Tranh cãi đánh thuế 45% với tài sản kê khai không minh bạch

31/05/2018 - 09:31

PNO - Đề xuất đánh thuế 45% với tài sản không minh bạch, bên cạnh sự đồng tình thì nhiều ý kiến còn cho rằng, chưa đủ sức răn đe.

Mọi cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản

Sáng 31/5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tranh cai danh thue 45% voi tai san ke khai khong minh bach
 

Theo đó, Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ với các cơ quan Nhà nước mà còn là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Liên quan tới trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, ông Khái cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 

“Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị", Tổng Thanh tra Chính phủ nói thêm.

Đáng chú ý, về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo Luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.

Thẩm tra Dự án Luật, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, những cán bộ, công chức, viên chức khác làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt để phù hợp với thực tế và khả thi.

Nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên trong 1 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực.

Đề xuất bãi nhiệm người kê khai không minh bạch tài sản

Đối với người kê khai không chứng minh được nguồn gốc thu nhập tăng, trong khi chưa có căn xác định do phạm tội, ông Lê Minh Khái cho biết, dự án Luật PCTN sửa đổi lần đề xuất xử lý bằng cách đánh thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%.

Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Thị Nga cho biết, ngay trong Ủy ban tư pháp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh ý kiến đồng tình với dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, cần xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không minh bạch.

Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTN, nên cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCTN, đồng thời sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt. Về mức phạt, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cân nhắc cho phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập như pháp luật hiện hành. Theo đó, không quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh được tài sản này do tham nhũng, do phạm tội mà có thì tịch thu sung quỹ nhà nước.

Cũng theo nhóm ý kiến này, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm... Quy định này nhằm bảo đảm tính răn và đáp ứng yêu cầu PCTN.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI