Trăng tròn nơi biên giới Đắk Mil

24/09/2018 - 06:41

PNO - Cơn mưa nặng hạt không ngăn được bước chân của 500 trẻ ở hai buôn Sapa và Bu Đắk đến trường tham dự chương trình Vầng trăng biên giới do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức.

Sẩm tối, trời tạnh mưa, con đường đất đỏ dẫn đến các buôn làng vùng biên giới Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) khô dần. Các em nhỏ mang quà bánh, các bức tranh tự vẽ, đôi dép mới tung tăng trở về những ngôi nhà nằm lẩn khuất trên góc núi, sườn đồi ven dãy Trường Sơn. Trăng Trung thu đang lên, tròn đầy, rực rỡ. 

Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Trao học bổng cho các nữ sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn - Ảnh: Từ Nhân

Chiều 22/9, tại xã biên giới Thuận An, H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cơn mưa nặng hạt không ngăn được bước chân của 500 trẻ ở hai buôn Sapa và Bu Đắk đến trường tham dự chương trình Vầng trăng biên giới do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức. 16g30 chương trình mới bắt đầu, nhưng từ 15g sân trường đã chật kín trẻ lẫn phụ huynh, phần lớn là người M’Nông. Các phòng học được tận dụng để các tình nguyện viên tổ chức cho các em vui chơi, tập vẽ, tô màu, làm tranh cát… 

Nếu như Đắk Nông có đường biên giới với tỉnh bạn Mondulkiri của Campuchia khoảng 130km thì H.Đắk Mil có trên 45km, trong đó đoạn đi qua xã Thuận An dài trên 11km. “Toàn xã có gần 700 hộ người dân tộc M’Nông với trên 3.200 nhân khẩu. Trong tổng số 120 hộ nghèo và cận nghèo của xã thì hộ người dân tộc thiểu số chiếm quá nửa, chủ yếu tập trung ở các gia đình đông con ở hai buôn Bu Đắk, Sapa”, chị Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận An, cho biết. 

Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Niềm vui về mùa Trung thu tràn đầy của trẻ em M’Nông - Ảnh: Minh Thanh

Đến nhận quà Trung thu và học bổng của Báo Phụ Nữ cùng 529 trẻ em nghèo khác, cô bé H’ Ly Vun, 8 tuổi, người M’Nông bẽn lẽn cười: “Con chưa từng biết Trung thu là gì. Đây là lần đầu tiên con được nhận quà Trung thu. Các anh chị của con cũng đâu có biết bánh Trung thu”. 

Chị H’Rích, 36 tuổi, địu đứa con trai Y Thẻ Ru chưa tròn một tuổi, tay dắt Y Nhu, tám tuổi, đến nhận quà. Chồng làm rẫy, chị H’Rích có đến năm con. Trong ba đứa con lớn của vợ chồng chị thì đứa lớn nhất đã bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn. Thấy các bạn tạt nước rửa chân ngoài bồn cây cạnh bên sân khấu, Y Nhu cũng ra rửa sạch chân để mang đôi dép mới. 

“Nhà em nghèo lắm/ Ba mẹ bỏ đi/ Bơ vơ côi cút/ Lạ lẫm giữa đời/ Bơ vơ giữa chợ…”. Bài thơ mà cô bé Hoàng Thị Thu Trang, 10 tuổi, đọc làm nhiều người rơi nước mắt. Mà Thu Trang làm gì có nhà để ở. Nội dung bài thơ mà em tự viết cũng chính là cuộc đời của hai chị em: cha em bỏ đi từ nhỏ, mẹ có thai rồi sinh tiếp đứa em kế. Em được sáu tháng tuổi thì mẹ cũng bỏ đi.

Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Bà Hoàng Thị Hà dắt cháu ngoại Hoàng Thị Thu Trang đến nhận học bổng của chương trình - Ảnh: Quang Thư

Bà Hoàng Thị Hà bị khuyết tật mắt, phải cưu mang hai đứa cháu ngoại côi cút. Cuộc sống hằng ngày của ba bà cháu phụ thuộc vào nồi bún riêu nhỏ ở góc chợ Thuận An. Gần đó, bà dựng cái chòi nhỏ bằng ni-lông tạm bợ để có chỗ cho ba bà cháu tránh nắng mưa. “Hôm nay, nhận được học bổng con vui lắm. Số tiền này con đưa ngoại cất để dành lo cho hai chị em con”, Trang hồn nhiên cho biết. 

Con em các hộ gia đình nghèo tại hai buôn Sapa và Bu Đắk, những H’Sin Ger, H’Gim, H’Dran, H’Hữa, Lộ Thúy An, Nguyễn Thị Như Ý… cũng được nhận học bổng một triệu đồng kèm dụng cụ học tập. Những em được nhận học bổng đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng đều có điểm chung ở nghị lực vượt khó, học giỏi. “Có đến vùng biên giới, vùng các đồng bào dân tộc mới thấu hiểu và cảm thương hơn nữa với bà con nghèo. Món quà nhỏ mà các doanh nghiệp trao gửi đến các em như là sự chia sẻ, động viên và kết nối những yêu thương. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Phụ Nữ trong dự án Biên cương xanh với chương trình Tủ sách biên cương sẽ được thực hiện trong thời gian tới”, ông Võ Văn Hoàng Minh - Trưởng ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa - cho biết. 

Chương trình 1.500 vầng trăng biên giới do Báo Phụ Nữ TP.HCM và Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông tổ chức tại xã biên giới Thuận An, H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, với sự phối hợp của Hiệp hội Nhựa và nhóm từ thiện Nghĩa tình quê hương. Tổng trị giá chương trình là 300 triệu đồng do các đơn vị Givral, NutiFood, Mebipha, Qui Phúc, Aeon Citimart, Duy Tân, Natani, Bavico, Nikko tài trợ. Chương trình đã trao tặng 500 phần quà gồm: bánh Trung thu, bánh, kẹo, sữa, lồng đèn, áo đi mưa, bình đựng nước uống, dụng cụ học tập và một đôi dép; 30 suất học bổng; một mái ấm tình thương và một số phần quà phục vụ nhu cầu tinh thần cho cán bộ - chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An…

 Một số hình ảnh trong chương trình

Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Các học sinh thích thú với trò chơi tô màu tranh cát do các cô giáo Trường Tiểu học Bình Quới Tây (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hướng dẫn.
Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Các học sinh tô màu tranh cát được cô giáo Trường Bình Quới Tây khen thưởng.
Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, các tình nguyện viên vẫn miệt mài chuẩn bị hàng hóa gói quà Trung thu tặng trẻ em nghèo.
Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông trao quà cho trẻ em nghèo xã Thuận An. Ảnh: Minh Thanh
Trang tron noi bien gioi Dak Mil
Đại diện Báo Phụ Nữ trao tượng trưng mái ấm tình thương (do Viethouse Foundation tài trợ, trị giá 60 triệu đồng) cho đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An dành xây tặng phụ nữ nghèo tại địa phương.

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI