Trắng đêm cùng những “thiên thần”

27/02/2013 - 19:58

PNO - PN - Gần hai giờ sáng 22/2, số thai phụ đến cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ đã lên đến con số 294. Ca bệnh thứ 295 nhanh chóng được các nữ hộ sinh chuyển gấp vào buồng khám 3 và báo cáo nhanh với bác sĩ (BS) Bùi Chí Thương của tua...

Trang dem cung nhung “thien than”

Về khuya nhưng nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến BV Nhi đồng 1 cấp cứu

Trang dem cung nhung “thien than”

Dược sĩ BV Nhi đồng 1 đang phát thuốc cho bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT

Ranh giới mong manh

Tuy nhiên, nét mặt BS Thương nhanh chóng trở lại… căng thẳng. Chưa đầy một phút sau, thai phụ Phạm Thị Xuân Bình (Q.7, TP.HCM) la hét vì đang chuyển dạ được chuyển vào buồng khám. Vài phút sau, một xe cứu thương từ Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển sản phụ Nguyễn Thị L. Ch. đang trong tình trạng rối loạn đông máu sau khi mổ lấy thai. Ngay khi xe cấp cứu đến, chị Nguyễn Thị Kim Nhân - trưởng tua trực điều dưỡng nhanh chóng đẩy xe vào buồng khám và sau gần 15 phút thăm khám, người bệnh được đưa ra khỏi buồng khám và chuyển vào buồng siêu âm.

BS Thương, BS Dung... tranh thủ vừa mổ xong liền chạy ngay xuống phòng cấp cứu để tư vấn sức khỏe cho thai phụ.

Đêm. Khu cấp cứu rộng lớn ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 rực sáng ánh đèn điện. Điện thoại BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu chốc chốc lại reo lên. BS Phương trả lời: “Trẻ con hay thở hơi ra, chị nên mua vitamin cho bé uống; còn nếu thấy lo thì cứ đến BV”. Khi chúng tôi hỏi, có phải người quen điện thoại không thì anh lắc đầu: “Tôi không biết ai gọi, nhưng người ta hỏi thì mình trả lời. Một ngày tôi trả lời cho rất nhiều phụ huynh. Giải thích cho người ta an tâm cũng là cách trị bệnh”.

23 giờ, nhiều xe taxi, xe ôm, xe gắn máy ở ngoại thành và xe cứu thương, xe hơi ở các tỉnh Vĩnh Long, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre... lại ùn ùn đổ về. Phòng khám lọc bệnh cấp cứu với số lượng bệnh nhân quá đông nên y tá trực buộc phải lấy số thứ tự. Còn khu khám ngoại, nhiều phụ huynh ẵm em bé, người xách đồ đạc... ùa vào phòng khám, thậm chí một trẻ bệnh mà có đến bốn người nhà đi theo. Dù cô y tá nhiều lần giải thích là phải đợi gọi tên, khám từng bé, nhưng các phụ huynh vẫn ùn vào. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người nhà bệnh nhi than vãn khiến khu cấp cứu thêm ngột ngạt. Các BS, y tá lại chạy tới chạy lui đang xử trí hai ca cấp cứu này thì bé gái Nguyễn Ngọc Diễm Phương (sáu tháng tuổi) từ BV Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre chuyển lên, có biểu hiện bị tắt ruột. Chưa kịp giải quyết ca bệnh thì một xe cứu thương từ Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cập cổng. Người nhà ôm bé Lê Quốc Hiếu (16 tháng tuổi) bị sốt, ói, nhanh chóng vào phòng cấp cứu.

Trang dem cung nhung “thien than”

Một ca cấp cứu ở BV Chợ Rẫy

Trang dem cung nhung “thien than”

Nữ hộ sinh BV Từ Dũ "trắng đêm"ở phòng lưu bệnh 

Tại BV Chợ Rẫy, 1g40 sáng 23/2, một xe cứu thương hú còi lao nhanh vào cổng và dừng lại trước Khoa Cấp cứu. Lẩy bẩy bước xuống, một phụ nữ lớn tuổi vội vã nói: “Mấy chú giúp một tay đưa con tui xuống. Nó va vào con lươn, bị gãy cột sống…”. Ngay lập tức, nhân viên nhận bệnh đẩy băng ca tới, đưa bệnh nhân Trần Anh Tuấn (42 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào. Một thai phụ tên Sou Pov, 34 tuổi, người Campuchia bị ung thư gan phải vượt biên giới đường bộ sang BV Chợ Rẫy cấp cứu. Chị Thủy - một điều dưỡng tua trực - chưa kịp dứt nét bút ghi lại hồ sơ nhập viện, thì một xe cứu thương khác từ tỉnh Bạc Liêu ập đến. BS Phạm Văn Khiêm, Phó khoa Cấp cứu - cho biết, trung bình bốn-năm phút có một xe cấp cứu đến BV. Trong vòng 15 phút ngồi ở hành lang khoa Cấp cứu, chúng tôi ghi nhận, có đến 10 ca cấp cứu, vận chuyển người bệnh bằng nhiều phương tiện: xe gắn máy, taxi, xe cứu thương. Tại chỗ xe đến, BV đã để sẵn 20 băng ca sẵn sàng phục vụ.

Tua trực đêm 23/2 có 10 BS và hơn 20 điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật. Từng điều dưỡng lo thấm bông rửa vết thương, thay đổi ống dịch truyền, chích thuốc, còn các BS vừa hội chẩn, kê toa thuốc, chỉ định chụp phim, xét nghiệm. Giữa khoa Cấp cứu rộng hơn 200m2, số bệnh nhân cấp cứu nằm chật cứng dài hai dãy. BS Phạm Văn Khiêm cùng tua trực vừa chẩn bệnh, vừa kiên nhẫn giải đáp cho từng bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

Bên ngoài cánh cửa phòng cấp cứu, nhiều ánh mắt nhìn qua khe cửa dõi theo sức khỏe của người nhà. Họ đang cầu nguyện phép màu đến từ những “thiên thần” áo trắng, đang chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống của bệnh nhân trong tay tử thần.

Trang dem cung nhung “thien than”

Một ca bệnh đang được đẩy nhanh vào khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy

Trang dem cung nhung “thien than”

Điều dưỡng BV Chợ Rẫy đang chích thuốc cho bệnh nhân đến cấp cứu

Buồn vui sau ca trực

“Các BS cấp cứu phải nhanh chóng, nhạy bén và quyết đoán để xử trí những ca nguy kịch. Ví dụ, những trường hợp mất nhiều máu mà chưa biết bệnh nhân thuộc nhóm máu nào thì buộc phải truyền ngay nhóm máu O. BV Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị đâm chém, tai nạn giao thông trong lúc say xỉn. Các bệnh nhân này hay bực bội, dùng những lời chưa hay, thậm chí hăm dọa BS, y tá. Thế nhưng, không vì thế mà chúng tôi bỏ mặc bệnh nhân, ngược lại, nhiệm vụ chính của nhân viên y tế là luôn biết cách thông cảm” - BS Phạm Văn Khiêm, người có thâm niên 20 năm cấp cứu người bệnh cho biết.

BS Nguyễn Thị Ngọc Trang, Phó khoa Sản C BV Từ Dũ bộc bạch: “Việc giúp cho “mẹ tròn con vuông” không chỉ là mơ ước của riêng gia đình sản phụ mà còn là nỗi trăn trở của tất cả BS vì không thể lường hết được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ngoại trừ những trường hợp do sai sót thì vẫn có những tình huống mà chúng tôi không biết giải thích thế nào cho người nhà hiểu. Cách đây không lâu, một thai phụ đến sinh, sau khi xét nghiệm, đo tim thai bình thường, siêu âm vẫn có tim thai nhưng vài phút sau bỗng dưng nhịp tim của thai ngừng đập, bé chết lưu. Khi sinh ra mới biết dây rốn thai nhi có nút thắt”.

Một đêm trắng đã qua, bình minh đang ló dạng, đội ngũ trực cấp cứu làm nốt phần việc của mình, ghi chép cẩn thận để chuyển ca cho tua sau. Người bệnh qua cơn nguy kịch, thoát khỏi lưỡi hái tử thần là hạnh phúc vô kể của đội ngũ trực cấp cứu. Nhưng niềm vui hiếm khi nào trọn vẹn...

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI