Tranh cãi quanh việc ăn thịt chó mèo tại nhiều quốc gia

10/08/2023 - 06:05

PNO - Ở nhiều nước, việc ăn thịt chó mèo là thói quen của một bộ phận người dân. Dù vậy, dưới áp lực từ những người yêu quý thú nuôi, các hiệp hội bảo vệ động vật và cả chuyên gia an toàn dịch tễ, chính quyền một số nơi đã ban hành lệnh cấm giết hại chó mèo lấy thịt.

Các thành viên nhóm chống ngược đãi động vật Humane Society International (HSI) vận chuyển chiếc lồng nhốt chó từ một lò mổ ở TP Tomohon, khu vực Bắc Sulawesi, Indonesia trong ngày 21/7 - Nguồn ảnh: AP
Các thành viên nhóm chống ngược đãi động vật Humane Society International (HSI) vận chuyển chiếc lồng nhốt chó từ một lò mổ ở TP Tomohon, khu vực Bắc Sulawesi, Indonesia trong ngày 21/7 - Nguồn ảnh: AP

Ở nhiều nước, việc ăn thịt chó mèo là thói quen của một bộ phận người dân. Dù vậy, dưới áp lực từ những người yêu quý thú nuôi, các hiệp hội bảo vệ động vật và cả chuyên gia an toàn dịch tễ, chính quyền một số nơi đã ban hành lệnh cấm giết hại chó mèo lấy thịt.

Phản ứng trái chiều

Một lệnh cấm chưa từng có tiền lệ đã khiến việc buôn bán thịt chó tại một khu chợ nổi tiếng trên đảo Sulawesi của Indonesia bị chấm dứt vào tháng Bảy. Dù vậy, người dân địa phương cho rằng, thói quen ăn thịt chó đã len sâu vào xã hội và không thể bị xóa bỏ ngay lập tức.

Tomohon - một thành phố ở khu vực Bắc Sulawesi - có khu chợ Beriman nổi tiếng là “không dành cho những người yếu tim”. Thịt chó từng nằm trong số các món “đặc sản” của khu chợ. Vào ngày 21/7, một biểu ngữ được giương cao tuyên bố chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó sau nhiều năm vận động của các nhà bảo vệ động vật và những người nổi tiếng.

Edwin Roring - thư ký của thành phố - cho biết: “Mối quan tâm lớn từ công chúng quốc tế về bạo lực đối với động vật gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch của chúng tôi. Do đó chính quyền thành phố quyết định thực hiện các bước cần thiết”.

Năm 2018, hơn 90 ngôi sao quốc tế đã ký vào lá thư kêu gọi Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra lệnh cấm buôn bán thịt chó mèo. Bên cạnh đó, khả năng lây lan bệnh dại và bệnh tả heo châu Phi bắt nguồn từ các hoạt động giết mổ mất vệ sinh, buôn bán không kiểm soát cũng góp phần thúc đẩy việc ban hành quy định mới. Tổ chức phúc lợi động vật Humane Society International (HSI) mô tả việc cấm bán thịt chó mèo tại chợ là “bước ngoặt lịch sử”. Trước đây, ước tính có hơn 130.000 con chó bị giết thịt tại các chợ truyền thống trên khắp Sulawesi mỗi năm.

Tuy nhiên, động thái từ chính quyền vấp phải nhiều phản ứng trái chiều tại một khu vực mà thịt chó được xem như đặc trưng của ẩm thực dân tộc. Đối với người Minahasans - một nhóm dân tộc bản địa ở Bắc Sulawesi - thịt chó là thành phần quan trọng của món rintek wuuk và được phục vụ trong đám cưới, đám tang hoặc các sự kiện tôn giáo. Món ăn này cũng phổ biến tại các nhà hàng Minahasan trên toàn tỉnh.

Roy Nangka - một người bán thịt tại chợ Beriman - nói: “Tôi ủng hộ việc cấm bán chó và mèo sống ở chợ, nhưng theo tôi, việc bán thịt chó mèo là bình thường vì mầm bệnh sẽ bị tiêu diệt trong quá trình chế biến”. Ông Nangka cho biết thêm, người tiêu dùng vẫn có thể mua thịt chó mèo trực tiếp từ các nhà cung cấp giao hàng tận nơi. Tại Langoan - một khu chợ khác cách Tomohon khoảng 45 phút lái xe - thói quen giết thịt chó và thui lửa vẫn tồn tại. Thịt chó thui sau đó được cắt thành từng miếng và bán với giá 55.000 rupiah (khoảng 85.000 đồng) mỗi ký.

Số lượng trang trại nuôi chó lấy thịt giảm 

Tại TP Pyeongtaek, phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, bầy chó bị nhốt trong những chiếc lồng rỉ sét sủa inh ỏi khi ông Kim Jong-kil (57 tuổi) tiến đến. Ông Kim cho biết, ông tự hào về trang trại thịt chó đã nuôi sống gia đình suốt 27 năm qua và cảm thấy khó chịu trước những nỗ lực ngày càng tăng trong việc cấm mua bán thịt chó mèo.

Ăn thịt chó là một tập tục lâu đời ở bán đảo Triều Tiên, nhất là trong những ngày hè nóng bức. Việc ăn thịt chó không bị cấm và cũng không được hợp pháp hóa ở Hàn Quốc. Tuy vậy, nhận thức cộng đồng về quyền động vật ngày càng tăng và những lo lắng về hình ảnh quốc tế của Hàn Quốc khiến làn sóng phản đối việc ăn thịt chó mèo không ngừng mở rộng.

Chiến dịch chống thịt chó gần đây nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ, khi đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon-hee bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm. 2 nhà lập pháp đã đệ trình dự luật loại bỏ việc buôn bán thịt chó. Triển vọng thông qua luật chống thịt chó hiện không rõ ràng do vấp phải sự phản đối của nông dân, chủ nhà hàng và những bên liên quan đến ngành công nghiệp thịt chó.

Các cuộc khảo sát cho thấy, 1/3 người dân Hàn Quốc phản đối lệnh cấm dù rất nhiều người hiện nay không còn ăn thịt chó nữa. Số lượng trang trại nuôi chó lấy thịt trên khắp Hàn Quốc hiện đã giảm một nửa so với vài năm trước, còn khoảng 3.000-4.000 cơ sở với tổng số lượng chó giết thịt mỗi năm vào khoảng 700.000 đến 1 triệu con.

Tại Trung Quốc, TP Thâm Quyến gây tiếng vang vào năm 2020 khi trở thành địa phương đầu tiên cấm ăn thịt chó và mèo. Ở quốc gia này, khoảng 10 triệu con chó và 4 triệu con mèo bị giết để làm thức ăn với sự kiện nổi tiếng nhất là Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm diễn ra vào mỗi tháng Sáu ở tỉnh Quảng Tây. NoToDogMeat - tổ chức từ thiện có trụ sở tại London, Anh hiện sở hữu 2 trại tạm trú cho những chú chó được giải cứu khỏi các ngôi chợ ở Trung Quốc - cho rằng, khoảng 10.000 con chó và 5.000 con mèo bị giết thịt trong 10 ngày diễn ra Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm.

Luật sư Julia de Cadenet - người sáng lập tổ chức này vào năm 2009 - cho biết: “Việc buôn bán thịt chó vẫn đang phát triển mạnh ở tỉnh Quảng Tây và khó có thể dừng lại sớm. Các thương nhân thậm chí còn phàn nàn rằng sinh kế của họ đang bị ảnh hưởng bởi các nhóm bảo vệ động vật. Họ đã đẩy giá bán trung bình 1 con chó lên đến 1800 RMB (khoảng 6 triệu đồng) tại thị trường chợ đen”.

Theo cuộc khảo sát từ trang web Statista, thực hiện ở Trung Quốc vào đầu năm 2023, khoảng 42% cư dân ở Ngọc Lâm không quan tâm về triển vọng cấm bán thịt chó mèo tại địa phương, 16% ủng hộ lệnh cấm, 19% phản đối lệnh cấm và 23% còn lại giữ thái độ trung lập về vấn đề này. 

Linh La (theo SCMP, TIME, MSN, Bucks Herald, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI