Tranh cãi về an tử lại bùng lên sau cái chết của Quỳnh Dao

06/12/2024 - 06:24

PNO - Sự chủ động lựa chọn ra đi của nữ sĩ Quỳnh Dao (Đài Loan, Trung Quốc) ở tuổi 86 lần nữa làm dấy lên những tranh cãi chưa có hồi kết về vấn đề an tử (euthanasia).

Cần sự đồng thuận rộng rãi của xã hội

Trước khi ra đi, ngày 27/11, bà đã đăng lên Facebook lời tri ân chồng - nhà văn Bình Hâm Đào, qua đời năm 2019 sau một thời gian dài bệnh tật. “Tốt hơn là trở về nơi vĩnh hằng” - nữ văn sĩ viết. Cuối đời, tác giả của những câu chuyện tình yêu trĩu nặng lại nổi lên như người ủng hộ mạnh mẽ việc hợp pháp hóa an tử.

Trước khi tuyết rơi: Bài học cuối cùng của đời tôi, cuốn sách xuất bản năm 2017 của bà kể chi tiết về cuộc đấu tranh kéo dài giữa bà với 3 người con riêng của chồng trong lựa chọn chăm sóc y tế cũng như quyết định an tử cho ông.

Những người ủng hộ “quyền được quyết định cái chết của mình” trong một cuộc biểu tình ở Anh - Nguồn ảnh: Getty Images
Những người ủng hộ “quyền được quyết định cái chết của mình” trong một cuộc biểu tình ở Anh - Nguồn ảnh: Getty Images

Ngay sau tin tức về sự ra đi của nữ nhà văn vào ngày 4/12, Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (Trung Quốc) đã phải lên tiếng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đồng thuận rộng rãi của xã hội về an tử, một vấn đề phức tạp gắn liền với đạo đức y khoa, tôn giáo và những cân nhắc triết học khác.

“Hiện tại, chúng ta chưa có một sự đồng thuận hoàn toàn nào về an tử chủ động, tương đương với tự tử có hỗ trợ” - một quan chức nói.

“Người già sợ chết một cách đau đớn và nghiên cứu chỉ ra rằng: sự ra đi êm đẹp phụ thuộc vào việc sống những ngày cuối đời với sự thanh thản trong tâm hồn” - Phương Tuấn Khải - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc cuối đời, Bệnh viện Mackay Memorial (Đài Bắc) - nói và khuyên người lớn tuổi nên chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu nhằm bảo đảm một kết thúc xứng hợp.

Vấn đề bác sĩ “trợ tử” đang rộng mở ở phương Tây, bao gồm Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Mỹ. Trong đó, Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa an tử vào năm 2002. Tại Mỹ, hơn 10 tiểu bang đã cho phép bác sĩ “trợ tử” cho người bệnh.

Theo tiến sĩ Zhang Di - Trường cao đẳng Y tế liên minh Bắc Kinh - hầu hết các quốc gia cho phép an tử đều có nền kinh tế phát triển cao và hệ thống phúc lợi mạnh mẽ. Hệ thống y tế của Trung Quốc không đạt đến các tiêu chuẩn đó nên hợp pháp hóa an tử là chưa thể.

“Nhiều chuyên gia lo ngại nếu an tử được công nhận, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị áp lực phải trải qua “thủ thuật” này. Do đó, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ đầy đủ là tiền đề quan trọng. Trong một số trường hợp, nếu người bệnh được điều trị giảm nhẹ tốt, ví dụ như được cùng gia đình tư vấn tâm lý và hỗ trợ tinh thần, có thể họ sẽ không chọn phương án an tử” - ông nói.

Tranh cãi kéo dài

Hôm 29/11, các nhà lập pháp Anh quốc đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc trợ tử. Hạ viện đã thông qua dự luật Người lớn mắc bệnh nan y (hay Kết thúc cuộc sống) với 330 phiếu thuận và 275 chống. Dù luật chính thức chưa được ban hành nhưng theo giới quan sát, nó sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ bởi các ủy ban quốc hội và có thể, các sửa đổi sẽ được sớm đề xuất.

Dự luật cho phép trợ tử đối với người trên 18 tuổi mắc bệnh nan y kèm các điều kiện như bệnh nhân phải có đủ năng lực tinh thần để đưa ra lựa chọn với đầy đủ thông tin, không bị ép buộc hoặc bị gây áp lực; thời gian dự kiến ​​sẽ chết tối thiểu phải từ 6 tháng; người bệnh phải có 2 văn bản tuyên bố mong muốn được chết có người chứng kiến ​​và ký tên hoặc có chữ ký của người được ủy quyền. Phải có 2 bác sĩ độc lập xác nhận họ đủ điều kiện và phải có ít nhất 7 ngày giữa các lần đánh giá y tế này.

Thẩm phán tòa cấp cao phải nghe ý kiến ​​của ít nhất 1 trong các bác sĩ và có thể thẩm vấn người bệnh hoặc bất kỳ ai thấy cần thiết. Sau khi thẩm phán ra phán quyết chấp thuận, cần thêm 14 ngày nữa mới được tiến hành.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ sự ủng hộ dự luật. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Anh, gồm Công giáo, Hồi giáo, Sikh, Hindu, Chính thống giáo Coptic và Hy Lạp đã cùng ra một thư chung phản đối.

Theo Tomasz Stawiszyński - triết gia người Ba Lan - an tử là một cách “tầm thường hóa” cái chết. “Câu hỏi cốt lõi là liệu một người có quyền quyết định thời điểm chết của họ hay không? Theo quan điểm thế tục, con người là chủ sở hữu duy nhất của sự sống mình, không có thẩm quyền nào cao hơn họ” - ông diễn giải.

Theo một khảo sát của Research Co., gần 30% người Canada coi tình trạng vô gia cư và nghèo đói là lý do chính đáng để thực hiện an tử. Quan niệm này là không đúng với trật tự xã hội. Một báo cáo của Viện Đạo đức y khoa Anh phát hiện: ở các quốc gia châu Âu, nơi an tử là hợp pháp, số ca tự tử đã tăng đáng kể.

Trong cuộc họp tại Vatican ngày 30/11 với các nghị sĩ Pháp, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi bảo vệ sự sống cho đến khi nó kết thúc một cách tự nhiên. Pháp sẽ xem xét một dự luật về chăm sóc cuối đời trong tháng 2/2025. Trước đó, Chính phủ Pháp đã trình dự luật cho phép “chết có hỗ trợ” hay còn gọi là “hỗ trợ tích cực khi chết” nhưng đã bị đình lại bởi quốc hội vào giữa năm 2024.

Nam Anh (theo TVBS, WNG, La-Croix)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phạm Mỹ Hiền 07-12-2024 16:38:48

    Bài viết rất hữu ích, tôi muốn ủng hộ mạnh mẽ cho quyền được chết của mỗi người. Nó cũng quan trọng không thua gì quyền được sống. Mỗi người nên được có chọn lựa riêng của mình ạ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI