Trang sức bền vững

28/06/2020 - 13:36

PNO - Hòa cùng xu hướng bền vững của thời trang, mỹ phẩm, ngành chế tác trang sức, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp, đã và đang tiến hành cuộc cách mạng xanh hóa, tạo nên tính bền vững cho thương hiệu và sản phẩm.

Trang sức sạch: Viễn cảnh hay thực tế?

Không riêng ngành thời trang hay mỹ phẩm, ngành chế tác kim hoàn mang về lợi nhuận khổng lồ khiến các nhà đầu tư không dễ ngó lơ. Và cũng như hai ngành công nghiệp tỷ đô ấy, ngành trang sức cũng đối mặt với nhiều vấn đề về môi sinh, nhân quyền như khai thác quá đà, mua bán bất hợp pháp, bóc lột lao động ở những quốc gia nghèo khổ… Zimbabwe, Burm, Angola, Sierra Loene và nhiều quốc gia nghèo khác ở Tây Phi trở thành thủ phủ của những viên kim cương và đá quý, đối nghịch với thực trạng hàng ngàn dân thường bị biến thành nô lệ trong các hầm mỏ. 

Vậy nên, một trong những tiêu chí đầu tiên được các hãng trang sức đề ra là minh bạch hóa quy trình sản xuất. Từ khâu khai thác, vận hành, chế biến cho đến cách đối đãi với người lao động đều được các hãng cam kết. Người lao động được đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, được trả lương đúng với năng lực, không làm việc quá sức; những nghệ nhân chế tác được trả lương cao, môi trường khai thác và sản xuất được đảm bảo xử lý nghiêm ngặt… 

Chính vì thế, Quy trình Kimberley (Kimberley Process) đã ra đời vào tháng 5/2000 nhằm xác nhận kim cương thô xuất khẩu được sản xuất thông qua các hoạt động khai thác, mua bán hợp pháp và không tài trợ cho bạo lực. Hiện nay, các hãng trang sức lớn trên thế giới như Chopard, Tiffany & Co. hay Cartier đều cam kết chỉ sử dụng những viên kim cương có chứng chỉ Kimberley Process. Mỗi lô hàng đều có giấy chứng nhận chi tiết nguồn gốc, cách chúng được khai thác, nơi chúng được cắt và đánh bóng, các bên liên quan và điểm đến cuối cùng của chúng. Dù năm 2017, Kimberley Process bị phanh phui và chỉ trích chưa thể hiện được khả năng ngăn chặn thương mại do thiếu ý chí chính trị giữa các quốc gia thành viên nhưng đây vẫn được xem là căn cứ đáng tin cậy.

Riêng với vàng, Cartier trung thành với cách thức khai thác vàng cổ điển là đãi vàng bằng nước thay vì khai thác bằng thuốc nổ vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây sạt lở. Cách thức thủ công này còn tạo ra công ăn việc làm, chi phí giáo dục và bảo hiểm cho dân bản địa. Trong khi đó, Chopard cam kết chỉ sử dụng vàng được đóng mộc Fairmined, tức 100% vàng được thu mua từ nhà cung cấp đảm bảo an toàn cho môi trường trong khâu khai thác.

Dùng vật liệu thiên nhiên, tái chế và nhân tạo

Một trong những biện pháp khác được ngành trang sức hướng đến trạng thái bền vững là sử dụng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên như vỏ ốc, vỏ sò, thủy tinh biển, đá tự nhiên… để tạo nên những món trang sức đẹp lộng lẫy. Nhà thiết kế Sydney Ziems cho thấy tài năng của cô khi tạo ra những phụ kiện mang phong cách vintage sang trọng và tinh tế chẳng kém gì phụ kiện trang sức của các hãng nổi tiếng như Oscar de la Renta, Carolina Herrera…

Trong khi đó, Monique Péan, thương hiệu trang sức cùng tên của nhà thiết kế người Anh ra đời năm 2006 ghi dấu ấn bởi những món trang sức độc đáo về chất liệu lẫn mẫu mã. Vàng và bạch kim được tận dụng từ nguyên liệu tái chế, còn kim cương được mua lại từ những món trang sức cũ và hóa thạch không qua mài giũa. 

Thương hiệu Akola đến từ châu Phi đã phát huy tài năng, sự khéo léo của những phụ nữ địa phương và các vật liệu bền vững tại vùng đất này để tạo nên những món trang sức xinh xắn, đáng yêu mà vẫn rất giá trị. Cách làm này của Akola không chỉ mang đến cơ hội việc làm cho phụ nữ, giúp họ có khả năng quản lý tài chính mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của châu Phi.

Nhiều hãng kim hoàn khác như Alighieri, Washed Ashore, Zoë Chicco… cũng chọn hướng đi tương tự Monique Péan hoặc Akola để tạo ra những sản phẩm trang sức xanh, sạch, kiểu dáng bắt mắt, tối giản và hiện đại.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vô tận của con người, những viên đá quý, những vật liệu trang sức từ các phòng thí nghiệm với đủ màu sắc được tạo ra, mô phỏng không thua gì những viên đá thật. Bạn không tin ư? Hãy nhớ đến thương hiệu pha lê danh tiếng toàn cầu Swarovski cùng hàng loạt cái tên được ưa chuộng như Courbet, Lebrusan, Vrai & Oro, Kimai… Chúng sẽ không làm bạn thất vọng, thậm chí bạn không thể phân biệt được đâu là đá nhân tạo, đâu là đá tự nhiên. Chỉ có sự liên kết mạnh mẽ như vậy, ngành chế tác kim hoàn mới hy vọng bước sang một trang mới, hướng đến sự bền vững dù là mong manh. 

Thư Hiên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI