Trang phục tự thiết kế, bán online lên ngôi

14/03/2015 - 06:24

PNO - PN - Thời gian gần đây, loại hình kinh doanh trang phục tự thiết kế trên các trang mạng xã hội hoạt động nhộn nhịp, hình thành một xu hướng thời trang có giá cả tương đối “chấp nhận được”, “khó bị đụng hàng”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời gian gần đây, loại hình kinh doanh trang phục tự thiết kế trên các trang mạng xã hội hoạt động nhộn nhịp, hình thành một xu hướng thời trang có giá cả tương đối “chấp nhận được”, “khó bị đụng hàng” do mỗi đợt sản phẩm mới chỉ sản xuất một số lượng có hạn. Đối tượng của những sản phẩm này đa phần là khách hàng ở độ tuổi 30.

Nắm bắt tâm lý giới trẻ không còn chuộng dòng thời trang đại trà hàng Trung Quốc, nhiều cửa hàng chuyển sang xu thế mới, tự thiết kế trang phục với ưu điểm đẹp, độc và lạ. Nguyên liệu vải đa phần là lụa, tafta, linen, cotton nội địa và vải cotton mua từ Nhật Bản, Thái Lan mang phong cách trẻ trung, năng động. Khách hàng có thể lựa chọn mẫu giới thiệu trên các album tại những trang mạng xã hội của từng nhãn hàng, hoặc tìm mẫu trên catalogue và đặt may riêng.

Đặc biệt, mẫu mã được cập nhật liên tục theo xu hướng thời trang quốc tế nên khách hàng không lo bị lỗi mốt. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi trội của loại hình thời trang này. Tuy nhiên, dù không đụng hàng, xu thế này chưa hẳn tạo ra phong cách riêng khi thiếu cái tôi của nhà thiết kế trong sản phẩm làm ra.

Khu vực chung cư 42 Nguyễn Huệ (Q.1) với chín tầng lầu tập trung nhiều cửa hàng thời trang nhỏ. Chủ yếu kinh doanh online, nhận giao hàng tận nhà, nên các cửa hàng trưng bày không quá cầu kỳ, thỉnh thoảng mới có khách tìm đến tận nơi xem sản phẩm. Đa phần chủ các cửa hàng này ở độ tuổi 8X, 9X,. Họ tự thiết kế trang phục, đưa ảnh lên các trang mạng xã hội để giới thiệu những bộ sưu tập mới với nhiều tên lạ như catch the spring breath, red silky dress, black princess dress... Giá cả quần áo trung bình từ 200.000 - 500.000đ tùy chất liệu, kiểu dáng.

Chị Huỳnh Thị Phương Yến (thiết kế cho nhãn hiệu Cosette boutique) cho biết, sản phẩm của cửa hàng là thời trang công sở mang phong cách Anh quốc, chất liệu lạ từ nguồn vải nhập ở Nhật về. Giá áo kiểu, quần tây trung bình từ 500.000 - 800.000đ/cái, một chiếc đầm từ 800.000 - 1.500.000đ. Cửa hàng Muguet thì có giá thành thấp hơn, chất liệu vải nội địa - chủ yếu là cotton, trung bình áo có giá 400.000đ, quần 550.000đ, đầm 650.000đ. Tương tự, tại Popoya, áo giá 260.000đ/cái, váy 280.000đ, quần 385.000đ…

Trang phuc tu thiet ke,  ban online len ngoi

Khách hàng thử áo tại Lam boutique - Ả̉nh: Phùng Huy

Mô hình các cửa hàng thời trang cũng dần tập trung nhiều ở khu 3A Tôn Đức Thắng (Q.1) với các nhãn hiệu The blue T - shirt, Nosbyn… Rải rác trên các con đường như Pasteur (Q.1) với cửa hàng Something to wear, đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) có Heverly design, đường Mạc Thị Bưởi (Q.1): Lam boutique VN, đường Phan Văn Trị (Q.5): Jubin shop…

Một số cửa hàng cũng tham gia bày bán tại các khu chợ phiên tổ chức ngày cuối tuần để mở rộng thị trường. “Công việc em bận rộn, chỉ tranh thủ ngày nghỉ trong tuần để đi sắm vài bộ đồ “vía”, vì thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng. Thời gian trước, em tranh thủ mua online, nhưng gặp phải tình trạng hàng thật không như mẫu quảng cáo về chất liệu vải, nên phải đến trực tiếp các chợ phiên lựa chọn cho yên tâm”, Thu Thanh, nhân viên marketing ở Q.1 cho biết.

Tại Lam boutique VN, Quỳnh Tiên, 25 tuổi, làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu hào hứng: “Đây là lần đầu tiên tôi tìm đến đây. Thiết kế lạ mắt, dễ phối đồ, chất liệu lạ. Chỉ cần mua hai chiếc áo kiểu, trong đó một là loại free size, một là áo hoa vừa có thể làm áo khoác hay đầm ngắn, hai chiếc váy linen, một quần lụa, là tôi có thể “xoay tua” mặc cả tuần mà luôn tạo được cảm giác mới lạ cho người đối diện. Để đỡ mất thời gian, tôi đã tìm hiểu trước trên các mạng xã hội, giờ đến tận nơi để mặc thử, xem đồ khi “lên” người có ưng ý không”.

Tuy vậy, tính bền vững của loại hình này cần được chú ý, vì hầu hết các loại trang phục đều được hạn chế tối đa kinh phí để nhanh chóng giới thiệu với khách hàng trẻ. Trong khi đó, để hình thành một thương hiệu đúng nghĩa, cần đầu tư nhiều hơn về chất xám, sáng tạo, hình thức quảng bá; đồng nghĩa với tăng chi phí. Đây sẽ là bài toán khó cho các cửa hàng đang theo đuổi kinh doanh loại hình này.

Bên cạnh đó, nhiều bộ sưu tập của một số thương hiệu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, đã “ngủ quên trên chiến thắng”, dần đánh mất “chất” riêng, hoặc “nhân bản vô tính” sản phẩm của cơ sở khác, khiến người tiêu dùng nhàm chán, quay lưng. Tình trạng nhập hàng Trung Quốc hô biến thành sản phẩm tự thiết kế… cũng đã xuất hiện đây đó, tự đánh mất uy tín khi đang trên đà khẳng định thương hiệu.

 KHÁNH THỦY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI