PNO - Không chỉ hỗ trợ đơn thuần về vật chất, những học trò vượt khó, vươn lên trong học tập còn được trang bị những kỹ năng mềm cần thiết. Các em cũng được những nhà tài trợ, bảo trợ chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp để tự tin, vững vàng bước vào cuộc sống.
Mở đầu lớp học Tỏa Sáng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) trong tháng Mười này, thạc sĩ Nguyễn Thanh Ngà - chuyên viên tâm lý học đường Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình, TP Hà Nội - đã hướng dẫn 46 thành viên thiền, giúp các em giảm stress, lo lắng, nâng cao khả năng chú ý, cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng cường sức khỏe thể chất… Sau đó, ông Ninh Việt Tú - Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp và bảo dưỡng cơ điện VNK (TP Hà Nội) - cùng các em đọc “4 lời hứa từ tâm”: “Tôi đồng hành cùng đồng đội”, “Tôi kỷ luật để nuôi dưỡng thói quen tốt”, “Tôi phụng sự vô điều kiện”, “Tôi học tập suốt đời”.
Trong mỗi buổi học, các em đều được rèn kỹ năng làm việc nhóm - Ảnh: Hữu Trọng
Đó luôn là những “nghi thức” đầu tiên ở lớp học Tỏa Sáng - nơi tập hợp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội. 46 thành viên là 46 hoàn cảnh, số phận. Có em mồ côi cha, có em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải nương nhờ ông, bà hoặc cô, chú… Song các em có một điểm chung là nỗ lực vượt qua nghịch cảnh vươn lên học tốt. Như em Vũ Thị Hảo (sinh năm 2009) ở xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức giành giải Nhì môn khoa học, giải Ba môn hóa học kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Em Đặng Thị Huyền Nhi (sinh năm 2009) ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất giành giải Ba môn vật lý kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Lê Thị Minh Anh (sinh năm 2009) ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai được công nhận học sinh giỏi thành phố môn tiếng Anh. Còn Trịnh Thị Mỹ Duyên (sinh năm 2009) ở xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ giành giải Nhì môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố…
Ở lớp học Tỏa Sáng tháng Mười, 46 thành viên chia thành 6 nhóm, cùng thảo luận và thuyết trình về kỹ năng ghi nhớ, kỹ năng viết, kỹ năng đọc và kỹ năng nghe. Cũng như những tháng trước, các nhóm đều nhận xét và chấm điểm chéo về phần thuyết trình của nhau. Ông Ninh Việt Tú nhận xét: “Còn một vài lỗi nhỏ cần chú ý nhưng cả 6 nhóm đã có bài thuyết trình xuất sắc, để lại ấn tượng tốt cho người nghe. Đó là một kết quả đáng được ghi nhận và biểu dương”. Không khí lớp học càng thêm sôi nổi khi Nguyễn Thị Thường - thành viên khóa đầu tiên của lớp học Tỏa Sáng - chia sẻ với các em đồng cảnh ngộ những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm của bản thân trong thời gian học tập, ôn thi… Mẹ Thường mắc bệnh tâm thần. Bà cũng không biết ai là cha của con gái mình. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng 4 năm trước, Thường đã giành được học bổng 2,2 tỉ đồng của Trường đại học Fulbright Việt Nam.
“Từ câu chuyện chị Thường chia sẻ, chúng em được khơi nguồn cảm hứng học tập, có thêm động lực để nỗ lực vươn lên. Chị còn giúp chúng em hiểu rõ bản thân là ai, muốn gì và phải làm gì để đạt được mong muốn đó” - em Thu Thủy nói và cho hay, khi Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đến nhà khảo sát gia cảnh và giới thiệu về lớp học, em rất muốn tham gia. Em hy vọng đây là môi trường để làm quen thêm nhiều người bạn mới, cùng nhau phấn đấu, vươn lên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Phá bỏ “chiếc kén”
Trang bị các kỹ năng mềm, chia sẻ những vấn đề trong nghề nghiệp, công việc, cuộc sống; truyền cảm hứng để học tập, nỗ lực… là những gì học viên của lớp học Tỏa Sáng nhận được trong nhiều năm qua. Lớp học do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện từ năm 2017 với mục đích hỗ trợ học tập cho học sinh THPT có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vượt khó học tốt.
Sau đó, lớp học chuyển hướng, các em không chỉ được bổ sung kiến thức, kinh nghiệm học tiếng Anh, kỹ năng sống mà còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp nhằm giúp các em chọn được trường đại học, cao đẳng phù hợp. Mỗi tháng lớp học tổ chức 1 buổi. Mỗi buổi học đều được lên chương trình, chủ đề và mời các chuyên gia, nhà tài trợ, doanh nhân đứng lớp chia sẻ với các em về kỹ năng, nhận thức; truyền cho các em động lực vươn lên, phát triển bản thân để đi đến thành công.
Em Lê Lan Anh đến từ huyện Thanh Trì chia sẻ, trước đây em rất ngại giao tiếp, thường sống thu mình. Gia cảnh khó khăn càng khiến em tự ti hơn. Em thật thà nói: “Ban đầu, em cùng một số bạn tham gia vì đi học được hỗ trợ tiền. Nhưng chỉ sau một vài buổi học, em nhận thấy những gì mình nhận được giá trị hơn vật chất rất nhiều. Em hiểu việc trước đây em quá hướng nội, khép kín… là những hạn chế rất lớn của bản thân”.
Các em thực hành kỹ năng thuyết trình - Ảnh: Hữu Trọng
Từ đó, Lan Anh đã cởi mở, tự tin hơn và thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Em hồ hởi kể: “Em nhớ nhất buổi cô Ngà chia sẻ chủ đề Giá trị sống: Sự tử tế. Chúng em liệt kê ra giấy những điều muốn người khác đối xử với mình theo cách như thế nào rồi chia sẻ điều đó với cả lớp. Cô Ngà đã giúp chúng em nhận thấy sự tử tế giúp mỗi người sống vui vẻ, hạnh phúc, làm quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp, xã hội tiến bộ, văn minh hơn. Cũng nhờ sống tử tế mà con người biết đồng cảm, yêu thương và sẻ chia với nhau nhiều hơn”.
Theo bà Kiều Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội - một trong những giá trị của lớp học Tỏa Sáng là định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh THPT có hoàn cảnh khó khăn, xác định đúng hướng đi trong lựa chọn nghề nghiệp và tập trung nguồn lực để thực hiện ước mơ. Qua đó giúp các em tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Quá trình này có sự giúp sức, hỗ trợ hiệu quả của các doanh nhân. Họ không chỉ là nhà tài trợ, bảo trợ, mà còn là những diễn giả, những bậc thầy trong cuộc sống của các em. Họ trao đổi, chia sẻ với các em kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, lập kế hoạch cho cuộc sống, xây dựng mục tiêu…” - bà cho biết.
Lãnh đạo trung tâm cũng như các nhà tài trợ đều mong muốn từ kiến thức, kỹ năng được trang bị, các em sẽ vận dụng tốt, mang đến thành công cho bản thân. Đồng thời, sau khi trưởng thành, các em quay lại hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh như mình. Có như vậy, việc hỗ trợ mới đạt kết quả cụ thể và mang lại nhiều giá trị.
Học kỳ II năm học 2023-2024, có 5 thành viên của lớp học Tỏa Sáng giành giải cao trong các kỳ thi Olympic liên cụm: Bùi Duy Hùng giành giải Khuyến khích môn lịch sử, Huy chương Bạc môn Karatedo; Phùng Văn Khánh giành giải Nhì môn toán; Nguyễn Thị Huyền Trang giành giải Ba môn địa lý; Hoàng Thu Thủy giành giải Nhì môn địa lý; Phạm Thị Minh Ngọc giành giải Ba môn vật lý.
Năm 2024, lớp học có 60 em đậu đại học, cao đẳng. Những cái tên như: Trịnh Đình Toàn (sinh viên Học viện Quân y), Lê Mạnh Quyết (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội); Nguyễn Thị Diệu My (sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội)… không chỉ là niềm tự hào của lớp học Tỏa Sáng mà còn là những người dẫn đường, truyền cảm hứng, động lực cho các lớp đàn em.
Vừa trao cần câu, vừa dạy các em cách câu cá
Là người khởi xướng ý tưởng thành lập lớp học đặc biệt này, ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong - cho hay, mục đích của lớp học là vừa trao cho các em cần câu, vừa dạy các em cách câu cá. Đồng hành cùng lớp học từ những ngày đầu, ông Ninh Việt Tú chia sẻ: “Thực tế những năm qua, các thầy cô trong trường dạy học sinh rất tốt về kiến thức tự nhiên - xã hội, khoa học nhưng khuyết thiếu trong việc dạy về nhận thức, kỹ năng phát triển bản thân để trở thành con người hướng thiện… Ở lớp học Tỏa Sáng, các em được trang bị kiến thức và kỹ năng quan trọng như: quản lý tài chính, quản lý mục tiêu, lập kế hoạch cho cuộc đời, khả năng vượt qua được những áp lực, chăm sóc sức khỏe, vun bồi đạo đức, học cách cho đi… Những kiến thức, kỹ năng đó sẽ giúp các em phân biệt được phải - trái, có cách ứng xử phù hợp và có phương pháp học tập hiệu quả hơn”.
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.
Thí sinh tham dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực; người có khuyết tật nặng, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt... sẽ được miễn thi một số môn.
Tiếp tục hành trình hiện thực hóa hàng triệu ước mơ, FE CREDIT phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin-Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng.