Trang Thế Hy: Nghe con trẻ nói mà học viết...

07/09/2013 - 14:39

PNO - PN - Nhà văn Trang Thế Hy viết không nhiều. Từ năm 1964, ông đã có tác phẩm Nắng đẹp miền quê ngoại nhưng đến nay, tinh tuyển lại toàn bộ những gì đã viết qua tập sách Vết thương thứ 13 (NXB Trẻ), cũng chỉ nhỉnh hơn 250 trang in....

edf40wrjww2tblPage:Content

Sở dĩ viết ít là do Trang Thế Hy viết kỹ, tẩn mẩn, chăm chút, lựa chữ chu đáo. Nhà văn Nguyên Ngọc liên tưởng trong cái thú chơi chữ, đi tìm cái đẹp của nghệ thuật của Trang Thế Hy cũng tựa Nguyễn Tuân. “Mới đọc anh thường có cảm giác anh viết rất dễ, thực ra tôi cho đó là một cảm giác đánh lừa, để viết được như vậy, anh nắm kỹ trên từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu”.

Đọc tập truyện ngắn Vết thương thứ 13, không ít người sẽ thấy bất ngờ bởi suy tư từ trang viết của “ông già Bến Tre” Trang Thế Hy. Nhân vật của ông đôi lúc có những suy nghĩ rất lạ. Khi Vũ kể cho Phương nghe những nỗi xốn xang trong lòng, nàng rùn vai: “Tưởng đâu chuyện gì. Còn thua cái quảng cáo thuốc lá hồi nãy”. Cảm nhận của Vũ cũng lạ: “Vũ nhìn Phương trân trân. Con người như vậy mà lại có một hình hài khá đẹp. Ức thiệt”.

Trang The Hy: Nghe con tre noi ma hoc viet...

Anh Thơm râu rồng là một truyện ngắn có nét riêng. Thời nhỏ, đi ở đợ cho hương quản Xung, anh nhiều lần bị trấn nước dưới ao cá tra. Sau đó, khi bị kẻ thù bắt, giở trò trấn nước, anh đã có kinh nghiệm đối phó. Có điều, anh “triết lý” ngậm ngùi: “Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm cay đắng chua xót quá, chắc không có ai muốn có những kinh nghiệm như vậy trong đời mình”.

Với truyện ngắn cùng tựa Vết thương thứ 13, thông qua nhân vật chị Châu, nhà văn Trang Thế Hy trình bày những suy tư về chiến tranh thật ấn tượng. Khi có người tặng tác phẩm Giã từ vũ khí của Hemingway, chị Châu cho rằng dịch không đạt. Vậy dịch thế nào cho đúng với tinh thần của tác phẩm, nhân vật xưng “tôi” đã “nói bừa cho xuôi: "Vĩnh biệt chốn ba quân”. Chị Châu lắc đầu vì “chốn ba quân nghe Hồ Biểu Chánh quá, hơi xưa. Vĩnh biệt thì không ổn. Vĩnh biệt thường được dùng trong tình yêu nghĩa là miệng nói vĩnh biệt mà lòng còn bịn rịn. Nói với chiến tranh phải dứt khoát hơn, cộc cằn hơn… Theo tôi, phải dịch: “Nghỉ chơi với súng ống”. Nói nghỉ chơi không nghiêm túc. Nó là ngôn ngữ của trẻ con ở lứa tuổi còn giành ăn, còn cà nanh tình thương của cha mẹ. Thời hạn nghỉ chơi của trẻ con rất phù du, giận đó rồi thương đó, đếm bằng giờ bằng phút, không phải bằng năm tháng. Nhưng cái quý là ở chất dứt khoát và quyết liệt của hai tiếng nghỉ chơi lúc nó được xướng lên. Những nhà văn ham văn chương thích những ngôn từ gợi cảm nhưng mơ hồ, đầy tráo trở kiểu như vĩnh biệt, giã từ nên nghe trẻ con nói mà học viết...

Suy nghĩ của nhà văn Trang Thế Hy về nghệ thuật viết văn quả là độc đáo.

 LÊ VĂN NGHỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI