Đây là một ý tưởng rất… nguy hiểm, vì theo các chuyên viên về luật, việc trang bị vũ khí cho trẻ là không cần thiết, có thể vô tình biến trẻ thành tội phạm.
|
Các loại dao, bình xịt hơi cay thuộc loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ dù cấm kinh doanh vẫn được rao bán đầy trên các trang mạng |
Vũ khí cấm tràn lan trên mạng
Chị Loan, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM cho biết, nhà chị ở sâu trong KCN Vĩnh Lộc, dân cư thưa thớt, đa số là các dãy phòng trọ, quang cảnh vắng vẻ, cây cối um tùm. Chồng mất, chị một mình kiếm tiền nuôi con, nên con gái chị tự đạp xe đi học. Gần đây, nghe quá nhiều thông tin về việc xâm hại trẻ em, chị rất sợ, thấy con đi học về muộn một chút là phát hoảng.
Nghe các bà mẹ trong xóm bàn nhau mua bình xịt hơi cay cho con phòng thân, chị cũng tìm mua. Từ ngày cho con gái mang theo bình xịt bên mình, chị cũng bớt lo hẳn. Không riêng người lớn, nhiều trẻ vị thành niên cũng chủ động trang bị cho mình vũ khí phòng thân vì tìm mua rất dễ dàng, giá cả cũng chẳng đắt đỏ gì. Chỉ cần vài cái nhấp chuột là vài giờ sau sẽ có người giao tận nhà.
Trên internet hiện có vô số trang mua bán trực tuyến đủ loại vũ khí công khai. Thử liên hệ cửa hàng Prostore9x, chúng tôi được một nam nhân viên cho biết chỉ bán online, khách cứ đặt hàng, sẽ có người giao đúng địa chỉ yêu cầu. Một trang mạng hiếm hoi có địa chỉ 75 Trần Văn Đang (Q.3) thì đó chỉ là nơi bảo hành, đổi trả sản phẩm (SP).
Nhiều cửa hàng bán bình xịt hơi cay hiệu Nato chỉ 220.000đ/bình nhưng cửa hàng Kat và Bally (15/4 Tân Chánh Hiệp, Q.12) lại rao đến 500.000đ/bình, bảo đảm SP nhập từ Đức, nên thường xuyên "cháy" hàng. Tại trang bán hàng trực tuyến sendo.vn, tìm “vũ khí tự vệ” sẽ thấy ngay hàng ngàn SP của hàng trăm cửa hàng.
Điểm chung của những vũ khí này là “ngụy trang” thành các vật dụng thường dùng nhưng khi cần sử dụng thì khả năng sát thương khá cao, giá lại bèo, chỉ dao động từ 135.000-409.000đ/SP, nên rất thu hút người tìm mua.
Chẳng hạn set vũ khí Naruto bạc queenie gồm hai cây dao, bốn cây phi tiêu; gậy tự vệ khi gập lại chỉ còn 25cm nhưng kéo ra dài 65cm; đèn pin tự vệ vừa chích điện gây bất tỉnh, vừa chiếu sáng làm tạm mù mắt đối tượng trong 5 phút; tay đấm gấu; bút dao với một đầu là dao, một đầu là bút; móc khóa báo động tự vệ; móc khóa thép hình đinh; dao xếp hình thẻ ATM; móc khóa dao với lưỡi dao được giấu kín bên trong chuôi; nhẫn đinh tự vệ…
Nhiều trang web còn rao bán các loại vũ khí có độ sát thương cao, có thể gây chết người như kiếm, đao, súng… nhưng cũng không thấy cơ quan chức năng nào nhìn đến.
Vi phạm pháp luật
Theo khoản 1, điều 3, Pháp lệnh 16/2011 của UB Thường vụ QH, những SP như dao găm, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ... được rao bán trên các trang mạng gọi chung là vũ khí thô sơ; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất gây ngứa, dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao... là vũ khí hỗ trợ. Cả hai loại vũ khí này đều có quy định rõ ràng về việc quản lý và sử dụng.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ vào đó, đa số vũ khí đang được rao bán công khai đều vi phạm Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh 16.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2014 còn cấm kinh doanh vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự chuyên dùng của các lực lượng vũ trang; kinh doanh đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Pháp lệnh cũng quy định việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ do các cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
Cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự và chỉ được nhượng, bán công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được phép trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp lệnh này. Như vậy, rõ ràng là việc kinh doanh vũ khí là bị cấm.
Theo luật sư Nghĩa, xét về tình hình an ninh trật tự xã hội hiện nay của Việt Nam thì việc trang bị vũ khí cho trẻ là chưa thật sự cần thiết. Ngoài ra, việc trang bị vũ khí cho trẻ trong khi trẻ chưa được hướng dẫn sử dụng một cách bài bản, chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật, vô hình trung sẽ dẫn đến những hệ quả: trẻ dùng vũ khí tấn công người khác khi không thật sự cần thiết; trẻ vượt quá mức phòng vệ chính đáng.
Mặt khác, trẻ còn có thể bị khởi tố theo quy định tại điều 233, Bộ luật Hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Việc mang vũ khí trong người sẽ bị xử lý về hành vi “Mang theo người phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ”.
Công dân có quyền sở hữu các vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4, điều 3, pháp lệnh trên, nhưng không được vận chuyển, sử dụng, lạm dụng các vũ khí đó để xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác.
Việc trang bị vũ khí cho trẻ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dẫn đến những tác hại như hình thành tính bạo lực ở trẻ. TS xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, có nhiều học sinh cấp II giấu sẵn vũ khí tự vệ trong cặp, chỉ cần một xích mích nhỏ với bạn bè là lấy ra đánh nhau.
Từng có nhiều vụ bạo lực học đường, án mạng chỉ vì người trẻ mang theo sẵn vũ khí. Phụ huynh không nên trang bị vũ khí cho trẻ vì với trẻ lớn thì dễ hình thành tính cách xấu, với trẻ nhỏ càng nguy hiểm hơn vì trẻ hay tò mò, nghịch phá, có thể gây tổn thương cho bản thân và bạn bè.
Thay vì trang bị vũ khí, hãy dạy trẻ biết cách bảo vệ cơ thể, trân trọng cơ thể; dạy trẻ biết cách giao tiếp, ứng xử đúng với các bạn và người lạ; dạy trẻ kỹ năng phòng vệ khi có chuyện bất trắc như biết la cầu cứu, bỏ chạy, biết tấn công lại, biết giả vờ thế nào để thoát khỏi kẻ xấu. Đặc biệt, cần cho trẻ học võ, học bơi để trẻ khỏe mạnh và tự tin.
Thanh Hoa