edf40wrjww2tblPage:Content
Đa dạng hình thức du lịch hành hương
Theo thông tin từ nhiều đơn vị lữ hành, các tour du lịch kết hợp hành hương mùa Tết năm nay tăng đáng kể, từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Từ trước tết, các tour viếng chùa khu vực Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu đã kín chỗ; tour vãn cảnh chùa tại Đà Lạt và về miền Tây cũng được nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay là thời điểm dành cho những tour tham gia các lễ hội ở khu vực phía Bắc.
Bên cạnh đi theo tour của các đơn vị lữ hành, lượng khách đoàn hành hương tự tổ chức đi theo nhóm có phần đông đảo hơn. Đại diện của Lửa Việt Tour cho hay, vào mùa hành hương, dịch vụ cho thuê xe đặc biệt hút khách vì rất nhiều đoàn tự tổ chức đi viếng chùa.
Ghi nhận tại nhiều chợ ở TP.HCM, đa phần tiểu thương sử dụng xe cá nhân hoặc cùng nhau tự thuê xe, đi hành hương về trong ngày. Bà Sử Thị Kim Thoa, Phó Ban quản lý chợ An Đông, cho biết: “Sáng nay tôi ra chợ thấy vắng hẳn. Chợ mở cửa khai trương vào sáng mùng Mười tháng Giêng, buổi tối cùng ngày, các tiểu thương lên xe đi hành hương. Đa phần tiểu thương đi hành hương theo hai hướng: Châu Đốc hoặc Tây Ninh”.
Tại chợ An Đông, trò chuyện cùng cô Đường (sạp D73, thành viên Hội từ thiện chợ An Đông), chúng tôi được biết vào ngày rằm tháng Giêng, hội sẽ tổ chức chuyến hành hương đến Tây Ninh, viếng chùa Bà, chùa Cậu. Kinh phí thuê xe được chia ra theo lượng người tham gia, ăn uống thì tự túc. Tại chợ Nguyễn Tri Phương, từ mùng Bốn Tết, 150 tiểu thương đã tổ chức chuyến hành hương thập tự đầu năm, viếng 10 chùa tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa. Hình thức tổ chức cũng là chia đều tiền xe, tự nấu thức ăn chay đem theo.
Tại khu chợ tạm Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), ở đầu chợ có bảng treo tiếp thị tour hành hương từ Châu Đốc, Bạc Liêu, đến Đà Lạt, Nha Trang với giá chỉ từ vài trăm đến khoảng 1,8 triệu đồng, tùy theo thời gian đi. Các tiểu thương cho biết, đây là công ty tư nhân tổ chức hàng năm, không chỉ tiểu thương mà người dân cũng đăng ký đi vì giá rẻ, đi theo kiểu “hành hương” nên ăn, ngủ đều ở mức trung bình.
Không chỉ đơn thuần đi viếng chùa, nhiều đoàn còn kết hợp thêm chương trình từ thiện. Anh Trần Ngọc Hải (chủ sạp nhang Hải mập, Hội trưởng Hội từ thiện Phước Hải, chợ Nguyễn Tri Phương) chia sẻ: “Trưa ngày 13 âm lịch (ÂL), sau khi tan buổi chợ sáng, anh em tiểu thương chúng tôi sẽ gánh bánh đi cúng ông tại bốn chùa ở Gò Công (Tiền Giang). Trưa 14 ÂL, chúng tôi sẽ tổ chức nấu ăn từ thiện ở chùa tại Bình Chánh (TP.HCM), sau đó về chùa Ông (Q.5, TP.HCM) xin lộc. Ngày 19 ÂL, chúng tôi tiếp tục tổ chức nấu ăn từ thiện cho 1.400 người già, cô nhi ở trung tâm Chánh Phú Hòa; nấu cơm từ thiện phát tại bệnh viện…”.
“Đầu năm, đi hành hương, xin lộc để cầu mong mua may bán đắt, gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong kinh doanh”, suy nghĩ này của chị Nguyễn Thị Gòn, Phó chủ tịch Hội Phụ Nữ chợ Nguyễn Tri Phương, có lẽ cũng đại diện cho các tiểu thương tại nhiều chợ.
Du khách đang lễ Phật tại chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Những lưu ý khi tự đi du lịch hành hương
Khu vực phía Nam, các đoàn hành hương thường đi về trong ngày hoặc nhiều nhất là một ngày một đêm đến những ngôi chùa quen thuộc mà những năm trước họ đã viếng như chùa Bà Chúa Xứ (An Giang), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bà (Bình Dương) hoặc 10 chùa khu vực Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì đã chuẩn bị sẵn lễ vật, ăn cơm trong chùa, do vậy hiếm khi gặp phải những tình huống lừa gạt. Song những du khách đi lần đầu, chưa có kinh nghiệm vẫn có thể gặp phải những tình huống không hay, như bị chặt chém khi mua lễ hoặc ăn uống xung quanh chùa.
Ông Huỳnh Thanh Việc, hướng dẫn viên Lửa Việt tour, tư vấn: trước khi đi, khách hành hương cần tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt nên hỏi giá cả cụ thể và kiểm tra đồ lễ trước khi mua. Tại khu vực Bà Chúa Xứ còn có dịch vụ cho thuê đồ lễ (như heo - vịt quay) cho những ai không đủ tiền mua. Lưu ý, chưa tính đến yếu tố tâm linh, đồ lễ này được cho thuê đi thuê lại nhiều lần khiến chất lượng thường không bảo đảm.
Đây là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội ở phía Bắc nên lượng du khách đổ về các đền, chùa vừa để hành hương, vừa vui hội ngày càng đông. Vì những khác biệt về địa lý và văn hóa nên hành hương ở phía Bắc có thêm rất nhiều dịch vụ; trong đó không ít loại khá lạ lẫm với du khách trong Nam. Chẳng hạn, muốn vào chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình)… phải sử dụng thêm ghe thuyền; mâm lễ vật ở đây cũng rất đa dạng với đủ các món khác nhau…
Do vậy, nếu hành hương tự túc, nên nhờ người quen là thổ địa đặt trước các dịch vụ ăn, ở để không rơi vào cảnh bị chặt chém. Những ngày này, do lượng khách đông nên để mua được vé đi thuyền vào các chùa, đôi khi phải đợi từ 30 phút - 1 giờ. Dầu vậy cũng vẫn nên đăng ký mua vé đi thuyền từ đơn vị quản lý, không thông qua các “cò” vì có nhiều nguy cơ bị lừa hoặc nâng giá vô tội vạ, một hướng vẫn viên trong ngành lữ hành tư vấn.
Chị Huỳnh Vy (Q.7, TP.HCM), một du khách vừa đi chùa Bái Đính (Ninh Bình) chia sẻ, ngay khi khách đến chân núi sẽ có rất nhiều người đi theo để nài mua đồ lễ, mua hương, viết sớ… Để lấy lòng, họ thậm chí quạt mát hoặc lấy dù che nắng cho bạn. Nếu thực sự muốn đặt lễ, bạn cần hỏi cụ thể mâm lễ gồm bao nhiêu món, mỗi món bao nhiêu tiền, đã bao gồm công mang từ chân núi đến tận điện thờ và nghi thức cúng lễ hay chưa. Nếu không hỏi trước, mỗi thức mỗi món phát sinh, bạn sẽ bị “chém” với giá rất cao. Tốt nhất, chỉ nên chọn những món bạn biết, tránh nghe theo sự bày vẽ của những người kinh doanh, hoặc chỉ cần mua bó hoa hay đến để lạy Phật là đủ.
Hướng dẫn viên Nguyễn Thế Công, Công ty Fiditour cảnh báo thêm: Tại một số điểm hành hương thường có bán rất nhiều loại lá - thân - quả cây rừng hoặc một số loài động vật lạ. Theo quảng cáo của người bán thì đó là các loại thuốc gia truyền có thể trị được bách bệnh, thậm chí cả những bệnh nan y.
Hơn nữa, thực tế còn có một số người bán giả làm khách du lịch, trà trộn vào những đoàn khách, để thần thánh hóa công dụng của các loại thuốc, khiến các đoàn khách tin tưởng. Giá của các loại thuốc được nâng lên hàng triệu đồng. Thực chất đó là loại cây gì, có tác dụng như thế nào thì rất khó xác định. Do đó, du khách cần lưu ý điều này để không bị lừa, tiền mất tật mang; chỉ mua khi thực sự biết về chất lượng và tác dụng của chúng.
Do lượng người đi chùa đông đúc nên tình trạng kẻ xấu trà trộn cướp giật, móc túi là không thể tránh khỏi. Thế nên, điều đặc biệt lưu ý đối với du khách hành hương là giữ tư trang cẩn thận.
Mặt khác, khi đi hành hương tự túc, du khách sẽ phải đối mặt với không ít những rủi ro. Cụ thể, vì không mua bảo hiểm nên nếu không may gặp phải tai nạn trên hành trình, du khách sẽ không được đơn vị hay tổ chức nào bảo vệ hay bồi thường. Hơn nữa, không ít đền chùa nằm trên núi cao hoặc động sâu, đường đi khúc khuỷu, khó khăn, phải leo núi hoặc ngồi xuồng, nếu không có người dẫn đường sẽ có nguy cơ bị té ngã hoặc đuối nước. Hơn nữa, khi tự túc ăn uống, du khách có thể sẽ ghé vào những quán ăn giá rẻ dọc đường và khả năng thức ăn kém an toàn gây ngộ độc thực phẩm là rất cao.
Do vậy, nếu không có kinh nghiệm hoặc thiếu thông tin về các điểm đến thì cách tốt nhất là du khách nên lựa chọn đăng ký theo tour do các đơn vị lữ hành uy tín tổ chức.
AN HÀ - KHÁNH THỦY