Tranh cãi quyết liệt về bảo tồn nguyên vẹn hay khai thác Sơn Trà

30/05/2017 - 19:07

PNO - Bảo tồn hay phát triển Sơn Trà đã tạo nên cuộc tranh cãi quyết liêt tại cuộc toạ đàm “Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà” do Bộ VH-TT- DL tổ chức ngày 30/5.

Tham gia buổi toạ đàm này có ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng cùng đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư và nhiều nhà khoa học.

"Lá phổi ung thư" thì thở bằng gì?

Là người kiên quyết bảo vệ Sơn Trà, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm kiên quyết bảo vệ bán đảo Sơn Trà như hiện nay. Ông Vinh cho hay Sơn Trà là lá phối xanh của Đà Nẵng, mỗi ngày cung cấp lượng oxy cho 4,2 triệu người, nếu làm "lá phổi ung thư" thì chúng ta sẽ thở bằng gì?

Tranh cai quyet liet ve bao ton nguyen ven hay khai thac Son Tra
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Ông Vinh cũng lo ngại bản quy hoạch sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy, bê tông hóa Sơn Trà. Các nhà khoa học thuộc ba tổ chức đã gửi thư kiến nghị về Sơn Trà, cũng là những đơn vị đã tổ chức tọa đàm về Sơn Trà ở Đà Nẵng đã không nhận được thư mời về sự kiện này.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng câu hỏi, dự kiến đến năm 2025, Đà Nẵng đón 3,5 triệu khách, trong khi hiện nay có 30.000 phòng, vậy có phải xây thêm khách sạn ở Sơn Trà hay không? Theo ông Vinh, nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm bên cạnh một thành phố hiện đại thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam, làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế xã hội của thành phố chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của.

Ông Vinh khẳng định: “Chúng tôi không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà, bảo vệ nguyên trạng vẻ tự nhiên đó cho con cháu chúng ta và sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Sơn Trà".

PGS Vũ Tuấn Cảnh - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch, cho rằng con số buồng phòng cần dựa vào các dự báo đến năm 2030. Tuy nhiên, xây dựng khách sạn có ảnh hưởng đến loài voọc hay không thì phải tính toán từng dự án, nếu có tác động thì phải loại bỏ.

Tranh cai quyet liet ve bao ton nguyen ven hay khai thac Son Tra
Một góc bán đảo Sơn Trà - lá phổi xanh của Đà Nẵng bị nhiều dự án băm nát, đốn hạ hết cây rừng.

Theo ông Cảnh, chúng ta không lo thiếu cơ sở lưu trú. Sơn Trà là đất vàng, ở các nước khác thường không bao giờ phải san ủi đất để xây dựng cơ sở lưu trú.

Lệ thuộc vào nhà đầu tư

Tại toạ đàm, nhiều chuyên gia cho rằng cần khai thác du lịch bán đảo Sơn Trà thay vì giữ nguyên như hiện nay. Đồng tình với quan điểm của ông Vinh, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho hay bãi biển từ Móng Cái, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đều bị các dự án can thiệp và làm thay đổi cảnh quan. Theo ông Vạn, rất  nhiều chính quyền lệ thuộc vào nhà đầu tư, thái độ quản lý không rõ ràng. Đất nước ta thay đổi hình dạng cũng vì điều đó.

Tuy nhiên, ông Vạn cho rằng nếu giữ nguyên trạng Sơn Trà như hiện nay và cấm không cho khai thác là không ổn. Phải phát triển nhưng không được can thiệp thô bạo. Trên thực tế có nhiều dự án nghỉ dưỡng tuyệt vời mà không cần chặt cây. "Để Sơn Trà phát triển đúng định hướng, cần có những người quản lý tốt và nhà đầu tư thông minh", ông Vạn nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng mục đích tạo điểm tham quan nghỉ dưỡng cho khách du lịch là đúng song vấn đề là đặt dự án vào chỗ nào và làm như thế nào để không ảnh hưởng môi trường cảnh quan. Cần ban hành các quy định chặt chẽ về môi trường để nhà đầu tư tuân thủ. Theo chuyên gia này, chúng ta có quy định song không có người giám sát.

Tranh cai quyet liet ve bao ton nguyen ven hay khai thac Son Tra
Loài voọc trên quý hiếm trên bán đảo Sơn Trà.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú không phải vấn đề mới mà đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Bộ VH-TT-DL cho rằng kiến nghị này có thể dẫn đến một số hệ quả như đối với các dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ; dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải hủy bỏ.

Đây là vấn đề phức tạp cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm lập quy hoạch. UBND Đà Nẵng sẽ rà soát và giải quyết theo quy định.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng đã phê duyệt cấp phép cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư du lịch, 11 dự án có quy mô 5.049 phòng. Trong khi đó, bản quy hoạch mới đưa ra khống chế xây dựng chỉ 1.600 phòng tại bán đảo Sơn Trà.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng sẽ là quá tốt nếu thực hiện được đúng theo quy hoạch đưa ra. Chuyên gia này nhận định việc bản quy hoạch mới giảm số phòng khách sạn từ hơn 5.000 còn 1.600 là rất dũng cảm. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm đúng số phòng này thì cần kiểm soát chặt chẽ.

Còn Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nêu ý kiến việc không xây mới các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà là vấn đề phức tạp cần xem xét một cách thấu đáo. Hủy bỏ tất cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai thì giải pháp là gì?

Ông Ái cũng cho hay Chính phủ đã yêu cầu Bộ VH-TT-DL tổ chức giới thiệu quy hoạch, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và giao Đà Nẵng rà soát, giải quyết ý kiến của nhà đầu tư khi giảm số phòng đã cấp phép.

Sau đó, Thủ tướng sẽ xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Do đó, trên tinh thần minh bạch, công khai, cầu thị, Bộ VH-TT-DL sẽ báo cáo Thủ tướng nội dung mà các chuyên gia đã kiến nghị.

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI