Tranh cãi về hội đồng trường: Cũng vì chữ lợi?

22/08/2018 - 08:10

PNO - Chủ đề này “nóng” hơn bất kỳ vấn đề nào khác mỗi khi đem ra góp ý, trưng cầu ý kiến chuyên gia về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Chiều 21/8, khi góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, rất nhiều đại biểu nêu ý kiến xoay quanh chủ đề hội đồng trường trong trường đại học. Các đại biểu bàn luận quyết liệt, mổ xẻ nhiều khía cạnh. 

Chủ đề này “nóng” hơn bất kỳ vấn đề nào khác mỗi khi đem ra góp ý, trưng cầu ý kiến chuyên gia. Lần nào cũng vậy, cốt lõi vẫn là đi tìm câu trả lời: quyền lực sẽ nằm trong tay ai? 

Tranh cai ve hoi dong truong: Cung vi chu loi?

Có đại biểu lo lắng rằng, hội đồng trường mất “uy lực” nếu như không có quyền bầu ra hiệu trưởng. Rồi mọi chuyện vẫn diễn ra như chưa từng có hội đồng trường: “quyền sinh sát” vẫn nằm trong tay hiệu trưởng. Có người nói: để hiệu trưởng lập ra hội đồng trường thì chẳng khác nào mở đường cho hiệu trưởng kéo dài quyền lực sau khi nghỉ hưu. 

Một trong những nguyên nhân khiến hội đồng trường chưa được thành lập hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chiếu lệ là hiệu trưởng không muốn chia sẻ quyền lực. Chẳng ai muốn thành lập ra một tổ chức giám sát mình, bắt mình phải giải trình. Có đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề: vậy phải phân chia quyền lực giữa hiệu trưởng và hội đồng trường như thế nào? 

Rồi có người đặt câu hỏi: trường tư thành lập hội đồng trường có nghĩa lý gì khi đã có những nhà đầu tư dưới tên gọi hội đồng quản trị. Họ có giám sát được “ông chủ” của mình không? Vậy “đẻ” ra hội đồng trường cũng chỉ là một cách hoàn thiện hình thức của mô hình đại học bên Tây. Bởi vì họ khác mình, họ có đại học tư thục không vì lợi nhuận. Ở đó, không có những ông chủ bắt buộc các hoạt động của trường phải đẻ ra tiền. 

Hội đồng trường được mô tả là một tổ chức độc lập để phản biện, giám sát hoạt động của nhà trường, của hiệu trưởng; biểu quyết các chính sách phát triển trường… với kỳ vọng góp phần vào tự chủ đại học. Thế nhưng, các chuyên gia vẫn còn lo lắng những chuyện tủn mủn rất đời như người “bên ngoài” với người “bên trong”, quyền lực thuộc về ai… 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI