NSND Lệ Thủy bị gọi sai danh hiệu
Tối 19/8, đêm trình diễn trang phục văn hóa dân tộc thuộc khuôn khổ cuộc thi Miss Grand VietNam 2023 - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM. Đây là sân chơi dành cho các NTK trẻ, thiết kế trang phục lấy cảm hứng từ những nét văn hóa truyền thống, sinh hoạt, lao động sản xuất… của các dân tộc Việt Nam.
Từ 1.000 bản vẽ, BGK chọn 220 tác phẩm bước vào vòng thuyết trình. Trong đó, có 60 mẫu được chọn thực hiện thành trang phục thật. 6 NTK là huấn luyện viên, gồm: Nguyễn Minh Công, Nguyễn Tiến Truyển, Nguyễn Minh Tuấn, Văn Thành Công, Vũ Việt Hà, Nguyễn Việt Hùng hỗ trợ các NTK trẻ hiện thực hóa ý tưởng. Mỗi đội thực hiện 10 thiết kế.
Trong đêm trình diễn, bên cạnh 44 thí sinh tham gia cuộc thi, còn có những hoa hậu, á hậu như: Hoa hậu Liên lục địa 2022 Bảo Ngọc, Hoa hậu Việt Nam 2022 Thanh Thủy, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 Huỳnh Nguyễn Mai Phương, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà, á hậu Phương Anh, á hậu Phương Nhi…
|
Trần Tiểu Vy trình diễn trang phục tên Kép thị, bên trên có sử dụng hình ảnh nhiều nữ nghệ sĩ danh tiếng, trong đó có NSND Lệ Thủy |
Trong đó, Hoa hậu Việt Nam 2018 - Trần Tiểu Vy trình diễn thiết kế mang tên Kép thị của NTK Hồ Hữu Thanh Nhã, đội HLV Nguyễn Tiến Truyển.
Khi thuyết trình về trang phục này, MC - hoa hậu Lương Thùy Linh đọc: “Trang phục lấy cảm hứng từ bản lĩnh, một lòng muốn ra trận đánh giặc cứu nước của Nguyễn Thị Bành, nữ tướng giả trai duy nhất trong lịch sử. Kép thị còn hướng đến tôn vinh những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối bà tổ Phùng Há, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Quế Trân, NSƯT Thoại Mỹ đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật cải lương, hồ quảng, hát bội”.
Tuy nhiên, danh hiệu đúng của nghệ sĩ Lệ Thuỷ là NSND. Bà được trao tặng danh hiệu này vào năm 2012, cùng đợt với NSND Bạch Tuyết. Bên cạnh đó, các nữ nghệ sĩ được đề cập chỉ hoạt động ở lĩnh vực cải lương, không hoạt động ở lĩnh vực hát bội.
Ý tưởng về chuyện Tấm Cám được sử dụng nhiều nhất
Nhìn chung, so với mùa đầu, các thiết kế được đầu tư chỉn chu về chi tiết hơn. Một số trang phục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả xem trực tiếp. Ý tưởng về chuyện cổ tích Tấm Cám xuất hiện nhiều nhất, được 3 NTK sử dụng.
Thiết kế Tâm sắc Tấm do thí sinh Lê Hoàng Phương trình diễn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả. Đây là một trong những thiết kế có hình khối lớn. Hoàng Phương cũng là thí sinh có lượng người hâm mộ đông đảo trước khi tham gia cuộc thi này.
Thị ơi mở ra của Trần Khánh Duy cũng lấy cảm hứng từ Tấm Cám, nhưng khắc họa hình ảnh người bà hứng quả thị. Sau đó, thí sinh được “hô biến” để trở thành cô Tấm. Điều này khiến khán giả reo hò. Trong khi đó, thiết kế Thị Tấm đến từ đội NTK Việt Hùng xét về phom dáng chưa thực sự ấn tượng, nhưng cách trình diễn ghi điểm.
|
Thiết kế Tâm sắc Tấm do thí sinh Lê Hoàng Phương trình diễn |
Phiêu khúc bóng rỗi (Bùi Hoàng Ân) lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa bóng rỗi. Trang phục có màu sắc bắt mắt, hình khối chặt chẽ. Thí sinh cũng thể hiện được một số động tác cơ bản của bộ môn nghệ thuật này.
Sấu xem hát bội cũng là thiết kế gây ấn tượng, lấy cảm hứng từ câu chuyện lưu truyền về một số địa danh ở miền Tây Nam bộ. Trang phục có màu sắc và hình khối thú vị, nhưng phần trình diễn của thí sinh chưa thật sự tự tin.
Vũ khúc thiên long của Nguyễn Lê Vĩnh Tường, tái hiện nghệ thuật múa lân sư rồng, không chỉ đạt về màu sắc, hình khối mà thí sinh cũng thể hiện được động tác múa đầy nội lực.
Ngọc trời nam (Lê Hữu Nhân) sử dụng màu vàng kim gây ấn tượng mạnh về thị giác. Trang phục cũng có kích thước lớn, các chi tiết được thể hiện tỉ mỉ.
Qua hiệu ứng của khán giả tại sân khấu, các thiết kế của đội HLV NTK Vũ Việt Hà nhận được nhiều sự ủng hộ, bởi ý tưởng độc đáo, cách thể hiện tỉ mỉ như: Cóc kiện trời (Nguyễn Đức Lương), Trống lân ngày hội (Cù Hoàng Long), Điệu múa tứ thần (Nguyễn Trung Thành)… Năm ngoái, cũng trong cuộc thi này, thí sinh đội của anh giành chiến thắng.
|
Thí sinh thể hiện động tác múa với trang phục Vũ khúc thiên long |
|
Sấu xem hát bội được ủng hộ vì ý tưởng độc đáo, nhưng thí sinh trình diễn chưa tự tin |
Tuy nhiên, cũng có những thiết kế từ bản vẽ được thực hiện thành mẫu thật chưa thuyết phục người xem.
Tò tét lấy cảm hứng từ nghề mua ve chai, nêu thông điệp sử dụng vật liệu tái chế, bảo vệ môi trường, nhưng về tổng thể chưa thuyết phục người xem. Thiết kế Sài Gòn by night, mô tả vẻ đẹp TPHCM về đêm nhưng chưa thể hiện được điều này rõ nét. Thiết kế Mắc võng Trường Sơn lấy ý tưởng về lịch sử dân tộc hào hùng, nhưng tổng thể trang phục rời rạc.
Trang phục Nàng sen, nếu không có bài thuyết trình cũng khiến khán giả khó hình dung về ý tưởng. Thiết kế Muối Tây Ninh được kỳ vọng nhưng thành phẩm không mang rõ tinh thần dân tộc, truyền thống. Nhiều thiết kế cồng kềnh, khối lượng lớn, buộc người trình diễn phải có ê-kíp hỗ trợ chứ không thể di chuyển trơn tru trên sân khấu như Đại nam quốc mẫu, Ơi giàng ơi…
|
Thiết kế Sài Gòn by night, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp TPHCM về đêm |
Về mặt hình ảnh, BTC cũng bố trí góc quay xoay tròn khoảng 180 độ (bullet time) để khán giả có thể quan sát được tổng thể trang phục từ trước ra sau. Trước khi phần trình diễn bắt đầu, đạo diễn Hoàng Nhật Nam, phó trưởng BGK nói: “Khi chúng ta sợ sai không làm, thì mất đi cơ hội quảng bá những giá trị truyền thống; làm ra những trang phục đẹp hơn. Bộ nào chưa hài lòng, mong khán giả tha thứ, hoan hỉ đón nhận".
Khán giả có thể bình chọn cho thiết kế yêu thích nhất trên ứng dụng do BTC đưa ra. Cổng bình chọn mở lúc 20g ngày 21/8, đóng vào lúc 20g ngày 26/8. Trang phục giành chiến thắng sẽ được đại diện Việt Nam mang dự thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023 - Miss Grand International 2023, tổ chức tại Việt Nam.
Chung kết cuộc thi diễn ra ngày 27/8, tại TPHCM.
Trung Sơn