàn người dùng Weibo đăng bài có sử dụng hashtag #ZaraRespondsToUglifyingChineseModelComments (Zara trả lời ý kiến chê người mẫu Trung Quốc).

Nhiều người hoan nghênh quyết định không photoshop hình ảnh Jing Wen và bày tỏ sự giận dữ rằng cô người mẫu này dường như bị đồng bào của mình bắt nạt. Họ viết: "Người mẫu Trung Quốc này đã bị chính đồng bào của mình phân biệt đối xử”. Ý kiến trên nhận được hàng trăm ngàn lượt like trên Weibo. Có người bình luận: "Người Trung Quốc có quá nhiều mặc cảm”, nhiều người ca ngợi "vẻ đẹp tự nhiên" của cô người mẫu và nói rằng Trung Quốc nên làm nhiều hơn để thể hiện những nhận thức khác nhau về cái đẹp, vì quan niệm thẩm mỹ của nhiều người Trung Quốc “cần phải đa dạng hơn”.

Tranh cai ve nguoi mau mat tan nhang hay su va cham ve dep chuan chau A?
Người mẫu Trung Quốc Zuo Ye cho biết sự xuất hiện của cô trong chiến dịch quảng cáo của D&G “gần như hủy hoại sự nghiệp của cô” - Ảnh: Dolce&Gabbana/Instagram

Nhật báo China Daily biện hộ rằng "những người phàn nàn về quảng cáo mới của Zara có thể đã làm như vậy để ngăn hình ảnh của quốc gia bị tổn thương" trong bối cảnh "thiếu tự tin về văn hóa".

Nhiều người dùng nói rằng có sự tương đồng giữa việc tiếp nhận chiến dịch của Zara và chiến dịch năm ngoái của thương hiệu xa xỉ Dolce&Gabbana. Trong chiến dịch của Dolce&Gabbana, một người mẫu Trung Quốc ăn mỳ Ý bằng đũa đã bị công chúng chỉ trích dữ dội vì sự vô cảm về văn hóa.

Một số người dùng nói rằng kể từ sau sự kiện D&G, việc kêu gọi các công ty hoặc cá nhân nhận thức về việc họ có thể đang xúc phạm công chúng Trung Quốc bỗng “trở nên hợp xu hướng”. Một người dùng khác nói thêm rằng đã có một làn sóng các công ty và cá nhân bị bôi nhọ vì "xúc phạm Trung Quốc", họ lưu ý rằng sự cố D&G đã được "nâng lên cấp độ ngoại giao".

Thanh Vân (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI