Tránh bẫy buôn người

26/08/2022 - 07:25

PNO - Theo nhận định của chuyên gia về tội phạm, nạn buôn bán người đang diễn biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp.

 

Một nạn nhân của tổ chức buôn người may mắn được giải cứu khỏi nơi giam giữ
Một nạn nhân của tổ chức buôn người may mắn được giải cứu khỏi nơi giam giữ

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm, thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Kể từ năm 2013, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 30/7 hằng năm là ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và xác định đây là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu.

Tại lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong những nạn nhân được giải cứu trong sáu tháng đầu năm 2022 có nhiều người rất trẻ, dưới 16 tuổi. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, đồng thời thể hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký quy chế phối hợp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân buôn bán người.

Trước đó, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 193/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á, lực lượng chức năng các nước láng giềng có đông nạn nhân là người Việt Nam để trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán…

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia về tội phạm, nạn buôn bán người đang diễn biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Nạn buôn người không chỉ xuất hiện ở nông thôn, khu vực biên giới mà còn lan ra các đô thị, các thành phố lớn. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn có cả nam giới. Bọn buôn người đang lợi dụng triệt để công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là mạng xã hội. Do đó, để ngăn chặn được loại tội phạm này, cũng cần đẩy mạnh các giải pháp 
công nghệ.

Gần đây, thông tin về một số cá nhân tham gia giải cứu nạn nhân bị lừa đưa sang nước ngoài được đăng tải trên mạng xã hội được nhiều người chú ý và khen ngợi. Tuy nhiên, đây là “con dao hai lưỡi”. Trên thực tế, có nhiều đối tượng mạo danh “người giải cứu” để lừa lấy tiền của người nhà nạn nhân và người thân của nạn nhân cũng có nguy cơ bị lừa trở thành nạn nhân mới. Thậm chí có không ít trường hợp từng là nạn nhân nhưng sau đó bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia tổ chức  buôn người.

Với sự phức tạp như vậy, nạn nhân của nạn buôn người cần được bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ sự an toàn, an ninh cho họ và gia đình cũng như người thân. Bên cạnh đó, việc chăm sóc y tế, hỗ trợ ăn ở, nâng cao nhận thức, giải quyết việc làm cho nạn nhân cũng rất quan trọng. Trên thực tế, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là tỉnh, thành gần biên giới - nơi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn là giải pháp mang tính bền vững.

Với nơi đô thị khi đối tượng bị dụ dỗ thường là trẻ em, các bậc phụ huynh cần quan tâm, gần gũi con mình nhiều hơn nữa, tránh để các con sa đà vào các trang mạng, trang web “đen” - nơi bọn xấu luôn chực chờ. Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con mình kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, vật chất  từ người lạ hoặc người mới quen biết; chuẩn bị cho con những kỹ năng mềm để tự bảo vệ mình.

Buôn người không phải là câu chuyện của từng địa phương hay mỗi quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Vì thế, khi các giải pháp được thực hiện đồng bộ và liên tục mới có thể ngăn chặn được.

 Tiến sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI