Trăng tuyết tháng Hai với 'Trái tim sư tử' trước lễ tình nhân

06/02/2025 - 22:00

PNO - Trăng tuyết, trăng tròn vào tháng Hai sẽ xuất hiện cùng "người bạn đồng hành" là Regulus, một ngôi sao có biệt danh là "Trái tim sư tử" trước ngày lễ tình nhân.

Trăng tròn thứ hai của năm 2025, được gọi là "Snow Moon" (Trăng tuyết) sẽ mọc lên từ chân trời phía đông trong sắc cam rực rỡ vào tuần này. Đặc biệt, nó sẽ có một người bạn đồng hành là ngôi sao Regulus, còn được biết đến với biệt danh "Trái tim của Sư tử".

Trăng tuyết tháng Haisẽ đạt độ tròn cực đại vào 8g53 sáng EST (tức 20g53 giờ Việt Nam) ngày 12/2/2025
Trăng tuyết tháng Hai sẽ đạt độ tròn cực đại vào 20g53 ngày 12/2

Trăng sẽ đạt độ tròn cực đại vào 8g53 EST (tức 20g53 giờ Việt Nam) ngày 12/2.

Thời điểm quan sát lý tưởng là vào lúc hoàng hôn, khi Mặt trăng vừa mọc lên từ đường chân trời.

Trăng tuyết sẽ nằm trong chòm sao Leo (Sư tử), ngay phía trên ngôi sao sáng Regulus.

Bạn cũng có thể thấy trăng tròn rực rỡ vào tối ngày 11 và 13/2.

Regulus là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Leo, cách Trái đất khoảng 79 năm ánh sáng. Nó được mệnh danh là "Trái tim của Sư tử", nhưng tên gọi Regulus thực ra có nghĩa là "Tiểu vương" (Little King).

Regulus còn là 1 trong 4 "Ngôi sao Hoàng gia" của thiên văn học Ba Tư cổ đại, cùng với Aldebaran (chòm Kim ngưu), Antares (chòm Bọ cạp) và Fomalhaut (chòm Nam ngư). Những ngôi sao này nằm gần hoàng đạo - con đường mà Mặt trời di chuyển qua trên bầu trời khi nhìn từ Trái đất.

Vì nằm gần hoàng đạo, chúng thường xuất hiện trong các hiện tượng thiên văn đặc biệt như trăng tròn, nhật thực, nguyệt thực.

Để ngắm siêu trăng, có thể tìm một nơi cao ráo hoặc khu vực thoáng đãng với tầm nhìn không bị che khuất về phía chân trời phía đông.

Bạn có thể quan sát Mặt trăng bằng mắt thường, nhưng nếu có ống nhòm thiên văn hoặc kính thiên văn, bạn sẽ nhìn rõ hơn các hố va chạm và núi trên bề mặt Mặt trăng.

Sau Trăng tuyết, trăng tròn tiếp theo sẽ là Trăng giun (Worm Moon) vào ngày 14/3. Đặc biệt, vào đêm trước đó, Mặt trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn bởi bóng Trái đất, tạo ra nguyệt thực toàn phần kéo dài 1 giờ 5 phút, có thể quan sát được ở khắp Bắc và Nam Mỹ.

Do ánh sáng từ Mặt trời đi qua bầu khí quyển Trái đất trước khi chiếu lên Mặt trăng, Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ cam, tạo ra hiện tượng "Trăng máu" (Blood Moon).

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI