Tranh cãi và xuyên tạc: Bản án tử cho các nhà làm phim Hàn Quốc

27/03/2021 - 13:43

PNO - Những sai lệch căn bản và sự cẩu thả khi khai thác các nhân vật và sự kiện lịch sử có thật khiến các nhà làm phim Hàn Quốc phải trả giá đắt.

Tối 25/3, bom tấn zombie Joseon Exorrcist được kỳ vọng là tác phẩm đáng xem nhất trong nửa đầu năm 2021 đã hủy bỏ phát sóng vĩnh viễn, vì những sự cố đáng tiếc chỉ sau 2 tập đầu công chiếu. Đây không chỉ là một bài học đắt giá cho các nhà làm phim xứ kim chi, buộc họ phải cẩn trọng hơn khi tiếp cận với các tác phẩm khai thác yếu tố lịch sử mà còn đánh dấu bước tiến mới cho sự quyết liệt, tiếng nói mạnh mẽ của chính khán giả.

 Joseon Exorrcist hủy phát sóng sau tranh cãi.
Joseon Exorrcist hủy phát sóng sau tranh cãi dù đã hoàn thành 80% quá trình quay phim.

Giọt nước tràn ly

Tiếp nối sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp phim ảnh xứ kim chi 2020, các nhà sản xuất đã tung một loạt dự án phim truyền hình được đầu tư kinh phí cao, khai thác các đề tài độc đáo và mới lạ, bao gồm bom tấn hành động (Vincenzo, Kẻ săn người), gia đình (Penthouse 2) cho đến dòng phim khoa học viễn tưởng (Sisyphus: The Myth) và loạt tác phẩm cổ trang (Mr Queen, Joseon Exorrcist).

Thay vì các bộ phim bùng nổ màn ảnh nhỏ nhờ chất lượng như kỳ vọng ban đầu thì những tranh cãi phi lý và xuyên tạc lịch sử lại trở thành dòng chủ lưu chính khi nhắc đến phim truyền hình Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý là ở thể loại cổ trang - một trong những thể tài nhận được sự quan tâm lớn của khán giả, thương hiệu ghi dấu ấn của nền phim ảnh Hàn Quốc trong suốt hơn thập kỷ qua - lại mắc phải những sai lầm căn bản.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người xem, các biên kịch và nhà sản xuất hiển nhiên mong muốn khai thác các tác phẩm có nội dung mới lạ và độc đáo. Dụng ý được đánh giá khá tốt nhưng ekip lại tập trung quá nhiều vào việc đầu tư kỹ xảo hoành tráng và nhiều twist (cao trào), để rồi bỏ quên điều cơ bản nhất khi khai thác các nhân vật và sự kiện lịch sử có thật là phải tìm hiểu thật kỹ từng chi tiết nhỏ.

Sau loạt tranh cãi sai lệch trong Joseon Exorrcist nổ ra, khi đó lời xin lỗi của đài SBS không còn giá trị: “Khi tiếp xúc với nhân vật và sự kiện lịch sử có thật, lẽ ra chúng tôi phải quan tâm và xem xét từng chi tiết kỹ hơn, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm vô hạn vì đã không thể làm như vậy”.

Những món ăn kiểu Trung Quốc xuất hiện trong Joseon Exorrcist gây phẫn nộ.
Những món ăn kiểu Trung Quốc xuất hiện trong Joseon Exorrcist gây phẫn nộ.

Không được may mắn như Mr.Queen hay Quân vương bất diệt, lần này khán giả không dễ dàng bỏ qua cho Joseon Exorrcist. Đây được xem là giọt nước tràn ly sau liên tục những tranh cãi tiếp diễn trong suốt thời gian qua. Trước đó, hầu hết các tác phẩm dù đối mặt vô số phản ứng của dư luận, chỉ đưa ra lời xin lỗi, điều chỉnh các cảnh quay và bị sụt giảm rating nghiêm trọng.

Tuy nhiên, xem xét một cách khách quan thì bản thân Joseon Exorrcist đã phạm phải lỗi lầm không thể tha thứ khi miêu tả vua thứ ba của triều đại Joseon (1392-1897) Taejong giết người vô tội. Trong khi đó, vị vua thứ tư, vua Sejong, người sáng tạo ra ngôn ngữ Hàn Quốc và được tôn vinh nhất trong lịch sử xứ kim chi, tiếp thầy cúng trừ tà phương Tây trong một ngôi nhà "gisaengjip", được bố trí đầy đèn lồng và những món ăn như bánh trung thu, bánh nướng, rượu kiểu Trung Quốc. Chính điều này đã dẫn loạt phản ứng bùng nổ của công chúng, họ cho rằng phim đã xuyên tạc lịch sử thô thiển và mô tả không chính xác về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Quyền lực khán giả lên tiếng

Trong những năm qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) đã không còn tham gia vào khâu kiểm duyệt các tác phẩm, thay vào đó bản thân đơn vị sản xuất và đài truyền hình phát sóng phim phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu dự án gây tranh cãi và sai lệch. Với cơ chế này, khán giả sẽ là người đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của các dự án.

Không dễ dãi chấp nhận sản phẩm sai lệch, những lỗi lầm nhỏ trong các bộ phim đã nhanh chóng được người xem lên án. Điển hình như Mr.Queen dựa trên web drama Trung Quốc Go Princess Go (2015), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Xian Chen - tác giả từng có những nhận xét xúc phạm về văn hóa và con người Hàn Quốc - cùng tranh cãi về việc xuyên tạc lịch sử khi chế nhạo các nhân vật hoàng gia ngoài đời thực, từng khiến tác phẩm lao đao giai đoạn đầu lên sóng.

Quân vương bất diệt trở thành bom xịt vì những sai lệch về trang phục và các chi tiết lịch sử sử dụng trong phim.
Quân vương bất diệt trở thành bom xịt vì những sai lệch về trang phục và các chi tiết lịch sử sử dụng trong phim.

Trong khi đó, siêu phẩm đánh dấu sự trở lại của Lee Min Ho Quân vương bất diệt cũng biến thành “bom xịt” khi tái hiện sai trang phục của hoàng đế thời Joseon và sai lầm căn bản khi hình ảnh cung điện hoàng gia xuất hiện ở phần giới thiệu đầu mỗi tập phim nhái kiến trúc ngôi chùa Todaiji ở Nhật Bản. Chưa kể những cáo buộc phân biệt chủng tộc, xem hành vi quấy rối tình dục như trò đùa cũng khiến Cửa hàng tiện lợi Saet Byul và Điên thì có sao hứng chịu phản ứng trái chiều từ dư luận.

Không chỉ dừng lại ở việc lên tiếng chỉ trích, khán giả xứ kim chi còn sẵn sàng đệ đơn lên Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) hay mới đây nhất hơn 163.000 người dân đã ký bản kiến nghị gửi lên Cheongwadae (Nhà Xanh), yêu cầu bộ phim Joseon Exorcist hủy bỏ phát sóng. Từ sự việc này kéo theo gần 200 công ty tài trợ cho Joseon Exorcist  rút khỏi dự án vì lo sợ ảnh hưởng làn sóng tẩy chay, hiển nhiên khi không còn kinh phí sản xuất buộc đài SBS phải tuyên bố hủy tác phẩm.

Tất cả cho thấy quyền lực của khán giả, quyết liệt loại trừ những lệch lạc trong văn hóa và xuyên tạc lịch sử, mang lại bài học xương máu cho các nhà làm phim, buộc họ phải cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI