Trong một chương trình, chị Xuân Thảo (chủ nhân kênh YouTube Góc của Ru) cho biết tên khai sinh của 2 con chị là Co Ca và Cà Phê.
Một lần, chị và chồng tranh luận về việc đặt tên con. Sau một hồi tranh luận, chồng chị thấy lon CoCa Cà Phê nên quyết định nhanh chóng một đứa sẽ tên Co Ca, còn lại tên Cà Phê. Trước nay, một số khán giả từng theo dõi kênh YouTube trên ngỡ rằng hai cái tên trên chỉ là tên gọi ở nhà của hai bé. Vì thế, khi biết đây là tên khai sinh, không ít người tỏ ra bất ngờ.
|
Chị Xuân Thảo chia sẻ việc ngẫu hứng đặt tên con là Co Ca, Cà Phê khiến dư luận tranh cãi |
Hiện, câu chuyện đang được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Trong đó, phần lớn ý kiến bày tỏ sự quan ngại, phản đối quyết định nhất thời của vợ chồng chị Xuân Thảo.
Họ để lại bình luận với nội dung như: “Cha mẹ đặt tên con vì sự yêu thích trong phút chốc, nhưng có nghĩ đến sau này khi con lớn lên chúng có thích không. Trong khi bạn bè tên đẹp, tên chúng lại kỳ quặc thế kia, chưa kể việc bị bạn bè trêu chọc. Tôi tin ai làm cha mẹ cũng không muốn điều đó xảy ra với con mình”,
“Tôi đặt tên con mất đến mấy tháng trời, lựa tên cho hay, ít đụng hàng, có ý nghĩa, hợp , hợp tuổi con… Ấy vậy mà có người suy nghĩ đơn giản rồi chốt đơn. Món quà đầu đời này liệu có dễ thương?”, “Những cái tên kỳ quặc có thể kéo theo vô vàn rắc rối cho cuộc đời những đứa trẻ sau này. Cái tên của con cái không phải là trò đùa để được quyền ngẫu hứng”,
“Tôi ủng hộ sự tự do trong suy nghĩ, nhưng đặt tên phải suy nghĩ cho tương lai của con. Đặt tên con là Phê, có nghĩ sau này bạn bè sẽ trêu chọc phê cần, phê thuốc hay không. Điều này rất dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đừng để tự do quá đà, sự phóng khoáng thiếu suy xét làm ảnh hưởng tương lai của con”, “Tôi tự hỏi không biết cha mẹ quá vô tư hay quá ích kỷ chỉ nghĩ cho mình?”…
|
Nhiều người phản đối việc ngẫu hứng đặt tên cho con dễ dẫn tới những rắc rối giấy tờ, bị bạn bè trêu chọc |
Một số kể lại trải nghiệm thực tế của họ từ những cái tên không đẹp hoặc dễ bị trêu chọc: “Đây là khởi nguồn cho bạo lực học đường, được nối giáo bởi cha mẹ. Thật buồn cười khi có người có thể tùy tiện và vô ý như thế này được. Ngày sau con có bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, đem ra làm trò đùa thì mới thật sự hiểu được hậu quả. Ý kiến này từ một người luôn bị trêu chọc vì cái tên”,
“Từ nhỏ đến giờ khi về quê tôi luôn hỏi ba sao không đặt tên cho con thật đẹp, mà là Thị Phương. Rút kinh nghiệm từ đời mình, vợ chồng tôi đặt tên con chữ lót cũng phải đẹp”, “Lớp tôi ngày trước có một bạn tên Ngọc Như. Cứ nghĩ rằng đó phải là bạn gái rất xinh đẹp, nhưng đó lại là một bạn trai. Cũng vì cái tên ấy mà suốt những năm phổ thông bạn ấy bị trêu chọc giới tính. Cái tên quyết định nhiều thứ trong cuộc đời con người lắm”.
“Hai tên này khi làm giấy tờ, chỉ cần sai dấu một chút sẽ rất lằng nhằng, khổ thân con cái sau này chứ không đùa”, “Lẽ ra tôi tên Yến nhưng vì trùng tên bà con nên phải đổi lại tên Yên, thế là bạn bè cứ gán ghép yên xe, yên nghỉ…”.
“Tôi cũng là nạn nhân của cái tên không đẹp. Vì thế, tôi chẳng bao giờ muốn dùng tên thật, chỉ toàn dùng tên tiếng Anh”, “Tôi từng nghĩ tên Gia Linh rất đẹp, nhưng đến khi đi học toàn bị bạn bè chọc da heo, dưa leo… Người chưa từng trải qua cảm giác này xin đừng lên tiếng”, “Tên tôi có chữ Tiểu, cứ thế bạn bè chọc là Đái cộng với tên thật. Thuở nhỏ nhiều lúc ức muốn khóc”…
|
Những ý kiến trái chiều xoay quanh hai cái tên Cà Phê, Co Ca do vợ chồng chị Xuân Thảo đặt cho 2 con |
Trong khi đó, một số ít bênh vực vợ chồng chị Xuân Thảo: “Tôi lại thấy bình thường, chẳng có gì đáng phê phán cả. Đặt tên con là một việc, giúp con thành nhân là việc khác. Tên không bậy bạ là được. Tên Co Ca hay Cà Phê miễn thành công trong cuộc sống thì mọi người vẫn thương yêu, nể trọng, thậm chí còn tạo ấn tượng. Trong trại giam, thiếu gì những người tên đẹp”.
“Tên không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Tên được cơ quan công quyền chấp thuận cho phép làm khai sinh. Tên gọi không nhằm ngụ ý đả kích chống lại một cá nhân, tổ chức nào. Cà phê là sản vật gắn liền với tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế, hằng năm đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại tiền cho đất nước. Từ 4 luận điểm trên, tôi thấy không lý do gì lại không đặt tên ấy được”, “Bây giờ đặt tên con cũng phải sợ dân mạng à?”…
Hà Anh (tổng hợp)