17 tuổi, cô là tình nguyện viên cho nhiều tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong và ngoài nước.
Trở thành nhà bảo tồn năm 21 tuổi và bây giờ, ở tuổi 28, đứng trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam và Women of the Future - South East Asia. Đó là Trang Nguyễn - gương mặt sinh năm 1990, đã được dựng thành nhân vật trong trò chơi điện tử RuneScape bảo vệ môi trường, theo ý tưởng của hoàng tử Anh William vào năm 2014.
|
Trang Nguyễn trong lần đi thực địa tại khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya
|
Giấc mơ Madagascar
“Ngày bé, mẹ tặng tôi một quyển sách có hình vẽ rất đẹp về những loài thực vật trên thế giới. Baobab là loài cây tôi ấn tượng nhất. Hình ảnh cây baobab và vùng đất Madagascar cứ thế in đậm vào tâm trí. Tôi đã từng tưởng tượng mình ăn mặc như những nhà thám hiểm, đứng trước cây baobab, sờ vào vỏ cây thô cứng, áp tay vào thân cây mát rượi và ngước mắt lên nhìn ánh mặt trời chói chang ở châu Phi” - Trang Nguyễn bắt đầu “câu chuyện giấc mơ” như vậy.
Trở về nơi hoang dã (Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn) là cuốn sách được viết từ mong đợi của rất nhiều người, cũng là tác phẩm trao đi niềm hy vọng nhỏ nhoi của tác giả rằng, bất kỳ ai cũng có thể bảo vệ trái đất, từ những điều rất nhỏ. Trở về nơi hoang dã chứa đầy tình yêu thương, lòng trắc ẩn và cả ý chí, sự can trường của một người trẻ có hoài bão lớn. |
Gần 20 năm sau, cô đã làm đúng như thế khi nhìn thấy cây baobab đầu tiên ở Madagascar.
Trang Nguyễn đã thực hiện giấc mơ lớn của đời mình, theo cách không một ai ngoài chính cô có thể hình dung và đủ niềm tin. Bị bạn bè cười nhạo, bị người lớn cho là viển vông, thậm chí “không có tương lai” khi quyết định chọn theo ngành bảo tồn. Nhưng bằng sự quyết liệt, can đảm và tình yêu đối với thiên nhiên và động vật hoang dã, Trang đã từng bước hiện thực hóa mọi thứ, bất chấp khó khăn, nguy hiểm.
Hai lần phải đối diện với bạo loạn ở Madagascar, thậm chí mấy lần suýt chết trong rừng sâu. Nhưng mưa gió, mệt mỏi, sốt rét… đều không là gì trước niềm vui mỗi khi Trang tìm thấy những loài động vật quý hiếm. Số liệu nghiên cứu mỗi lúc một dày theo bao khổ ải, nhưng với Trang, mọi thứ đều “lấp lánh tuyệt đẹp”.
Những khó khăn thực tế ở Madagascar cũng không bằng định kiến của chính người Việt Nam khi cô làm nghiên cứu thực địa, tìm báo gấm ở rừng Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum). “Con gái thì làm được gì?”, “Đàn bà biết gì mà đi rừng?”... cùng bao lời trêu ghẹo tục tĩu của trai làng, dân bản đã dành cho cô gái nhỏ. “Nghiêng mình nhưng không gãy đổ” là cách mà Trang Nguyễn đối diện với những thách thức của nghề, với cả căn bệnh ung thư khi một mình ở xứ người.
Trao hy vọng
Trang Nguyễn nói cô không định viết sách. Suốt đoạn đời dài ấp ủ giấc mơ, đối mặt thử thách, từ khi là cô sinh viên mới ra trường, rồi lên thạc sĩ, tiến sĩ đều là những hành trình âm thầm đầy nỗ lực. Nhưng tình yêu lớn của cô dành cho môi trường hoang dã đã lan tỏa qua Facebook. “Tôi chia sẻ một chuỗi bài viết về những điều nhỏ nhặt tôi làm cho trái đất. Nhiều người, cả học sinh lẫn các cô chú lớn tuổi nhắn tin, rằng họ cảm thấy không còn là những người “hâm hâm” duy nhất làm những điều tưởng như vô nghĩa” - cô kể.
Khi thế giới văn minh còn bao vấn đề đáng lo thì bảo tồn thiên nhiên ở tận Madagascar nghe chừng quá xa xỉ. Nhưng không, Trang đã cho mọi người nhận diện rõ rệt ý nghĩa của tự nhiên, giá trị của rừng, của hệ sinh thái một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Rất nhiều kiến thức về thiên nhiên, môi trường trong và ngoài nước đã được Trang Nguyễn lồng ghép vào cuốn sách mới ra mắt. Từng trang viết không chỉ là những chuyến đi rừng mà còn là cách tác giả mạnh mẽ bảo vệ nữ quyền, sự tự do và khẳng định giá trị của mỗi bản ngã.
“Đi xa, đi nhiều, đến những vùng đất nghèo, sống và nghiên cứu trong rừng già không phải là hành xác. Đó là một phần công việc. Cũng nhờ những tháng ngày đó mà tính cách và lối sống của tôi hình thành, để tôi được là tôi hôm nay” - Trang bộc bạch. Hạnh phúc, vì thế, được cô định nghĩa rất giản dị: có thể là được ngủ trên nệm, mặc quần áo khô sạch sẽ, đi bộ và ăn một que kem… Hạnh phúc lớn nhất là được rừng nhìn bằng “đôi mắt xanh thẳm”, muông thú công bằng không phân biệt giới tính, màu da…
Ông Josh Kempinski - Giám đốc tổ chức bảo tồn Fauna & Flora International tại Việt Nam
Trang cũng quý hiếm như thiên nhiên hoang dã mà cô yêu, không chỉ bởi cô là một người Việt Nam với bộ hồ sơ đáng ngưỡng mộ, với nền tảng giáo dục quốc tế và kinh nghiệm thực tế; mà còn bởi cô là phụ nữ, không chịu khuất phục trước định kiến xã hội. Những gì Trang làm được có tính tiên phong và lan tỏa.
|
Bùi Tiểu Quyên