Tranh cãi quanh việc bỏ hình thức đào tạo và xếp loại trên văn bằng

09/10/2019 - 16:00

PNO - Sắp tới, nội dung ghi trên văn bằng đại học không còn các thông tin xếp loại học lực, hình thức đào tạo như chính quy hoặc vừa làm vừa học... Dự thảo mới này vừa đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (ĐH), bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Nội dung được ghi trên văn bằng có một số thay đổi so với quy định hiện hành. Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH không còn các thông tin xếp loại học lực của người học như: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hoặc trung bình; không còn ghi các hình thức đào tạo như chính quy hoặc vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.

Bỏ nhưng phải có điều kiện 

Theo văn bản hiện hành, đối với ngành kỹ thuật, ghi “bằng kỹ sư”; đối với ngành kiến trúc, ghi “bằng kiến trúc sư”; đối với ngành y, ghi “bằng bác sĩ” hoặc “bằng cử nhân”; đối với ngành dược, ghi “bằng dược sĩ” hoặc “bằng cử nhân”; đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế, ghi “bằng cử nhân”. Theo dự thảo mới, sẽ không còn các quy định trên.

Dự thảo mới vừa đưa ra đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho hay: “Việc bỏ ghi xếp loại trên bằng ĐH là đúng, vì đây là thông lệ của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Cần phân biệt rõ toàn bộ quá trình học tập và rèn luyện của người học không chỉ thể hiện trên bằng mà còn thể hiện trên nhiều hồ sơ khác.

Đơn vị tuyển dụng nên có cái nhìn toàn diện để tuyển dụng một cách toàn diện hơn chứ không nên chỉ dựa vào tấm bằng xếp loại khá, giỏi hay trung bình. Bộ GD-ĐT nên có những quy định, khuyến cáo với các đơn vị tuyển dụng. Cụ thể, khi tuyển dụng cần tham khảo đầy đủ hồ sơ như bằng, bảng điểm, phụ lục kèm theo… Không nên chỉ dựa vào thứ hạng trên tấm bằng mà bỏ qua cả quá trình học tập của ứng viên”.

Tranh cai quanh viec bo hinh thuc dao tao va xep loai tren van bang
Bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn ghi loại hình đào tạo và học lực

Cũng theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ở một số nước, bằng ĐH được phát cho người học còn hồ sơ học tập, bảng điểm thì nằm trong hồ sơ nhân sự của đối tượng và chỉ chuyển từ đơn vị quản lý nhân sự này sang đơn vị quản lý nhân sự khác mà tuyệt đối không chuyển qua tay người học. Điều đó cũng để đảm bảo tính trung thực của hồ sơ. Nếu ứng viên chưa xin được việc thì nhà trường quản lý hồ sơ, còn nếu đơn vị định tuyển dụng thì phải đến trường hoặc đơn vị trước tham khảo hồ sơ.

Ở nước ta hiện nay chưa làm được điều đó mà tháo khoán hết cho người học dẫn đến tiêu cực là nhiều người thay đổi hồ sơ, cho mượn hồ sơ hay làm giả bảng điểm. “Như vậy có thể khẳng định việc bỏ ghi xếp loại trên bằng ĐH là đúng nhưng cần quản lý hồ sơ chẽ hơn để hạn chế tiêu cực”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, nếu không ghi loại hình đào tạo thì làm sao phân biệt được hệ đào tạo vừa làm vừa học với những người nỗ lực từng giờ theo hệ đại học chính quy?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay: Như kinh nghiệm của các nước, tất cả các chương trình đào tạo phải xuất phát từ khung trình độ quốc gia. Nhưng khái niệm khung trình độ quốc gia của chúng ta hiện nay rất chung chung. Hơn nữa, quy trình đào tạo cũng không rõ ràng. Như hệ vừa làm vừa học đào tạo theo kiểu cắt xén, nhanh gọn. Như vụ việc gian dối bằng cấp xảy ra ở Trường đại học Đông Đô khiến dư luận xôn xao là ví dụ để thấy rõ chúng ta rút ngắn vô tội vạ việc đào tạo hệ vừa làm vừa học và như vậy là không công bằng với hệ chính quy.

Nếu bỏ thứ hạng cũng như trong văn bằng không còn ghi các hình thức đào tạo thì Bộ GD-ĐT phải cho biết điều kiện bỏ đi là gì, nếu không sẽ dẫn đến “loạn” các loại bằng cấp như dư luận lo ngại. Lúc đó, đương nhiên sẽ không có sự công bằng đối với những sinh viên nỗ lực phấn đấu với sinh viên học vớ vẩn.

Mấu chốt: Nâng cao chất lượng giáo dục

Cũng liên quan đến vấn đề trên phó giáo sư - tiến sĩ Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng đào tạo các hình thức phi chính quy không thể tương đương với chính quy được, vì đầu vào, thời gian học tập, điều kiện học tập là không thể so sánh. Do vậy, việc bỏ ghi loại hình đào tạo, xếp loại học lực trên văn bằng ĐH là không ổn. Tôi nghĩ rằng luật là hướng đến sự tiến bộ và lâu dài nhưng thông tư hướng dẫn là chi tiết hướng đến thực tại, không nên máy móc và đặc biệt không gây khó cho nhà tuyển dụng do vàng thau lẫn lộn”.

Còn giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng: Đây là ý tưởng mới hướng đến mô hình giáo dục mở; vận động người dân học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học vì công việc và từng bước loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp. Xu hướng chung hiện nay việc học không chính quy là cơ bản. Vấn đề là Bộ GD-ĐT khá vội vàng khi đưa ra dự thảo để xin ý kiến lại không có những giải thích cụ thể xem thế nào là học chính quy, thế nào là học phi chính quy. Và học phi chính quy có gì chưa phù hợp trong thời gian qua phải chấn chỉnh để đạt chất lượng.

“Hiện nay, đào tạo chính quy và không chính quy đang được thực hiện một cách bình đẳng. Việc đào tạo chính quy bên cạnh việc một số trường siết chặt đầu vào, đào tạo nghiêm túc thì cũng tồn tại mua bằng cấp, mua bảng điểm. Còn hệ không chính quy thì cũng chỉ học lấy được, học hình thức để lấy bằng. Vì thế, mấu chốt là cần nâng cao chất lượng giáo dục thực sự nhất là với hệ đào tạo không chính quy”, giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI