Tranh cãi thời lượng cảnh tình dục, bạo lực, kinh dị theo Luật điện ảnh mới

05/08/2022 - 16:40

PNO - Luật sửa đổi điện ảnh vừa được thông qua có thêm mức phân loại mới giúp mở rộng đối tượng khán giả hơn. Thế nhưng càng tăng mức phân loại, các nhà làm phim càng băn khoăn về các quy định tiêu chí phân loại phim cũng như cách thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim.

Ngày 5/8 Cục Điện Ảnh (Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch) đã tổ chức hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem. Đông đảo các nhà sản xuất, phát hành phim và những người làm công tác quản lý đã đưa ra những băn khoăn xung quanh các tiêu chí phân loại phim cũng như cách thực hiện dán nhãn cảnh báo.

Vấn đề thời lượng các cảnh tình dục, bạo lực, kinh dị vẫn là trọng tâm được quan tâm. Ông Nguyễn Hoàng Hải - đại diện đơn vị CJ CGV thắc mắc: “Dự thảo Thông tư tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi dùng các cụm từ thường xuyên, kéo dài. Tôi nghĩ cần nêu rõ bao nhiêu lần là thường xuyên, bao lâu là kéo dài”. Đại diện BHD cũng đồng tình: “Hiện nay chủ đề kinh dị được khai thác nhiều nhưng chỉ có hai tiêu chí phân loại theo độ tuổi T16 và T18. Mức độ không thường xuyên và thường xuyên như thế nào, không thường xuyên nhưng miêu tả ở mức độ nặng thì sao”. Đại diện Sở Văn hóa thông tin TPHCM bày tỏ lo lắng ở góc độ đơn vị quản lý, cấp phép phổ biến phim: “Nếu không có quy định thời lượng, rất khó cho công tác cấp phép”.

Người trong cuộc băn khoăn cảnh nóng nghệ thuật hay chân thực là điều khó có cơ sở phân biệt
Người trong cuộc băn khoăn cảnh nóng nghệ thuật hay chân thực là điều khó có cơ sở phân biệt

Việc phân biệt cảnh nóng nghệ thuật hay chân thực- một trong những nội dung đánh giá khi phân loại phim theo độ tuổi- cũng là điều được người trong cuộc quan tâm. Theo nhà văn Hoài Hương “Lấy gì làm chuẩn để cho rằng cảnh tình dục trong phim là nghệ thuật hay chân thực”. Chị cũng thắc mắc dự thảo thông tư đề cập việc không khuyến khích hành vi tình dục phi tự nhiên là một nội dung để phân loại phim nhưng hiện nay cộng đồng LGBT đã được công nhận, nếu làm phim chủ đề LGBT phải có những cảnh tình dục phi tự nhiên thì sẽ như thế nào. Nữ nhà văn cũng đề nghị cần đưa quy định chi tiết về việc hạn chế dùng ngôn ngữ phân biệt vùng miền, giới tính, giai tầng xã hội làm cơ sở để phân loại phim.

Tựa phim Bi đừng sợ gây không ít hiểu lầm là phim cho thiếu nhi xem
Tựa phim Bi đừng sợ gây không ít hiểu lầm là phim cho thiếu nhi 

Liên quan đến các mức độ phân loại phổ biến phim, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long ngỏ ý mong muốn tựa phim cần được đặt phù hợp với mức độ phổ biến phim. Lý do “Từng có trường hợp bộ phim Bi đừng sợ khiến nhiều khán giả hiểu lầm đây là phim cho trẻ em nên dắt con vào xem”. Nói về chuyện khán giả nhỏ tuổi vào rạp, nhà sản xuất phim Dung Bình Dương đề nghị đưa mức T13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi) gộp chung vào mức P (phổ biến đến mọi lứa tuổi) vì “Rạp không thể đòi người xem trình giấy sinh được”.

So với trước đây, Luật điện ảnh sửa đổi có thêm mức phân loại K nghĩa là phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem phim cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá cao việc có thêm mức phân loại này : “Đây là bước tiến của Luật vì đặt trách nhiệm cho phụ huynh thay vì Hội đồng duyệt như trước đây. Điều quan trọng nhất khi phân loại phim theo tôi xác định mục đích việc làm này là gì”. Vị đạo diễn này đề xuất thêm ngoài việc dán nhãn phân loại, cần có vài dòng mô tả ngắn gọn lý do dán nhãn như cách hiện nay trên HBO, Netflix làm. “Điều này giúp phụ huynh nhìn vào biết nên hay không nên cho con xem. Ngoài ra cũng cần có bộ logo dán nhãn thống nhất”.

Phim Vô diện sát nhân hứa hẹn có những cảnh kinh dị nặng đô
Phim Vô diện sát nhân hứa hẹn có những cảnh kinh dị nặng đô

Nhìn chung dự thảo thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim tuy vẫn còn có nhiều điểm gây băn khoăn nhưng đã giúp người trong cuộc phần nào xác định được cần làm gì, hạn chế gì để phim hướng đến đúng đối tượng khán giả mong muốn. Dù vậy theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần phim Giải Phóng: “Việc phân loại đối tượng cho từng loại phim cần có sự linh hoạt ở Hội đồng duyệt”. Đây có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều người làm phim cũng như làm công tác quản lý cấp phép phim.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI