Trăng Vu lan đẫm thương tràn nhớ

22/08/2021 - 18:02

PNO - Năm nay, ký túc xá đại học đêm rằm tháng Bảy chắc chắn sẽ vắng hoe. Bạn bè tôi hầu hết đã về quê. Một mình, tôi sẽ lên tầng thượng ngắm trăng.

Trăng rằm tháng Bảy tròn vạnh. Cái sân nhỏ trước nhà từng đợt gió nhẹ lướt qua, mát rợn thịt rợn da. Cái thời chưa có điện, trông ánh sáng trăng mới lung linh làm sao, trọn vẹn làm sao. Đó cũng là một phần đời thương nhớ của tuổi thơ tôi. 

Những đêm trăng đẹp trong lành mát dịu, không mau ôm chiếc chiếu ra trải giữa sân nằm ngắm trăng thì quả… có lỗi với trời đất. Vậy nên, đêm xuống trăng lên, tôi luôn là đứa đầu tiên hậm hụi chạy quét sân. Còn con Út? Nó đang loay hoay “tha” ra sân chiếc chiếu mẹ để góc nhà…

Nhà tôi gần chùa. Ngôi chùa cổ nhỏ nhắn, khiêm nhường đứng nép mình giữa xóm. Thường ngày chùa tĩnh lặng; nhưng đến rằm tháng Bảy - lễ Vu lan thì đông đúc nhộn nhịp. Đông đúc mà trang nghiêm. Con nít mê coi chuyện lạ rủ chạy lên cổng tam quan đứng ngoài nhòm vô, ngắm nghía những hàng dây chăng từ ngoài vào trong tổ đình phấp phới cờ xí, rực rỡ đèn hoa; ngắm sư thầy sư cô cùng các vị phật tử áo xống tề chỉnh, tất bật vào ra. 

Ngày thường, chùa tĩnh lặng thì xóm nhỏ ồn ào; nhưng đến lễ Vu lan, trước cái nhộn nhịp nơi cửa thiền, xóm nhỏ lại đột nhiên… tĩnh lặng. Và đêm xuống, vào lễ, khi tiếng mõ chuông cùng âm thanh đọc tụng của chư tăng nổi lên thì xóm nhỏ im phắc lắng nghe. Bình thường những đêm trăng sáng, lũ nhỏ trong xóm hay tụ tập ngoài đường chơi cút bắt rượt đuổi la ó vang rần; nhưng đêm rằm tháng Bảy thì không, đứa nào ở yên nhà nấy…

Đêm rằm Vu lan, trong khi mẹ khăn áo lên chùa dự lễ thì chị Hai được phân công trông nhà và trông… lũ nhóc. Chị cũng thích theo mẹ đi chùa, nhưng mẹ lo đêm hôm nhà cửa không có ai trông. Đành vậy. Ba chị em cùng nằm trên chiếc chiếu giữa sân, mắt tập trung vào một điểm duy nhất trên bầu trời, nơi có vầng trăng tròn vạnh lửng lơ. Nói bâng quơ đủ thứ một hồi, sẽ tới tiết mục mấy đứa em kéo áo chị Hai đòi nghe chị kể chuyện. Những đêm trăng khác thường là mẹ kể, nhưng đêm rằm Vu lan đương nhiên mẹ bận, thì đã có chị Hai. Chị Hai hay đọc sách, cổ tích biết nhiều, nhưng đêm nay chị không kể chuyện cổ tích. Chị kể chuyện Bồ tát Mục Kiền Liên. Giọng kể chị trầm trầm khúc chiết; chắc có tạo dựng thêm nhiều tình tiết ly kỳ khiến cho câu chuyện được “cổ tích hóa” làm lũ nhỏ thích thú. Hấp dẫn tới mức tôi và con Út không thể nằm yên mà tự lúc nào đã ngồi bật dậy, nghển cổ lắng tai nghe như nuốt lấy từng lời… 

Không chỉ một lần tôi được nghe chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, bởi Vu lan năm nào chị Hai cũng kể. Bài học sâu xa về chữ hiếu, về lẽ nhân quả ấy tôi nghe tới mức thuộc lòng mà vẫn không chán, vẫn mang theo như hành trang quý giá đầu đời. Chị Hai giờ đã quy y cửa Phật, xuất gia làm sư cô. Về thăm, mẹ bảo: “Căn duyên với Phật của chị con lớn lắm. Thôi, cũng đành”. Tôi nghe vừa vui vừa buồn. Buồn vì giờ chị đã là người xuất gia, chị em không thể gặp thường xuyên, nhưng vui vì biết chị đã chọn được con đường phù hợp với tâm và sở nguyện. Nhớ xưa chị từng bảo: “Chị muốn noi gương Mục Kiền Liên Bồ tát”. Lúc ấy tôi nghe cứ tưởng chuyện đùa…
*
Năm nay, ký túc xá đại học đêm rằm tháng Bảy chắc chắn sẽ vắng hoe. Bạn bè tôi hầu hết đã về quê. Một mình, tôi sẽ lên tầng thượng ngắm trăng.

Trăng Vu lan vằng vặc, vạnh tròn. Nhìn trăng tôi biết sẽ nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em Út, nhớ chị Hai cùng những đêm trăng Vu lan ngày nhỏ. Nhớ cả cái chi tiết bao giờ kể xong câu chuyện Vu lan chị cũng kèm một câu “hăm” khiến chúng tôi xanh mặt: “Đứa nào bất hiếu với cha mẹ thì sẽ xuống… địa ngục. Liệu hồn!”. 

 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI