Sau khi nghe nhân viên tuần tra báo có sự cố trong đường ống cấp nước chính, hàng chục cán bộ, nhân viên xí nghiệp truyền dẫn nước sạch liền đến hiện trường, trắng đêm vá ống để nguồn nước sạch đến nhà dân không bị gián đoạn lâu. Nhưng, không phải muốn vá là vá được ngay...
Làm việc không kể ngày đêm
Sẩm tối 24/3, anh Cát Hồng Sơn - nhân viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) - đi tuần tra tuyến ống, phát hiện đoạn ống truyền dẫn chính D1500 (đường kính tiết diện 1,5m) ở đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) xì bể, liền báo cho lãnh đạo đơn vị.
|
Các kỹ sư, công nhân khắc phục sự cố xì bể ống cấp nước trên đường Phạm Văn Đồng tối 24/3 |
Sự cố được báo ngay cho nhiều đơn vị quản lý cây xanh, điện, viễn thông để phối hợp xử lý, báo cho chính quyền địa phương để khoanh vùng, điều tiết giao thông, báo cho nhà máy nước Thủ Đức 3 để giảm bơm nước qua tuyến ống này, đồng thời báo cho nhà máy Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2 để có phương án tiếp nước bằng xe bồn cho các khu vực bị cúp nước và khóa chặt 2 van nước của đoạn ống đang gặp sự cố.
Gần 19g, hơn 20 cán bộ, công nhân, tài xế của Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch có mặt tại hiện trường với đầy đủ trang thiết bị. Anh Dương Phúc Thuận - cán bộ kỹ thuật của xí nghiệp - giải thích: “Do ống nước D1500 khá lớn và chạy sâu dưới mặt đất 4,5m nên việc xác định điểm xì bể không dễ. Ống cấp nước này còn có ống thoát nước chạy song song nên công nhân phải làm thủ công để bảo vệ tuyến ống”.
Sau khi khoanh vùng đoạn ống, một nhóm công nhân liền đóng cừ gia cố, đưa xe múc chuyên dụng bóc từng lớp đất, nhóm khác dùng xà beng xăm dò để xác định vị trí ống. Để khắc phục sự cố nhanh nhất, xí nghiệp chia lực lượng thành 3 kíp trực, mỗi kíp 9-10 người, luân phiên làm việc không kể đêm ngày.
Gần 24 giờ sau, các nhóm mới đào được đến vị trí lưng ống, tháo lớp bảo vệ tuyến ống, gia cố vị trí để tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi công. Từ lỗ thăm, các thợ lặn chui vào lòng ống kiểm tra, định vị chỗ xì bể và xác định nguyên nhân xì bể là do bộ phận tê chờ bằng thép bị xâm thực (ăn mòn điện hóa). Sau khi sửa chữa, thay mới thiết bị và súc xả đoạn ống, trưa 27/3, sau 2 ngày rưỡi, 2 van nước được mở lại để dòng nước sạch hòa vào mạng lưới cấp nước của thành phố.
Hơn 10 năm công tác ở xí nghiệp, anh Dương Phúc Thuận đánh giá, sự cố trên không lớn nhưng việc khắc phục chủ yếu bằng thủ công nên mất nhiều thời gian. Cũng theo anh, có nhiều sự cố khó xử lý do vướng hệ thống thiết bị của ngành khác như dây cáp viễn thông, dây điện ngầm hóa.
Ở Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, đội duy tu, bảo dưỡng, khắc phục sự cố tuyến ống cho toàn thành phố chỉ gồm 37 cán bộ, công nhân. Mỗi sự cố xì bể ống nước lại có nguyên nhân và đặc điểm khác nhau nên xí nghiệp phải phối hợp hoặc thuê đơn vị bên ngoài hỗ trợ. Như với sự cố ống nước ở đường Phạm Văn Đồng, tuyến ống nằm ở dải phân cách, nhiều bùn nên xe bánh hơi của xí nghiệp không thể tiếp cận, phải thuê xe bánh xúc chuyên dụng.
Theo anh, có rất nhiều nguyên nhân gây xì bể ống truyền dẫn nước. Ngoài việc thiết bị hỏng hóc theo thời gian, còn có sự tác động của người dân như thi công ngay trên hành lang bảo vệ ống, tạo hố ga gây sụt lún, các phương tiện có tải trọng vượt quá sự cho phép di chuyển trên hành lang tuyến ống làm lún sụp hoặc tông các trụ bơm.
Với những tuyến ống nằm giữa lộ, mật độ giao thông lớn, việc khắc phục sự cố khá nguy hiểm bởi một số phương tiện vẫn cố tình tông vào rào chắn bảo vệ hoặc container chạy ngang làm văng đồ vật vào công nhân. Nếu thi công ban đêm thì rủi ro càng nhiều. Đã có trường hợp công nhân đang sửa chữa ống nước thì bị tài xế tông, gây thương tích.
Cần thêm ý thức của người dân, sự chung sức của chính quyền
Mỗi ngày đêm, đội duy tu, bảo trì của xí nghiệp phải “chia quân” tuần tra nhiều lần để sớm phát hiện sự bất thường và kịp thời khắc phục. Chẳng hạn, khi thấy xe quá tải trọng cho phép chạy trên hành lang bảo vệ tuyến ống hay có tình trạng xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ tuyến ống là phải kiểm tra, báo cáo ngay.
|
Thợ lặn chui qua lỗ thăm để vào trong lòng ống cấp nước D1500 xác định vị trí và nguyên nhân trong sự cố xì bể ống trên đường Phạm Văn Đồng tối 24/3 |
Anh Cát Hồng Sơn cho hay, tuyến truyền dẫn nước chính có hành lang bảo vệ mỗi bên 3m. Trước đây, mọi công trình trên hành lang bảo vệ đã được giải tỏa, đền bù nhưng ở một số nơi, người dân vẫn tiếp tục lấn chiếm. Như ở xã Hòa Phú và Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi), nhiều người vẫn chạy xe tải trọng lớn vận chuyển đất, cát san lấp và dựng mái che, hàng rào, lều, quán trên hành lang tuyến ống dọc theo đường Tỉnh lộ 15 và Bến Than.
Anh Nguyễn Đức Duy - cán bộ xí nghiệp - kể, năm 2019, xí nghiệp từng xử lý 1 trường hợp xây nhà tạm trên tuyến ống ở TP Thủ Đức. Chủ nhà tạm dùng nhà này để chứa bình ắc quy, lại còn tạo 1 hố nhỏ để đổ a xít từ các bình ắc quy xuống đất. Qua thời gian, tuyến ống bị ăn mòn, tạo ra vụ nổ lớn làm sập tường nhà, nước tràn làm hư hại tài sản, thiết bị điện tử, vùi hàng trăm bình ắc quy xuống hố, may là không gây thiệt hại về người.
Tương tự, một số người dân ở đường Trịnh Quang Nghị (quận 8) xây chuồng gà ngay trên hành lang bảo vệ tuyến ống. Khi bể ống dẫn nước, nhân viên xí nghiệp đến nhưng không thể đưa người, xe, thiết bị vào hiện trường, chính quyền địa phương phải mở đường công vụ. Do đó, việc xử lý khó khăn, kéo dài hơn, gây thất thoát nước và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Theo anh Nguyễn Đức Duy, thời gian qua, SAWACO đã cùng các đơn vị thành viên ký kết nhiều hợp đồng nguyên tắc với chính quyền các địa phương nhằm tuyên truyền và vận động người dân không lấn chiếm hành lang bảo vệ tuyến ống cấp nước, góp phần phòng ngừa, hạn chế các sự cố.
Phong Vân